|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phá sản vì Covid-19 nếu các ngân hàng không hành động gấp, nhưng hệ thống ngân hàng cũng đang trong cơn bĩ cực

23:53 | 23/02/2020
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc khẳng định họ không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trước thời hạn trả nợ hay thanh toán lương, trong khi nhiều ngân hàng đang thiếu vốn và đối mặt với tỉ lệ nợ xấu cao.

Brigita, giám đốc của một trong những đại lí xe hơi lớn nhất Trung Quốc, đang cạn dần sự lựa chọn. 100 cửa hàng bán xe của bà đã ngừng hoạt động khoảng một tháng do Covid-19. 

Dự trữ tiền mặt cạn dần và các ngân hàng không muốn gia hạn khoản nợ vài tỉ nhân dân tệ sắp đáo hạn trong vài tháng tới. Bà cũng còn phải nghĩ tới nhiều chủ nợ khác nữa.

"Nếu chúng tôi không thể trả nợ, tình hình sẽ rất tệ", Brigita thừa nhận. Công ty của bà thuê khoảng 10.000 người và bán những thương hiệu xe hơi tầm trung và cao cấp như BMW. Bà yêu cầu không đưa họ để giữ bí mật danh tính.

Hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phá sản vì Covid-19 nếu các ngân hàng không hành động gấp, nhưng hệ thống ngân hàng cũng đang trong cơn bĩ cực - Ảnh 1.

Một đại lí xe hơi ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Với việc phần lớn nền kinh tế Trung Quốc vẫn "án binh bất động" do chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 khiến hơn 75.000 người nhiễm, hàng triệu doanh nghiệp trên khắp đất nước đang chạy đua với thời gian để tồn tại.

Một cuộc khảo sát đối với hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc trong tháng 2 cho thấy khoảng 1/3 số doanh nghiệp đó chỉ có đủ tiền mặt để trang trải chi phí cố định trong một tháng, và 1/3 sẽ hết tiền mặt sau hai tháng.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã giảm lãi suất, yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay và giảm các tiêu chí cho vay để giới doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, nhiều doanh nghiệp tư nhân khẳng định họ không thể tiếp cận nguồn vốn trước thời hạn trả nợ hay thanh toán lương. Nếu sự hỗ trợ tài chính không tăng hay nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi kịp thời, một bộ phận giới doanh nghiệp tư nhân sẽ phải ngừng hoạt động.

"Nếu Trung Quốc không thể ngăn virus trong quí đầu tiên, tôi dự đoán hàng triệu doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc sẽ phá sản", Li Changshun, một nhà phân tích của công ty tư vấn quản lí Beijing Zhonghe Yingtai, phát biểu.

Mặc dù chiếm tới 60% nền kinh tế và 80% việc làm ở Trung Quốc, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân vẫn khó vay vốn ngân hàng để mở rộng trong thời kì bùng nổ và tồn tại trong giai đoạn khủng hoảng.

Sự hỗ trợ của các ngân hàng lớn ở Trung Quốc trong giai đoạn dịch Covid-19 khá nhỏ giọt, và phần lớn số vốn dành cho hoạt động ngăn virus. Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC), nhà băng lớn nhất ở đại lục, mới chỉ cấp khoản vay cho khoảng 5% doanh nghiệp nhỏ từng là khách hàng của họ.

Trong một email dành cho Bloomberg, ICBC khẳng định họ đã dành 770 triệu USD để giúp các doanh nghiệp nhỏ chống virus.

"Chúng tôi phê chuẩn đơn đề nghị vay vốn của doanh nghiệp nhỏ ngay khi họ tới ngân hàng", ICBC nhấn mạnh.

254 tỉ nhân dân tệ là số tiền mà các ngân hàng Trung Quốc cho giới doanh nghiệp nhỏ vay để khống chế Covid-19, tính tới ngày 9/2, theo Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc. Ngay cả những ngân hàng ngoại như Citigroup cũng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các yêu cầu khắt khe của ngân hàng và danh sách những doanh nghiệp trong diện ưu tiên vay mà Ngân hàng Trung ương công bố khiến hàng triệu doanh nghiệp nhỏ chỉ có thể đứng nhìn. Trong khi đó, nhiều chính quyền địa phương và ngân hàng qui định mức trần vay.

Thực tế đó rất bất lợi đối với Brigita, bởi công ty của bà nợ hơn chục ngân hàng. Bà kể rằng bà mới chỉ đạt một thỏa thuận với vài chủ nợ về việc kéo dài thời hạn trả nợ thêm hai tháng.

"Hiện tại, công ty vẫn trả lương cho người lao động", Brigita nói.

Ngay từ trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đã phải vật lộn để tồn tại do chiến tranh thương mại và nỗ lực kiềm chế hoạt động vay vốn khiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỉ hồi năm ngoái.

Rủi ro cao nhất thuộc về những doanh nghiệp thâm dụng lao động và những nhà cung cấp dịch vụ như nhà hàng, du lịch, hàng không, siêu thị, theo hãng Lianhe Rating.

Các ngân hàng cũng chẳng khá hơn. Nhiều ngân hàng đang thiếu vốn và đang trải qua thời kì khó khăn sau hai năm đối mặt với tỉ lệ vỡ nợ kỉ lục. 

Hãng tín dụng S&P Global ước tính tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể tăng gấp hơn 3 lần - đạt khoảng 6,3% và tương đương 5,6 nghìn tỉ nhân dân tệ - nếu tình trạng phong tỏa kinh tế tiếp tục kéo dài.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Cửu Dương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.