|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cố vấn Tổng thống Trump: Đề xuất chi 2.000 tỉ USD cứu trợ kinh tế vì COVID-19

11:00 | 22/03/2020
Chia sẻ
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow ngày 21/3 cho biết tổng giá trị gói cứu trợ nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế của đại dịch COVID-19 có thể lên tới hơn 2.000 tỉ USD.
Cố vấn Tổng thống Trump: Đề xuất chi 2.000 tỉ USD cứu trợ kinh tế vì COVID-19 - Ảnh 1.

Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump - ông Larry Kudlow (đi bên trái). Ảnh: AP.

Theo hãng tin NBC, ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump đã nói với các phóng viên: "Giá trị gói cứu trợ kinh tế sắp tới sẽ vào khoảng 10% GDP". Năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ là khoảng 21.400 tỉ USD.

Khỉ các phóng viên hỏi rõ có phải ông đang nói đến con số hơn 2.000 tỉ USD không, ông Kudlow khẳng định "Đúng vậy".

"Chúng tôi chỉ đang cố gắng làm những gì đúng đắn nhất có thể", ông Kudlow nói và không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào về quá trình đàm phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện về gói cứu trợ kinh tế.  

Sau đó, ông Kudlow giải thích rõ thêm rằng ngân sách nhà nước sẽ chi khoảng 1.300 đến 1.400 tỉ USD cho gói kích thích kinh tế này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bỏ ra khoảng 700 tỉ USD còn lại thông qua Quĩ cho vay và Ổn định Kinh tế của mình.

Các nhà lập pháp Mỹ đã bàn luận suốt cả ngày thứ Sáu (20/3) nhưng không thể đi đến thống nhất về gói kích thích kinh tế trước hạn chót lúc nửa đêm mà Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell đề ra. Trong ngày thứ Bảy (21/3), Thượng viện lại tiếp tục họp để chốt vấn đề này.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa) nói hôm 21/3: "Thỏa thuận ngân sách cuối cùng vẫn chưa được thống nhất nhưng Chủ tịch các Ủy ban, nhân vật chủ chốt của Đảng Dân chủ và đại diện của Tổng thống Trump đang đạt được những tiến bộ quan trọng".

Cố vấn Tổng thống Trump: Đề xuất chi 2.000 tỉ USD cứu trợ kinh tế vì COVID-19 - Ảnh 2.

Tổng thống Trump và ông Kudlow. Ảnh: Getty Images.

Giám đốc Văn phòng Lập pháp của Nhà Trắng Eric Euland, Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow đều có mặt tại tòa nhà Quốc hội Mỹ để tham dự cuộc thảo luận giữa nghị sĩ hai đảng.

Các nhà lập pháp kì vọng hai bên có thể đi đến thống nhất trong ngày 21/3 (theo giờ Mỹ) rồi tiến hành biểu quyết chính thức vào ngày thứ Hai (23/3). Qui trình lập pháp rất ít khi có thể tiến triển nhanh như vậy, đặc biệt là với một dự luật ngân sách có qui mô hàng nghìn tỉ USD. 

Tuy nhiên, lãnh đạo cả hai đảng đều muốn hành động nhanh chóng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng tại nhiều bang của Mỹ, trường học, nhà hàng, quán bar và nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa.

"Chúng ta cần phải làm việc với tốc độ khẩn trương hơn bình thường và cho ra một dự luật đúng đắn", Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer nói.

Ông Schumer từng chỉ trích ông Mitch McConnell vì đã không mời đại diện Đảng Dân chủ tham gia vào quá trình thảo luận, khiến cho thời gian thông qua dự luật bị kéo dài.

Ông Schumer cũng cho rằng đề xuất gói hỗ trợ kinh tế ban đầu của Đảng Cộng hòa dành ra quá nhiều tiền để giải cứu các tập đoàn lớn và quá ít cho bảo hiểm thất nghiệp, cho người lao động nghỉ có lương và nguồn lực cho các bệnh viện.

Dù Thượng viện thống nhất phương án nào thì sau đó gói hỗ trợ này cũng cần được Hạ viện (do Đảng Dân chủ chiếm đa số) thông qua. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi những ngày qua giữ liên lạc chặt chẽ với Thượng nghị sĩ Schumer và Bộ trưởng Mnuchin, nói chuyện nhiều lần với cả hai ông qua điện thoại.

Các thành viên của Hạ viện hiện nay đang nghỉ ở nhà và sẽ phải suy nghĩ xem mình sẽ biểu quyết dự luật sắp tới như thế nào. Hai hạ nghị sĩ Mỹ đã được chẩn đoán dương tính với COVID-19 và nhiều nghị sĩ khác đã phải tự cách li vì tiếp xúc gần với hai ca bệnh này.

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steny Hoyer cho biết ông đang xem xét việc bỏ phiếu từ xa để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tuy nhiên đến nay chưa quyết định chính thức nào được đưa ra.

Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.