Những 'cái tên mới' trên thị trường ngân hàng

Những cái tên mới
Vikki Bank, VCBNeo, MBV,... những cái tên mới mang phong cách hiện đại đang đánh dấu một cột mốc cho thấy định hướng phát triển của các ngân hàng Việt đã và đang chịu ảnh hưởng lớn bởi xu hướng số hoá trên toàn cầu.
Trong những năm gần đây, các ngân hàng đua nhau mở rộng tệp khách hàng và phần lớn lượng khách hàng mới này có được từ kênh ngân hàng điện tử. Tại nhiều ngân hàng, 90% giao dịch của khách hàng là thực hiện qua kênh số.
Đó có lẽ là nguyên nhân mà phần lớn "ngân hàng con" mới được nhận chuyển giao của những "ông lớn" trong ngành (Vietcombank, MB, HDBank) được định hướng phát triển thành các ngân hàng số thế hệ mới.
Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đông Á (DongABank), ngân hàng được HDBank nhận chuyển giao bắt buộc vào giữa tháng 1, chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank) và đồng thời cũng dời trụ sở chính từ TP HCM ra Hà Nội.
Trước đó vào ngày 21/1, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) cũng đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo). Và vào giữa tháng 12/2024,Ngân hàng Thương mại TNHNN Một Thành viên Đại Dương (OceanBank) đổi tên thành Ngân hàng TNHH Một thành viên Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam - MBV), một thành viên thuộc hệ sinh thái MB Group.
Đồng thời với việc đổi tên, các ngân hàng cũng được trang bị một bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới, mang phong cách trẻ trung, năng động và mang phong cách "số hoá". Những thay đổi này không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng cũng như đảm bảo toàn bộ quyền lợi và các giao dịch của khách hàng.
Chia sẻ về định hướng phát triển của Vikki Bank trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết HDBank sẽ tái cấu trúc ngân hàng này trở thành ngân hàng số thế hệ mới, qua đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp và thủ tục đơn giản thông qua kênh số.

Giao dịch trên các kênh số tăng vọt trong các năm vừa qua. (Nguồn: NHNN - H.T tổng hợp - Đồ hoạ: Alex Chu).
Sau quá trình chính thức "tiếp quản" các ngân hàng trong trạng thái "kiểm soát đặc biệt" này, những ngân hàng mẹ cũng đã cử các nhân sự cấp cao sang điều hành với kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật.
Tiếp nhận bắt buộc các ngân hàng 0 đồng, những ngân hàng mẹ sẽ được hỗ trợ về tài chính và các cơ chế đặc biệt khác như vay ưu đãi đặc biệt từ NHNN, ưu tiên về room tín dụng, cách tính toán các chỉ số tài chính,... để đảm bảo thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan trong đó có người gửi tiền, khách hàng và cổ đông của các ngân hàng.
Đầu tư nhân lực và tiền bạc vào các ngân hàng kiểm soát đặc biệt là những điều không thể tránh khỏi trong quá trình tiếp quản và hỗ trợ. Vậy hiện trạng của các ngân hàng này ra sao trước khi về tay các "ông lớn"?
Hiện trạng của các ngân hàng "mới"
Có một điểm chung dễ thấy nhất là cả 4 ngân hàng nói trên đều bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trong năm 2015. Vốn điều lệ của 4 ngân hàng này đều không thay đổi so với trước thời điểm bị kiểm soát đặc biệt.

Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) được thành lập vào năm 1989 với tên gọi đầu tiên là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Đến năm 2007, ngân hàng chuyển đổi từ mô hình ngân hàng nông thôn thành Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).
Đến năm 2013, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. Năm 2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch CBBank, đã bị bắt. Năm 2015, NHNN đã mua lại cổ phần của CBBank với giá 0 đồng, chuyển mô hình thành ngân hàng TNHH MTV.
Hiện vốn điều lệ của CBBank ở mức 3.000 tỷ đồng, với mạng lưới khoảng 100 điểm giao dịch trên toàn quốc.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2011, tổng tài sản của CBBank ở mức hơn 27.000 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng là gần 12.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2012 khi ngân hàng đã được liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát, CBBank lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) có tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng được thành lập vào năm 1993. Đến năm 2007, ngân hàng được chuyển đổi sang mô hình ngân hàng TMCP.
Từ cuối năm 2011, NHNN đã phát hiện ra những bất ổn tại OceanBank. Qua hai lần thanh tra, các sai phạm tại OceanBank không những không khắc phục được mà lại còn nghiêm trọng hơn. Năm 2014, tại ông Hà Văn Thẩm, Chủ tịch OceanBank đã bị bắt.
Đến năm 2015, NHNN cũng đã thông báo mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Trước khi nhận được sự hỗ trợ từ MB, OceanBank cũng từng được VietinBank giúp đỡ. Hiện vốn điều lệ của OceanBank ở mức hơn 4.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2024, ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT OceanBank thông tin rằng tổng tài sản năm 2023 của OceanBank tăng trưởng 23%, đạt 113% kế hoạch. Dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng này hết năm 2023 tăng trưởng 13% - vượt chỉ tiêu 104% kế hoạch.
Tính đến cuối năm 2023, ngân hàng đã thu hồi, xử lý nợ có vấn đề đạt 407 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch. Sau hơn 8 năm tái cơ cấu, ngân hàng đã xử lý và thu hồi trên 13.000 tỷ đồng nợ có vấn đề.

Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) được thành lập từ năm 1993, tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình gồm 5 phòng giao dịch và kinh doanh vàng bạc với vốn điều lệ 5 tỷ đồng.
Năm 2005, chính thức trở thành Ngân hàng đô thị với tên gọi Ngân hàng TMCP Toàn Cầu (G-BANK) với vốn điều lệ 135 tỷ đồng. Đến năm 2007, đổi tên thành NHTM Cổ Phần Dầu khí Toàn Cầu (GP Bank) với với điều lệ 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2009, tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và năm 2010 tăng lên hơn 3.018 tỷ đồng.
Theo báo cáo thường niên năm 2010, tính đến 31/12/2010, tổng tài sản của GPBank đạt 27.713 tỷ đồng; tổng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 16.417 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 8.905 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 275 tỷ đồng. Năm 2016, GPBank thu hồi được 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch.
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) thành lập từ năm 1992 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng. Giai đoạn 2008 - 2011 là những năm "vàng son" của DongABank khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng bình quân 22%/năm, đạt đỉnh hơn 1.250 tỷ đồng vào năm 2011. Quy mô tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng đạt tăng trưởng bình quân lần lượt là 22% và 19%/năm.
Đến 31/12/2014, trước thời điểm rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, DongABank có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản 87.258 tỷ đồng.
Theo số liệu gần nhất được ngân hàng cập nhật, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn từ khách hàng DongABank đạt 63.450 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm 2019 và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nửa đầu năm 2019, thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỷ đồng, xấp xỉ so cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kì.
Cũng trong khoảng thời gian này, ngân hàng đã thu hồi được 1.870 tỷ đồng nợ có vấn đề cả gốc và lãi. Lũy kế từ thời điểm 8/2015 đến 6/2019, ngân hàng đã thu hồi 16.350 tỷ đồng nợ xấu.