Được ông Trump giảm thuế, doanh nghiệp Mỹ dồn 1.000 tỉ USD mua cổ phiếu quĩ chứ không tái đầu tư
Doanh nghiệp ồ ạt mua cổ phiếu quỹ, 'dao hai lưỡi' |
Theo thống kê mới đây của hãng nghiên cứu TrimTabs Investment, các doanh nghiệp Mỹ đã mua lại khối lượng cổ phiếu trị giá hơn 1.000 tỉ USD trong năm 2018 – khối lượng cao chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ.
Giá trị mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ tăng vọt vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD sau chính sách giảm thuế của ông Trump. Nguồn: TrimTabs Investment Research |
Năm 2018 cũng là năm đủ đầu tiên sau khi Tổng thống Trump kí thông qua Đạo luật Giảm thuế và Tạo việc làm (Tax cuts and Jobs Act) vào tháng 12/2017, hạ thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, tương ứng tỉ lệ giảm 40%.
Thực tế, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào các lĩnh vực tạo việc làm như xây nhà máy hay mua thiết bị tăng lên trong quí đầu tiên của năm 2018, nhưng sau đó liên tục sụt giảm.
Thay vào đó, các doanh nghiệp lại đẩy mạnh mua lại cổ phiếu của chính mình để làm cổ phiếu quĩ, qua đó thổi phồng tỉ lệ thu nhập trên cổ phiếu (EPS) và làm tăng giá cổ phiếu.
Con số 1.000 tỉ USD này lớn hơn GDP của 166 quốc gia trên thế giới. GDP hàng năm của Việt Nam vào khoảng 225 tỉ USD.
Mua lại cổ phiếu nên bị coi là phạm pháp?
Ông Mark Yusko – nhà sáng lập và CEO của quĩ Morgan Creek Capital nói: “Ông Trump gọi đây là luật cải tiến thuế, nhưng tôi cho đây là “cải lùi”. Đây như là một món quà dành cho những người giàu đã chi rất nhiều tiền để vận động chính sách (lobby)”.
Thay vì sử dụng số tiền thuế tiết kiệm được từ luật này để đầu tư kích thích nền kinh tế, các doanh nghiệp Mỹ chỉ đang “mua lai cổ phiếu công ty mình để đẩy giá lên”.
Ông Yusko cho biết trước năm 1982, hoạt động mua lại cổ phiếu bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ đặt ngoài vòng pháp luật. “Tôi nghĩ ngày nay mua lại cổ phiếu vẫn nên bị coi là giao dịch nội gián và phi pháp”, ông nói.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã bắt đầu nhắm vào hoạt động mua lại này.
Cụ thể, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer và Bernie Sanders đang công bố một dự luật với nội dung yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư cho nhân viên của mình cũng như cộng đồng và xã hội bằng các cách như trả lương tối thiểu 15 USD/giờ, cho phép 7 ngày nghỉ ốm, cung cấp quĩ hưu trí hợp lí và bảo hiểm xã hội tin cậy hơn … rồi mới được phép mua lại cổ phiếu.
Nói cách khác, hai thượng nghị sĩ này muốn lập ra một tiêu chuẩn tối thiểu mà các doanh nghiệp phải đạt được để hỗ trợ người lao động và nền kinh tế trước khi mua lại cổ phiếu.
Tiền chạy đi đâu: Người giàu càng thêm giàu
Ông Lloyd Blankfein - cựu CEO của Ngân hàng Goldman Sachs đã sử dụng dòng tweet đầu tiên của mình trong 6 tháng để bảo vệ quyền tự do mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp.
“Tiền không tự biến mất, nó chỉ được dùng để tái đầu tư vào những doanh nghiệp có tỉ lệ tăng trưởng cao hơn, giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và việc làm. Như vậy là sai sao?” Ông Blankfein đăng trên Twitter.
Ông Yusko không đồng ý, ông cho rằng dòng tiền mà các doanh nghiệp thu được từ chính sách giảm thuế không được phân phối lại cho đông đảo người lao động, người dân mà chỉ chuyển từ túi người giàu này sang túi người giàu khác.
“Tôi nghĩ mua lại cổ phiếu là một hành vi thao túng giá”, ông nói.
Thay vì chi hàng tỉ USD cho việc mua lại cổ phiếu ông Yusko cho rằng các doanh nghiệp nên hỗ trợ xã hội nhiều hơn thông qua việc tái đầu tư vào các dự án, xây dựng nhà máy mới và đào tạo công nhân.
“Thật khó có thể tin là một công ty như Apple lại đang ngồi trên đống tiền mặt trị giá 260 tỉ USD. Chẳng lẽ một công ty với toàn những thiên tài xuất chúng mà không nghĩ ra được việc gì hay ho nên làm với số tiền đó ư?” ông Yusko nói.
Thời điểm cuối năm 2018, Apple đang nắm giữ 245 tỉ USD tiền mặt. Trong quí cuối năm, công ty này chi 9 tỉ USD để mua lại cổ phiếu. Trong ba tháng đầu năm 2018, Apple chi 22,8 tỉ USD để mua lại cổ phiếu – con số cao kỉ lục trong một quí của một doanh nghiệp trong lịch sử nước Mỹ.
Một số người ủng hộ mua lại cổ phiếu thì cho rằng đa số nhân dân được hưởng lợi từ hoạt động này. Theo thống kê của hãng khảo sát Gallup vào năm 2016, quá nửa – khoảng 52% - số hộ gia đình tại Mỹ sở hữu cổ phiếu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các quĩ hưu trí.
Năm 2016, khoảng 52% số hộ gia đình Mỹ sở hữu cổ phiếu, giảm mạnh so với năm 2007. Nguồn: Gallup |
Tuy nhiên, những người phản đối thì lập luận rằng, mặc dù số hộ gia đình sở hữu cổ phiếu khá lớn nhưng giá trị mà họ sở hữu là không đáng kể. Đa số cổ phiếu nằm trong tay giới người giàu và siêu giàu.
Cụ thể, theo thống kê của giáo sư Edward Wolff tại Đại học New York, năm 2016, top 10% những người giàu nhất nước Mỹ sở hữu tới 84% giá trị cổ phiếu trên toàn thị trường chứng khoán, 80% những người nghèo nhất phải chia nhau 6,7% giá trị cổ phiếu.
Nguồn: Edward Wolff. |
Mua lại cổ phiếu giúp giá cổ phiếu tăng lên và người được lợi nhiều nhất là top 10% người giàu nhất.
Ông Yusko cho rằng mua lại cổ phiếu đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập và của cải của nước Mỹ.
“Đây là một vòng luẩn quẩn làm lợi cho một số ít người trong xã hội,” ông Yusko nói.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/