|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đảng Dân chủ không xuôi, gói giải cứu kinh tế 1.600 tỉ USD của Mỹ bế tắc ở Thượng viện

10:36 | 23/03/2020
Chia sẻ
Đề xuất giải cứu kinh tế trị giá 1.600 tỉ USD đã không thể vượt qua được vòng bỏ phiếu thủ tục quan trọng ở Thượng viện vì Đảng Dân chủ cho rằng bản dự thảo này cứu trợ các tập đoàn quá nhiều mà cho người lao động lại quá ít.
Đảng Dân chủ không xuôi, gói giải cứu kinh tế 1.600 tỉ USD của Mỹ bế tắc ở Thượng viện - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer và phe đa số Mitch McConnell của Thượng viện Mỹ. Ảnh: Getty Images.

"Bà Pelosi là Chủ tịch của Hạ viện, không phải của Thượng viện. Chúng ta đã thảo luận rất tích cực cho đến khi bà ta can thiệp vào", ông McConnell nói thêm.

Đảng Dân chủ tỏ thái độ không hài lòng khi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa soạn thảo dự luật cùng với các quan chức chính phủ Tổng thống Trump mà không mời đại diện Đảng Dân chủ tham gia từ đầu.

Nói với các phóng viên sáng Chủ nhật 22/3, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói: "Theo tôi thấy, hai bên còn khác biệt rất lớn".

Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế ở Thượng viện với tỉ lệ 53-47, tuy nhiên một số nghị sĩ của đảng này phải vắng mặt và không tham gia biểu quyết như ông Rand Paul được xác định dương tính với COVID-19, ông Mitt Romney tự cách li vì có nguy cơ đã lây nhiễm, …

Do vậy, Đảng Cộng hòa phải lôi kéo được khoảng hơn 10 nghị sĩ Đảng Dân chủ mới có thể thúc đẩy được dự luật cứu trợ nghìn tỉ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thì vẫn tỏ ra hết sức lạc quan, trong một buổi họp báo ông nói: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận cứu trợ".

Đảng Dân chủ không xuôi, gói giải cứu kinh tế 1.600 tỉ USD của Mỹ bế tắc ở Thượng viện - Ảnh 2.

Gói cứu trợ nghìn tỉ USD mà chính quyền Tổng thống Trump đề xuất đang bị bế tắc ở Thượng viện. Ảnh minh họa: Getty Images.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump đưa ra đề xuất chi khoảng 1.000 tỉ USD để giải cứu nền kinh tế trước các thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra. 

Hôm 20/3 vừa qua, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow cho biết tổng hợp các biện pháp kích thích của chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có giá trị khoảng 2.000 tỉ USD, tương đương 10% GDP của Mỹ năm 2019.

Sau đó Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết chương trình hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn vượt qua 3-4 tháng khó khăn sắp tới dự kiến sẽ có tổng trị giá 4.000 tỉ USD.

Cho dù dự luật cứu trợ kinh tế nói trên được Thượng viện bỏ phiếu thông qua thì sau đó nó cũng vẫn cần được Hạ viện nhất trí, và Hạ viện lại do Đảng Dân chủ chiếm đa số.