Fed đột ngột hạ lãi suất về 0% và bơm tiền 700 tỉ USD vì COVID-19
Trong thông cáo sau cuộc họp chiều Chủ nhật (15/3 theo giờ Mỹ, sáng sớm thứ Hai 16/3 giờ Việt Nam), Fed cho biết "Dịch COVID—19 đã gây tổn hại cho cộng đồng và làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở nhiều nước trong đó có Mỹ. Điều kiện tài chính toàn cầu cũng bị ảnh hưởng đáng kể".
Trong bối cảnh đó, Fed đã quyết định hạ lãi suất quĩ liên bang từ khoảng mục tiêu 1-1,25% xuống còn 0-0,25%. Fed cho biết sẽ duy trì khoảng lãi suất thấp mới này "cho đến khi nào chắc chắn nền kinh tế đã vượt qua các sự kiện gần đây và đang trên đà đạt được các mục tiêu toàn dụng việc làm và ổn định giá cả".
Lãi suất quĩ liên bang được dùng làm chuẩn tham chiếu quan trọng cho hoạt động vay mượn trên thị trường tiền lệ liên ngân hàng Mỹ, đồng thời là tham chiếu của nhiều loại lãi suất vay tiêu dùng.
Trong thời gian dài hơn 7 năm từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Fed đã duy trì cận dưới của khoảng lãi suất mục tiêu ở mức 0%. Đây là lần đầu tiên Fed sử dụng lại chính sách lãi suất 0% kể từ tháng 12/2015.
Đối mặt với tình trạng hoạt động của các thị trường tài chính bị gián đoạn, Fed cũng giảm cả lãi suất cho vay khẩn cấp qua cửa sổ chiết khấu từ 1,5% xuống còn 0,25% đồng thời kéo dài kì hạn cho vay lên 90 ngày.
Cửa sổ chiết khấu "đóng một vai trò quan trọng trong hỗ trợ thanh khoản và sự ổn định của hệ thống ngân hàng, đồng thời là một công cụ hiệu quả để thực thi chính sách tiền tệ … [và] hỗ trợ dòng chảy tín dụng thông thoáng đến với từng hộ gia đình và doanh nghiệp", Fed cho biết.
Cửa sổ chiết khấu là một phần của chức năng "người cứu cánh cuối cùng" của Fed đối với ngành ngân hàng. Các tổ chức có thể sử dụng cửa sổ này khi cần thanh khoản, tuy nhiên một số tỏ ra e ngại vì việc vay khẩn cấp từ Fed cho thấy ngân hàng đang gặp vấn đề về tài chính, gửi đi thông điệp không tốt tới thị trường.
Cũng sau buổi họp hôm 15/3, Fed hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với hàng nghìn ngân hàng xuống còn 0%. Thêm vào đó, trong một hoạt động hợp tác với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, Fed cho biết NHTW của Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu, Thụy Sỹ và Fed sẽ hành động để tăng cường thanh khoản của đồng đô la trên khắp thế giới thông qua các thỏa thuận hoán đổi (swap) đô la hiện có.
Fed cũng sẽ thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (quantitative easing – QE) với tổng trị giá 700 tỉ USD bằng cách mua lại trái phiếu chính phủ (500 tỉ USD) và chứng khoán bảo đảm bằng khoản vay và được chính phủ bảo lãnh (200 tỉ USD).
Theo CNBC, việc Fed công bố một loạt biện pháp mạnh tay như trên trong cùng một ngày là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hơn 100 năm của ngân hàng trung ương này. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các biện pháp kể trên cũng chỉ được thực hiện dần trong vòng vài tháng chứ không phải trong một ngày.
Tại cuộc họp hôm 15/3, ông Loretta Mester - Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland là người duy nhất bỏ phiếu phản đối quyết định hạ lãi suất về khoảng 0-0,25%, thay vào đó ông chỉ ủng hộ giảm lãi suất về khoảng 0,5-0,75%, tức giảm 50 điểm cơ bản.
Sau khi Fed công bố loạt chính sách nới lỏng tiền tệ nói trên, thị trường phái sinh Mỹ ngày 15/3 giảm kịch biên độ 5%, Dow Jones futures sụt hơn 1.000 điểm.
Lần gần đây nhất Fed hạ lãi suất là tại phiên họp bất thường hôm 3/3 vừa qua. Khi đó Fed đã giảm lãi suất khẩn cấp từ khoảng 1,5-1,75% về 1-1,25%, tương đương giảm 50 điểm cơ bản. Thông thường trong mỗi lần họp, Fed chỉ điều chỉnh lãi suất tăng hoặc giảm 25 điểm cơ bản, ngoại trừ trong các trường hợp khủng hoảng như năm 2008.
Tuần trước, Fed còn tăng cường qui mô cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lên con số khổng lồ 1.500 tỉ USD.
Quyết định hôm 3/3 của Fed từng bị nhiều chuyên gia và nhà phân tích chỉ trích là quá mạnh tay, không cần thiết và rằng Fed đã "lãng phí chút đạn dược quí báu" trong cuộc chiến lâu dài chống tác hại kinh tế của dịch COVID-19.
Tuy nhiên Fed dường như có những lí lẽ riêng cho chính sách của mình và quyết định hôm 15/3 tỏ ra còn táo bạo và "lãng phí" hơn so với trước. Giờ đây nếu Fed tiếp tục giảm, khoảng lãi suất điều hành tại Mỹ sẽ xuống dưới 0%.
Theo lịch họp được công bố từ đầu năm, cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ được thực hiện trong hai ngày 17-18/3. Hiện chưa rõ sau cuộc họp khẩn cấp ngày 15/3 vừa kết thúc cách đây vài giờ, Fed có tiếp tục họp phiên thường lệ 17-18/3 hay không.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/