Thêm một startup được SoftBank đầu tư sa thải nhân sự trước áp lực lợi nhuận
Một startup nữa được SoftBank 'chống lưng' chuẩn bị cắt giảm nhân sự trong bối cảnh "ông lớn" Nhật Bản muốn các startup trong danh mục đầu tư có lợi nhuận càng sớm càng tốt, theo Nikkei.
Flexport, một startup lĩnh vực logistics có trụ sở tại San Francisco, đã sa thải 50 nhân viên, tương đương 3% định biên nhân sự toàn cầu, hồi tuần này. Đợt cắt giảm nhân sự chủ yếu ảnh hưởng tới bộ phận kinh doanh, bao gồm phòng tuyển dụng và marketing cùng với đó là một số vị trí lãnh đạo, Nikkei cho biết.
Được thành lập vào năm 2013, Flexport đón nhận tăng trưởng thần tốc trong những năm qua, song từ thời điểm cuối năm 2019, ban điều hành startup bắt đầu ưu tiên lợi nhuận hơn tăng trưởng.
Một phần lí do cho thay đổi đến từ thay đổi định hướng của SoftBank cho các startup đầu tư sau khi IPO của WeWork thất bại cùng định giá lao dốc.
Flexport đã gọi vốn thành công 1 tỉ USD ở định giá 3,2 tỉ USD trong vòng Series D được SoftBank dẫn dắt hồi năm ngoái. Tổng đầu tư của Flexport tới thời điểm hiện tại lên tới 1,3 tỉ USD.
Michel Ronan, người từng chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư vào Flexport, đã rời SoftBank vào tuần này sau khi bày tỏ quan ngại về "các vấn đề" ở SoftBank.
Trước đó, nhiều startup được SoftBank đầu tư cũng thu nhỏ quy mô nhân sự hoặc quy mô hoạt động.
Zume Pizza, một startup làm bánh pizza sử dụng robot, đã sa thải một nửa số lượng nhân sự của mình, khoảng 360 người, hồi đầu tháng 1.
SoftBank đầu tư 376 triệu USD vào Zuma vào năm 2018 để đẩy định giá của nó lên mốc 1 tỉ USD. Cùng thời điểm, công ty cho thuê xe Getaround xoá bỏ 150 định biên nhân sự, tương đương 1/4 quy mô công ty.
Trầm trọng hơn, startup dắt chó đi dạo Wag thực hiện nhiều vòng sa thải nhân sự với tổng cộng 80% quy mô công ty hồi cuối năm ngoái.
Trong khi đó, Fair.com, startup hỗ trợ mua xe, từng nhận được 500 triệu USD từ SoftBank và một số nhà đầu tư khác, cũng cho nghỉ 40% nhân sự.
Flexport cung cấp dịch vụ vận chuyển, giao nhận trong đó hỗ trợ luân chuyển các container từ nhà sản xuất đến hãng bán lẻ trơn tru nhờ phần mềm độc quyền.
Công cụ của startup cũng cung cấp dữ liệu giúp người dùng phân tích chi phí, tận dụng tối đa công suất và theo dõi chuỗi cung ứng của mình.
Flexport hiện hoạt động chủ yếu ở Trung Quốc, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch virus corona chủng mới, và Châu Á Thái Bình Dương.
"Chúng tôi đang tái cấu trúc một phần của tổ chức để phát triển nhanh hơn với mục đích và sự minh bạch rõ ràng hơn", một người phát ngôn Flexport nói với Nikkei.
"Quyết định tái cấu trúc được đưa ra trước thời điểm virus corona ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng", người này nói thêm.
Bên cạnh virus corona, việc kinh doanh của Flexport thực tế đã khó khăn hơn từ năm ngoái trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang. Trước đó, Flexport đã tạm dừng vận hành dịch vụ giao nhận giữa Mỹ - Trung Quốc vào tháng 1 vì nhu cầu giảm.
Một phân tích từ Flexport cho thấy khối lượng vận chuyển đường hành không từ Trung Quốc tăng trưởng chưa đến 9% so với cùng kì năm trước. Cùng thời điểm, con số của Philippines và Việt Nam lần lượt là 146% và 47%.