Thượng viện Mỹ thông qua gói cứu trợ khẩn cấp 2.000 tỉ USD ngay trong đêm
Theo CNBC, Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua dự luật cứu trợ kinh tế với qui mô kỉ lục 2.000 tỉ USD ngay trong đêm đêm 25/3 (tức trưa 26/3 theo giờ Việt Nam) để nhanh chóng ứng phó với tình trạng người lao động đang mất việc hàng loạt, các bệnh viện và chính quyền địa phương cạn kiệt nguồn lực chống dịch và doanh nghiệp đang điêu đứng vì phải đóng cửa bắt buộc.
Thượng viện Mỹ cũng đã ghi nhận một ca dương tính với COVID-19 là Thượng nghị sĩ Rand Paul của Đảng Cộng hòa. Một số thượng nghị sĩ khác cũng vắng mặt vì phải tự cách li và do vậy không thể tham gia bỏ phiếu.
Sau khi Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới Hạ viện và nhiều khả năng phải tới ngày 26/3 (theo giờ Mỹ) thì Hạ viện mới có thể bỏ phiếu phê chuẩn. Sau đó dự luật sẽ được chuyển tới cho Tổng thống Trump kí thành luật và bắt đầu được thực thi.
Trước dự luật 2.000 tỉ USD khổng lồ này, quốc hội và Tổng thống Trump đã thông qua hai đạo luật khác để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Luật đầu tiên có trị giá 8,3 tỉ USD để ngăn ngừa dịch bệnh và đầu tư nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị; luật thứ hai trị giá khoảng 100 tỉ USD giúp người lao động có thêm ngày nghỉ có lương, qua đó tạo hỗ trợ về kinh tế và hạn chế dịch lây lan.
Theo CNBC, dự luật cứu trợ 2.000 tỉ USD mà Thượng viện vừa biểu quyết thông qua dài 880 trang và bao gồm các nội dung:
- Phát tiền trực tiếp cho người dân: người lớn có thu nhập không quá 75.000 USD/năm sẽ có thể được nhận 1.200 USD tiền mặt. Cặp vợ chồng với tổng thu nhập không quá 150.000 USD/năm sẽ được nhận 2.400 USD và 500 USD cho mỗi con nhỏ.
Những người có thu nhập từ trên 75.000 USD tới 99.000 USD sẽ được hỗ trợ ít hơn và những người thu nhập trên 99.000 USD sẽ không được hỗ trợ.
- Tăng cường bảo hiểm thất nghiệp: Ngoài các khoản hỗ trợ thường được nhận từ chính quyền các bang, người thất nghiệp vì COVID-19 sẽ được thêm 600 USD/tuần trong vòng 4 tháng. Những người làm nghề tự do và theo đơn đặt hàng riêng cũng có thể được hưởng trợ cấp này.
- Dành ra 500 tỉ USD để cho vay, bảo lãnh các khoản vay, đầu tư vào doanh nghiệp, các bang hay địa phương bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19.
- Phát cho các hãng hàng không chở khách 25 tỉ USD, hàng không chở hàng 4 tỉ USD nhưng chỉ được dùng để trả lương và phúc lợi cho người lao động. Dành ra 25 tỉ USD khác để cho vay và 4 tỉ USD khác để bảo lãnh các khoản vay của ngành hàng không.
- Dành ra 17 tỉ USD để cho vay hoặc bảo lãnh khoản vay của các doanh nghiệp chưa xác định, được cho là "quan trọng thiết yếu tới hoạt động duy trì an ninh quốc gia".
- Chi 117 tỉ USD hỗ trợ các bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế cựu chiến binh
- Chi 16 tỉ USD để tăng cường kho dự trữ quốc gia về dược phẩm và trang thiết bị y tế.
- Cho các doanh nghiệp nhỏ vay 350 tỉ USD để trả lương và phúc lợi nhân viên, trị giá tương đương 250% quĩ lương hàng tháng của doanh nghiệp và không quá 10 triệu USD.
- Miễn thuế cho những doanh nghiệp không sa thải nhân công dù buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc có tổng doanh thu giảm 50% so với cùng kì năm trước, trị giá tối đa 50% quĩ lương trong thời kì khủng hoảng vì dịch bệnh.
- Yêu cầu mọi doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả các chi phí dịch vụ liên quan tới phòng bệnh COVID-19, không chia sẻ chi phí.
- Cho phép chậm nộp thuế bảng lương đối với doanh nghiệp, yêu cầu một nửa số thuế hoãn phải được trả trước cuối năm 2021 và nửa còn lại phải trả trước cuối năm 2022
- Các doanh nghiệp nhận khoản vay hỗ trợ từ chính phủ phải đợi một năm sau khi hoàn trả đầy đủ mới được phép mua lại cổ phiếu.
- Những nhân viên hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có thu nhập năm ngoái trên 425.000 USD không được tăng lương.
- Nghiêm cấm Tổng thống Donald Trump và doanh nghiệp của các thành viên trong gia đình Tổng thống nhận tiền từ gói cứu trợ khẩn cấp. Qui định này áp dụng cho cả Phó Tổng thống Mike Pence, các bộ trưởng, nghị sĩ quốc hội và cùng gia đình của các đối tượng này.
- Hoãn trả nợ sinh viên từ nay cho đến 30/9, không tính thêm lãi trong khoảng thời gian này.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, toàn thế giới hiện nay đã nghi nhận 471.400 ca dương tính với COVID-19 với 21.287 trường hợp tử vong. Riêng Mỹ có 69.000 ca xác nhận nhiễm, đứng thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc và Italy.
Bang New York là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất khi ghi nhận hơn 33.000 ca dương tính. Bệnh nhân ồ ạt đổ về khiến nhiều bệnh viện bị quá tải.
Trong buổi họp báo sáng 25/3 theo giờ Mỹ, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã kêu gọi cả nước Mỹ hãy giúp đỡ tâm dịch New York trước, đến khi tình hình tại đây lắng dịu thì New York sẽ nhiệt thành giúp đỡ các điểm nóng nổi lên về sau.
New York ước tính sẽ cần khoảng 140.000 giường bệnh khi dịch đạt đỉnh, tuy nhiên các cơ sở y tế hiện tại của bang chỉ có 53.000 giường; sắp tới cần 30.000 máy thở nhưng các bệnh viện mới có sẵn 3.000 máy.
Doanh nghiệp và trường học trên khắp nước Mỹ đã đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan. Các ngân hàng Wall Street đều đưa ra dự báo tiêu cực về tình hình kinh tế trong quí I và quí II với GDP ước tính sẽ giảm 10-24%. Quan chức cấp cao của Fed còn dự báo GDP sẽ giảm tới 50%, tỉ lệ thất nghiệp có thể lên tới 30%.