|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones có phiên tăng mạnh nhất 87 năm, nhảy vọt hơn 11%

06:50 | 25/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 24/3 hồi phục mạnh mẽ khi nhà đầu tư hi vọng quốc hội sẽ sớm thông qua gói giải cứu kinh tế nghìn tỉ USD để hạn chế thiệt hại từ dịch COVID-19. Đây là một trong những phiên tăng sốc nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ.
Dow Jones có phiên tăng mạnh nhất 87 năm, nhảy vọt hơn 11% - Ảnh 1.

Theo tỉ lệ %, chỉ số Dow Jones vừa có phiên tăng sốc nhất kể từ năm 1933.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 2.113 điểm, tương đương 11,36%, và đóng cửa ở 20.705 điểm. Xét theo điểm số, đây là phiên tăng sốc nhất của Dow Jones trong lịch sử. 

Xét theo tỉ lệ %, đây là phiên bứt phá mạnh nhất của chỉ số này kể từ năm 1933 và mạnh thứ 5 trong suốt lịch sử.

Chỉ số S&P 500 tăng 9,4% lên 2.447 điểm, ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất lịch sử và phiên tăng theo % sốc nhất kể từ tháng 10/2008. Sự hồi phục của phiên 24/3 đưa cả Dow Jones và S&P 500 thoát khỏi vùng đáy ba năm.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 8,1% lên 7.418 điểm, đánh dấu phiên đi lên mạnh nhất kể từ ngày 13/3.

Dow Jones có phiên tăng mạnh nhất 87 năm, nhảy vọt hơn 11% - Ảnh 1.

Biến động chỉ số S&P 500 từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020.

Dự luật về gói cứu trợ trị giá hơn 1.000 tỉ USD nhằm chống lại thiệt hại của dịch COVID-19 đã gặp bế tắc tại Thượng viện trong suốt ba ngày qua. Lãnh đạo hai Đảng Dân chủ, Cộng hòa và chính quyền Tổng thống Trump bàn luận tới lui nhưng chưa thể thống nhất được những chi tiết về cách sử dụng số tiền này.

Tuy nhiên khi trao đổi với CNBC sáng 24/3, bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết đang có "sự lạc quan rất lớn" rằng Quốc hội sẽ thông qua gói giải cứu kinh tế trị giá hàng nghìn tỉ USD trong ngày thứ Ba 24/3 (theo giờ Mỹ).

"Tôi nghĩ thỏa thuận này đã tiến triển một cách hợp lí theo hướng có lợi cho người lao động", Chủ tịch Pelosi nói. Trước đó Đảng Dân chủ cho rằng dự luật chi tiêu nghìn tỉ USD mà Đảng Cộng hòa và chính quyền Tổng thống Trump soạn thảo có vẻ quá ưu ái cho các tập đoàn lớn nhưng không quan tâm nhiều tới những người làm công ăn lương.

Cổ phiếu đại gia dầu khí Chevron bật tăng hơn 22% và dẫn dắt chỉ số Dow Jones đi lên sau khi CEO công ty này tuyên bố sẽ không cắt giảm cổ tức. American Express và Boeing cũng nhảy vọt trên 20%.

Cổ phiếu năng lượng là nhóm diễn biến tích cực nhất chỉ số S&P 500 khi tăng mạnh 16,3%. Nhóm công nghiệp và tài chính theo sau với mức tăng hơn 12%.

Dow Jones có phiên tăng mạnh nhất 87 năm, nhảy vọt hơn 11% - Ảnh 3.

Chứng khoán Mỹ biến động dữ dội trong tháng 3.

Độ rộng thị trường tích cực, cho thấy sự hồi phục đã lan tỏa và tương đối vững chắc. Tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York, số cổ phiếu tăng nhiều gấp 12 lần số cổ phiếu giảm.

Trước đó vào phiên 23/3, thị trường đồng loạt chìm trong sắc đỏ, S&P 500 và Dow Jones cùng rơi xuống đáy hơn 3 năm khi gói cứu trợ kinh tế nghìn tỉ USD gặp bế tắc ở Thượng viện lần thứ hai. Dow Jones giảm 582 điểm (3%) và S&P 500 cũng mất 2,9% trong phiên 23/3, giảm 34% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2.

Sau phiên hồi phục 24/3, chỉ số S&P 500 còn cách đỉnh lịch sử 27,7% và giảm 17% so với ngày đầu tháng 3.

Những cổ phiếu bị thiệt hại nặng nề nhất trong dịch COVID-19 cũng là những cổ phiếu bật tăng mạnh nhất, dẫn dắt thị trường trong phiên 24/3. Cụ thể, Wynn Resorts và MGM Resorts cùng tăng hơn 15%, Delta Air Lines vọt lên hơn 21%.

General Motors tăng nóng 22% sau khi tập đoàn này thông báo vẫn sẽ trả cổ tức và sẽ rút khoảng 16 tỉ USD từ các hạn mức tín dụng để có nguồn vốn giảm nhẹ thiệt hại từ COVID-19.

Cổ phiếu hãng du thuyền Norwegian Cruise Line's "tăng bốc đầu" 42% trong phiên 24/3, mạnh nhất trong chỉ số S&P 500. Tuy nhiên đây cũng là một trong những hãng bị thiệt hại lớn nhất vì đại dịch COVID-19 và cổ phiếu Norwegian Cruise Line hiện vẫn giảm 76% so với đầu năm.

Chỉ số biến động CBOE (VIX) – thước đo sự sợ hãi của Wall Street – giảm nhẹ 0,67 điểm (1,2%) xuống còn 60,85 điểm. Tuần trước, VIX vượt qua cả đỉnh mọi thời đại trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và đóng cửa ở 82,69 điểm.

Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ cũng xảy ra sau khi Tổng thống Donald Trump bật tín hiệu cho thấy ông rất muốn mở cửa trở lại nền kinh tế, bất chấp những lo ngại của các chuyên gia y tế cộng đồng.

Ngày 24/3, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ mở cửa đất nước tuyệt vời này. Bởi vì phải làm như vậy thôi. Tôi muốn mở cửa trở lại nền kinh tế trước Lễ Phục sinh". Lễ Phục sinh năm nay rơi vào ngày 12/4, tức còn chưa đầy một tháng nữa.

Thị trường chứng khoán Mỹ còn đang được sự hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hôm 23/3, Fed công bố chương trình nới lỏng định lượng (QE) không giới hạn, cam kết sẽ bơm khối lượng tiền với "qui mô đủ để hỗ trợ sự vận hành suôn sẻ của thị trường và truyền dẫn hiệu quả chính sách tiền tệ tới toàn hệ thống tài chính và nền kinh tế".

Lần đầu tiên trong lịch sử, Fed sẽ không chỉ mua lại các trái phiếu chính phủ và các chứng khoán được bảo đảm bằng khoản vay thế chấp mà còn mua cả trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy vậy, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ và trên thế giới vẫn đang hết sức phức tạp, gây ra nhiều lo ngại cho nhà đầu tư.

Mỹ đã ghi nhận 53.660 trường hợp dương tính và 703 ca tử vong. Mỹ hiện nay là nước có tổng số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (81.500 ca) và Italy (69.100 ca). Toàn thế giới hiện có ít nhất 417.000 ca nhiễm và 18.600 ca tử vong vì COVID-19.

Song Ngọc