|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa: Không phải tại đội bán khống

10:54 | 24/03/2020
Chia sẻ
Nhận định rằng thị trường chứng khoán sụt giảm do các nhà đầu cơ bán khống là sai lầm. Một số quốc gia châu Âu đã ra lệnh cấm bán khống, nhưng thị trường của họ vẫn tiếp tục đi xuống. Tại Mỹ, việc áp dụng một qui tắc hạn chế bán khống cũng không thể ngăn cản được đà suy giảm chung của thị trường.
Đừng đổ lỗi cho phe bán khống khi thị trường chứng khoán lao dốc - Ảnh 1.

Một nhà đầu tư trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York ngày 13/3/2020. Ảnh: Reuters.

Một số nhà đầu tư rất thích đổ lỗi khi mọi chuyện không suôn sẻ: Thị trường chứng khoán đang sụt giảm mạnh, họ thường nghĩ rằng đó là lỗi của ai đó: Có thể là các quĩ ETF, các chương trình giao dịch bằng thuật toán máy tính phức tạp, hoặc những nhà đầu cơ bán khống.

Các nhà đầu tư ở châu Âu đã tìm ra "thủ phạm": Chính là phe bán khống! Trong tuần vừa qua, một số nước châu Âu bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ và Hy Lạp đã ra lệnh cấm bán khống theo nhiều mức độ khác nhau.

Bán khống chứng khoán là hành động đi vay chứng khoán để bán ở hiện tại rồi sau đó đi mua chứng khoán để trả lại. Nếu giá chứng khoán đi xuống, giá mua lại sẽ nhỏ hơn giá bán, từ đó người bán khống sẽ được lợi.

Theo thông tin từ CNBC, cả Pháp, Italy và Bỉ đều cấm nhà đầu tư bán khống trong cả ngày 17/3. Tây Ban Nha mạnh tay hơn: Cơ quan quản lí thị trường chứng khoán hôm 16/3 tuyên bố lệnh cấm bán khống mọi cổ phiếu Tây Ban Nha có hiệu lực trong vòng một tháng, và có thể sẽ kéo dài hơn nữa.

Các nhà quản lí giải thích động thái này được đưa ra "do sự biến động quá lớn của thị trường chứng khoán châu Âu… và rủi ro thị trường rơi vào hỗn loạn trong những tuần kế tiếp".

Bất chấp các lệnh cấm này, giá chứng khoán tiếp tục lao dốc. Tính chung cả tuần qua, thị trường chứng khoán Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp lần lượt giảm 4%, 7% và 5%.

Ông Ihor Dusaniwsky, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu và phân tích thị trường S3 Partners cho rằng kết quả này không hề đáng ngạc nhiên.

Ông giải thích rằng dù lệnh cấm bán khống trong ngắn hạn có thể tạo ra lợi ích về mặt tâm lí, nhưng "hầu như không thể gây ra tác động nào đến sự biến động của thị trường hoặc giá chứng khoán, ngược lại có thể ảnh hưởng tới tính thanh khoản".

Ông Dusaniwsky nói việc nhà đầu tư châu Âu muốn đổ lỗi cho những nhà bán khống là điều rất dễ hiểu, nhưng điều đó là không đúng sự thật. Nhiều công trình học thuật cũng chỉ ra rằng lệnh cấm bán khống không mang lại tác dụng gì giúp bình ổn thị trường chứng khoán.

Một nghiên cứu 2016 về lệnh cấm bán khống của châu Âu chỉ ra rằng "những tổ chức tài chính có cổ phiếu thuộc diện cấm bán khống có xác xuất phá sản cao hơn các tổ chức tài chính khác, và giá cổ phiếu của chúng cũng biến động mạnh hơn. Những khác biệt này càng lớn đối với các tổ chức có tình hình tài chính dễ bị tổn thương".

Một nhận định sai lầm khác: Hành vi bán khống đang áp đảo thị trường chứng khoán Mỹ. Ông Dusaniwsky cũng bác bỏ quan điểm này.

Ông nói với CNBC: "Chúng tôi đã tính toán sự thay đổi của các cổ phiếu và chứng chỉ quĩ ETF của Mỹ được giao dịch, và con số này là khá nhỏ so với tổng khối lượng giao dịch".

Theo vị giám đốc hãng S3 Partners, tổng giá trị cổ phiếu và chứng chỉ quĩ ETF bị bán khống trong tháng 3/2020 là 826 tỉ USD. Cũng trong tháng này, có 65,8 tỉ USD cổ phiếu mới bị bán khống. Giá trị số cổ phiếu phe bán khống mua để trả lại hàng là 13 tỉ USD. Tóm lại, giá trị cổ phiếu mới bị bán khống ròng là 52,8 tỉ USD.

Con số này nghe có vẻ rất lớn, nhưng thực tế lại không phải: Theo ước tính của ông Dusaniwsky, tổng giá trị số cổ phiếu được giao dịch trong tháng 3 của thị trường chứng khoán Mỹ là 10.000 tỉ USD. Do đó, tổng giá trị cổ phiếu bị bán khống chỉ chiếm một phần nhỏ trong các giao dịch.

Lí do là vì các nhà đầu tư tổ chức lớn đã giảm việc sử dụng đòn bẩy để tránh rủi ro, đồng nghĩa với việc họ cũng hạn chế bán khống.

Vậy ai mới là người khiến thị trường chứng khoán chao đảo? Ông Dusawnisky nói: "Nhìn chung, phần lớn cổ phiếu được bán ra bởi các nhà đầu tư thông thường, chứ không phải do các nhà đầu cơ bán khống bán ra".

Đừng đổ lỗi cho phe bán khống khi thị trường chứng khoán lao dốc - Ảnh 2.

Chỉ số S&P 500 lên đỉnh mọi thời đại 3.386 điểm vào ngày 19/2, sau đó thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc giữa nhiều tin tức tiêu cực về đại dịch COVID-19.

Điều này thật rõ ràng: một lượng lớn nhà đầu tư đã cố gắng cắt lỗ và tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu đầy rủi ro. Trên thị trường có rất nhiều người bán nhưng lại chỉ có ít người mua. 

Gần đây một số nhà đầu tư Mỹ đã lên tiếng kêu gọi thị trường áp dụng lại qui tắc "đánh dấu lên" (uptick rule) đã bị bãi bỏ vào năm 2008. Qui tắc này yêu cầu mọi giao dịch bán khống phải được thực hiện ở một mức giá cao hơn giá của phiên giao dịch trước đó.

Theo ông Dusawnisky, những lời kêu gọi đó cũng là sai lầm. Luật này bị bãi bỏ là có lí do: "Qui tắc này rất khó để áp dụng, rất phiền phức để thực thi và không hề có chút hiệu quả nào".

Qui tắc đánh dấu lên không thể chấm dứt hành vi bán khống, mà chỉ làm quá trình chậm lại đôi chút: "Nó không thể ngăn cản việc bán khống. Sẽ luôn có những cổ phiếu tăng điểm so với phiên trước. Không có cổ phiếu nào mà giá liên tục giảm từ đầu phiên tới cuối phiên".

Một phiên bản khác của qui tắc đánh dấu lên đã được thiết lập vào năm 2010. Qui tắc này cho phép các nhà đầu tư thoát khỏi vị thế mua trước khi hành vi bán khống xảy ra. Qui tắc này được kích hoạt khi giá cổ phiếu giảm ít nhất 10% trong một ngày. Khi đó, nhà đầu tư được phép bán khống nếu ra giá cao hơn giá chào mua cao nhất hiện tại.

Giới hạn giá này được áp dụng đến cuối ngày giao dịch và cả ngày hôm sau.

Trong hai tuần vừa qua, có hàng trăm cổ phiếu đã đủ điều kiện kích hoạt qui tắc đánh dấu lên và bị bán khống. Có những lúc nhà đầu cơ đã phải kiên nhẫn chờ đợi trong suốt vài ngày để bán khống một cổ phiếu nào đó, nhưng điều này đã không thể ngăn cản được họ.

Một lưu ý cuối cùng: Ông Dusawnisky cảnh báo rằng các nhà đầu tư tổ chức sẽ không đứng ngoài thị trường vĩnh viễn. Khi thị trường xuống đáy, họ sẽ mạnh tay gia tăng vị thế mua và vị thế bán.