|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Gói giải cứu nghìn tỉ USD bị chặn lại ở Thượng viện, Dow Jones giảm thêm gần 600 điểm

06:34 | 24/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần 23/3 giảm sâu sau khi Thượng viện chưa thể thông qua gói cứu trợ kinh tế với qui mô 1.000-2.000 tỉ USD để hạn chế thiệt hại từ đại dịch COVID-19. Việc Fed cam kết bơm tiền không giới hạn qua gói QE cũng chưa thể làm yên lòng nhà đầu tư.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 582 điểm, tương đương 3,04%, đóng cửa ở 18.592 điểm. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 11/2016, tức hơn ba năm trước.

Chỉ số S&P 500 mất 2,9% xuống còn 2.237,4 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite khả quan nhất khi chỉ giảm 0,3% do nhà đầu tư bắt đầu bắt đáy cổ phiếu công nghệ.

Gói giải cứu nghìn tỉ USD bị chặn lại ở Thượng viện, Dow Jones giảm thêm gần 600 điểm - Ảnh 1.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 23/3. Nguồn: Bloomberg.

Trong vòng 24h, gói giải cứu nền kinh tế khỏi thiệt hại của đại dịch COVID-19 đã hai lần không vượt qua được vòng bỏ phiếu thủ tục quan trọng ở Thượng viện.

Phía Đảng Dân chủ cho rằng dự luật này quá ưu ái cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhưng không quan tâm nhiều tới những người làm công ăn lương.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trao đổi với CNBC rằng Quốc hội Mỹ đã đến "rất gần" với việc thông qua gói kích thích tài khóa, nói thêm rằng dự luật này phải được thúc đẩy "trong hôm nay" tức 23/3 theo giờ Mỹ.

"Chúng tôi đang sử dụng một số nguồn lực mà mình có, nhưng Quốc hội cần phê chuẩn thêm nguồn tiền trong ngày hôm nay thì chúng tôi mới có thể tiếp tục hỗ trợ người lao động và nền kinh tế Mỹ", CNBC dẫn lời ông Mnuchin nói.

Sau khi dự luật thất bại lần 2 với vòng bỏ phiếu thủ tục, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer - Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện cho biết ông và Bộ trưởng Mnuchin sẽ gặp lại nhau để cố gắng thống nhất thỏa thuận.

Sự bế tắc của dự luật cứu trợ kinh tế hơn 1.000 tỉ USD tại Thượng viện khiến cho tâm lí của nhà đầu tư Wall Street thêm tiêu cực, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố chương trình mua lại tài sản (nới lỏng định lượng – QE) với qui mô không giới hạn.

Fed cho biết gói QE này sẽ có "qui mô đủ để hỗ trợ sự vận hành suôn sẻ của thị trường và truyền dẫn hiệu quả chính sách tiền tệ tới toàn hệ thống tài chính và nền kinh tế".

Ông Paul Hickey – Đồng sáng lập Bespoke Investment Group nhận định: "Động thái của Fed là một sự hỗ trợ siêu to khổng lồ. Tuy nhiên cách duy nhất mà các thị trường có thể hồi phục một cách bền vững là nền kinh tế được phép vận hành trở lại, hoặc ít nhất là có một lộ trình rõ ràng về những gì sắp diễn ra".

Gói giải cứu nghìn tỉ USD bị chặn lại ở Thượng viện, Dow Jones giảm thêm gần 600 điểm - Ảnh 3.

Biến động thất thường của thị trường chứng khoán Mỹ những ngày gần đây.

Theo CNBC, một loạt các dòng tweet của Tổng thống Donald Trump đang khiến nhà đầu tư lo lắng rằng ông có thể đang xem xét cho người lao động đi làm việc trở lại trước khi đại dịch được kiểm soát.

Ông Trump còn đăng lại một dòng tweet với nội dung: "San phẳng đường cong đại dịch, KHÔNG phải san phẳng nền kinh tế".

Giá cổ phiếu Boeing bất ngờ tăng vọt 11% sau khi Goldman Sachs tối 22/3 đưa ra nhận định rằng hãng chế tạo máy bay này có đủ tiền mặt để sống sót qua đợt khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 hiện nay. Goldman Sachs cũng cho rằng di chuyển bằng đường hàng không sẽ được nối lại.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu Boeing đã sụt 66%. Hãng này cũng đã quyết định dừng trả cổ tức để tích lũy tiền mặt.

Ông David Kostin – Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Goldman Sachs nhận định nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh hay chậm phụ thuộc vào ba yếu tố: Đại dịch được kiểm soát nhanh đến đâu, các doanh nghiệp có tiếp cận được vốn và thanh khoản để sống sót trong 90-120 ngày hay không, và liệu các gói kích thích tài khóa có thể giúp ổn định các dự báo tăng trưởng hay không.

Song Ngọc