Làn sóng sa thải, ngừng hoạt động của giới doanh nghiệp ở Mỹ đã bắt đầu, người lao động mất việc bất thình lình
Đang tận hưởng một ngày nghỉ làm hôm 12/3, Angela Gervasi, một cô gái ở thành phố New York, nhận một tin nhắn từ đồng nghiệp: "Cậu biết tin chưa?".
Rồi người đồng nghiệp báo tin dữ. Nhà hàng P.J. Clarke’s mà cô đang làm việc đã quyết định sa thải cô và một số nhân viên. Họ thông báo quyết định thôi việc trong một thư, với lí do là nhà hàng khó khăn bởi COVID-19. Vào thứ Hai tuần sau, nhà hàng ngừng hoạt động.
Chưa kịp xử lí tin sốc, Gervasi tiếp tục nhận tin dữ: Đài phát thanh Florida mà cô từng nộp đơn ứng tuyển thông báo rằng quá trình tuyển dụng sẽ lùi lại do đài chuyển sang chế độ làm việc ở nhà. Sau đó, hôm 16/3, cô nhận một tin buồn nữa. Một nhà hàng mà cô đang học nấu món để trở thành đầu bếp đã đóng cửa.
"Mọi doanh nghiệp đều sợ tuyển nhân sự. Không ai thực sự biết việc gì sắp xảy ra", cô gái 24 tuổi nói với The New York Times.
Nguy cơ mà COVID-19 gây ra với thị trường việc làm Mỹ
Dù việc gì xảy ra, một điều đang trở nên rõ ràng: Khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động tới thị trường việc làm Mỹ, tổn thất có khả năng sâu và lâu hơn so với kết cục mà mọi người có thể hình dung thậm chí một tuần trước.
Hôm 17/3, tập đoàn khách sạn Marriott International thông báo họ sẽ bắt đầu giảm hàng chục nghìn nhân viên trên toàn thế giới. Các nhà hàng, quán cà phê, phòng gym và những doanh nghiệp nhỏ khác bắt đầu sa thải nhân viên ngay lập tức. Hôm 16/3, làn sóng xin trợ cấp từ những người mới mất việc khiến trang web của hệ thống bảo hiểm thất nghiệp thành phố New York tê liệt.
Với tốc độ khá nhanh, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Washington đều chấp nhận những đề xuất hỗ trợ tiền mặt cho người dân Mỹ để bù đắp tổn thất kinh tế. Hôm 17/3, Tổng thống Donald Trump tán thành chủ trương ấy, sau khi ông đã đề xuất giảm thuế thu nhập trước đó.
Rất ít doanh nghiệp ngoài ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch công bố kế hoạch giảm nhân sự. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tuyên bố họ vẫn tiếp tục trả lương cho nhân viên khi họ tạm ngừng hoạt động, đương nhiên với số giờ làm việc thấp hơn mức bình thường.
Song chủ trương đó của họ dường như không bền vững. Đa số doanh nghiệp nhỏ không có đủ tiền dự trữ để trả lương cho người lao động trong thời gian dài nếu doanh thu cạn. Mặc dù các doanh nghiệp đại chúng lớn có thể có đủ tiền mặt, họ phải chịu áp lực từ các cổ đông, những người luôn theo dõi doanh thu, lợi nhuận.
"Đó là một phép toán đơn giản. Bạn không thể chi mọi thứ khi không có doanh thu", Deborah Weinswig, người sáng lập công ty tư vấn và nghiên cứu Coresight Research, phát biểu.
Sự bi quan của các chuyên gia kinh tế
Các chuyên gia kinh tế nhận định gói kích thích kinh tế chính quyền Tổng thống Trump đề xuất sẽ giúp ích cho nền kinh tế nhưng không đủ để nước này thoát khỏi cuộc suy thoái tài chính sắp diễn ra do tác động từ đại dịch COVID-19.
"Hỏa lực kép" từ gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỉ USD và chính sách nới lỏng chưa từng có của Cục dự trữ liên bang (Fed) có thể giúp Mỹ giảm bớt hậu quả của cuộc suy thoái sắp diễn ra và tránh rơi vào khủng hoảng.
Gói hỗ trợ 850-1.000 tỉ USD Nhà Trắng đang xem xét sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, và những ngành công nghiệp chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Nhưng ngay cả thông tin về gói kích thích trên cũng không thể khiến các nhà phân tích thay đổi những dự báo tiêu cực về triển vọng tương lai của kinh tế Mỹ.
Trước mắt, các doanh nghiệp trên khắp đất Mỹ đều đang phải chật vật để vay tiền giữa bối cảnh thị trường tín dụng gặp áp lực lớn. Đồng thời, hàng loạt hoạt động kinh tế đã bị ngừng do các biện pháp đối phó với đại dịch, gây ra làn sóng chấn động lan tỏa trên toàn bộ nền kinh tế.
Theo CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết một phần tiền từ gói cứu trợ có thể sẽ được phát thẳng cho người dân.
Nguồn tin từ quan chức chính phủ Mỹ nói với CNBC rằng gói kích thích 1.000 tỉ USD có thể được chia thành các khoản sau: 500 - 550 tỉ USD phát trực tiếp cho người dân hoặc thông qua giảm thuế; 200 - 300 tỉ USD cứu trợ doanh nghiệp nhỏ; và 50 - 100 tỉ USD giúpngành hàng không.
Trước thực trạng một bộ phận lớn của nền kinh tế Mỹ phải cắt giảm hoặc ngừng hoạt động do biện pháp hạn chế tụ tập đông người nhằm đối phó với COVID-19, ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán nước này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái ngắn, thay vì trải qua một thời kì tăng trưởng âm hoặc bằng không. Nhiều người kì vọng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục trong quí IV/2020.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nhận định: "Tôi nghĩ rằng trong bất kì tình huống nào, kể cả khi chính phủ Mỹ cung cấp một gói hỗ trợ kinh tế hợp lí, nền kinh tế cũng sẽ phải chịu cú đánh mạnh từ COVID-19".
"Rất khó để đánh giá tác động chính xác của dịch bệnh, nhưng tôi đoán sản lượng kinh tế sẽ giảm 2% - 3% trong quí I và quí II năm nay – đấy là trong trường hợp chính phủ tung ra gói kích thích tài khóa lớn. Nhưng chúng ta sẽ không thể biết được số liệu chính xác cho đến ít nhất một năm nữa".
Ông Zandi dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ xuống bằng 0 trong quí III, trước khi tăng đến 1,5% trong quí IV.
New York và nhiều tiểu bang khác đã ra lệnh đóng cửa mọi nhà hàng và quán bar. San Francisco yêu cầu người dân thành phố ở yên trong nhà trừ khi phải ra ngoài do có việc thiết yếu. New York đang cân nhắc áp dụng biện pháp này.
Ông Shawn Snyder, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại Citi Private Wealth nói: "Những biện pháp này có ích trong việc ngăn chặn virus, nhưng gây hại cho hoạt động kinh tế".
Trước tình hình hiện tại, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua gói kích thích kinh tế Nhà Trắng đề xuất. Fed đã cắt giảm lãi suất xuống 0% và thực hiện chương trình nới lỏng định lượng với tổng trị giá 700 tỉ USD.