|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cái giá phải trả khi chống dịch theo kiểu Trung Quốc

11:08 | 18/03/2020
Chia sẻ
Dữ liệu công bố hôm 16/3 cho thấy các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn COVID-19 lây lan đã khiến kinh tế Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng hơn những dự báo ban đầu. Các nhà phân tích kêu gọi chính phủ các nước coi đây là lời cảnh báo để hành động quyết liệt hơn nhằm đối phó với tác động kinh tế do COVID-19 gây ra.
a - Ảnh 1.

Tác động kinh tế của COVID-19 đối với Trung Quốc có thể thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách ở những nước khác hành động quyết liệt hơn. Ảnh: EPA-EFE

Biện pháp phong tỏa mạnh tay đã giúp Trung Quốc ngăn chặn sự lây nhiễm của virus corona chủng mới. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đã phải trả giá: các số liệu kinh tế đầu năm 2020 rất ảm đạm.

Trước bối cảnh ngày càng có nhiều nước học theo biện pháp phong tỏa của Trung Quốc, nhiều khả năng kinh tế thế giới cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự. 

Theo South China Morning Post (SCMP), dữ liệu Trung Quốc công bố hôm 16/3 cho thấy nền kinh tế nước này đã "rơi tự do" trong hai tháng đầu năm. Lần đầu tiên trong lịch sử, ba lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc là công nghiệp, bán lẻ và đầu tư đều sụt giảm trên 10%.

Từ trước, các cuộc khảo sát sớm, ví dụ như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã báo hiệu tình trạng này. Tuy nhiên, con số thực tế thậm chí còn tệ hơn nhiều so với các dự báo trung bình.

16/3 đánh dấu ngày số ca tử vong vì COVID-19 tại Trung Quốc thấp hơn phần còn lại của thế giới. Cũng trong hôm đó, Mỹ ra quyết định hạ lãi suất xuống còn 0%, thị trường chứng khoán trên toàn cầu tiếp tục chao đảo dưới tác động của đại dịch.

Ông Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường chứng khoán toàn cầu tại JP Morgan Asset Management nhận xét: "Các nước khác trên thế giới dường như không thể tránh khỏi những cú sốc kinh tế tương tự Trung Quốc, khi mà giờ đây ngày càng nhiều chính phủ áp dụng những biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch bệnh".

Sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc chủ yếu là hậu quả của lệnh phong tỏa trên qui mô lớn của chính phủ, buộc nhiều nhà máy và cửa hàng phải đóng cửa hàng tuần sau kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Tính đến 13/3, mới chỉ có 60% doanh nghiệp nhỏ - động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc – hoạt động trở lại.

So với cùng kì, nhiều lĩnh vực của kinh tế Trung Quốc lao dốc mạnh. Sản lượng công nghiệp – thước đo cho bộ máy sản xuất – giảm 13,5%. Doanh số bán lẻ giảm 20,5%. Đầu tư tài sản cố định giảm 24,5%. Tỉ lệ thất nghiệp nhảy vọt đến 6,2%.

Trong khi đó, tại Hong Kong, nền kinh tế tiếp tục chật vật, lượng khách du lịch tới thành phố giảm 96% so với cùng kì.

Trong quá khứ, chưa bao giờ Trung Quốc lại phải hứng chịu sự sụt giảm mạnh đến vậy.

Vào thời điểm dữ liệu trên được công bố, hàng loạt chuyến bay trên khắp toàn cầu đã bị hủy vì các lệnh cấm của Mỹ, châu Âu và một số khu vực châu Á.

a - Ảnh 2.

Nhiều thành phố ở Mỹ và châu Âu đã áp dụng lệnh giới nghiêm, kiểm soát biên giới và hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế, trước viễn cảnh đại dịch COVID-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Ông Louis Kujis, nhà phân tích khu vực châu Á hàng đầu tại Oxford Economics cho biết: "Lệnh phong tỏa tại Trung Quốc sau kì nghỉ Tết Nguyên đán mạnh bạo và quyết liệt hơn những lệnh cấm mà giới chính trị gia phương Tây có thể áp dụng tại đất nước của họ".

"Do đó, qui mô sự sụt giảm kinh tế tại châu Âu và Mỹ do tác động từ COVID-19 và các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh sẽ không lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cả Mỹ và châu Âu đều đang tiến tới suy thoái, khi xét tới phạm vi các lệnh cấm đang được chính phủ các nước này áp dụng". 

Dữ liệu thực tế đã chỉ ra rằng những dự báo trước đó đã đánh giá quá thấp tác động của COVID-19 tới nền kinh tế Trung Quốc. Một lần nữa, các nhà phân tích cũng có thể sẽ tiếp tục sai lầm khi đưa ra nhận định về những quốc gia khác. 

Đối với nhiều nhà phân tích, diễn biến của COVID-19 đã vượt xa những gì họ có thể tưởng tượng. Điều này cho thấy rằng tác động tới nền kinh tế của đại dịch này có khả năng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn các dự báo ban đầu.

Trung Quốc hối thúc thế giới hành động

Theo SCMP, tổng cộng, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư vào tài sản cố định chiếm 85% tỉ trọng nền kinh tế Trung Quốc.

Theo ông Julian Evans Pritchard – nhà nghiên cứu tại Capital Economics "nếu nhìn qua, những dữ liệu này chỉ ra rằng tăng trưởng GDP chính thức của Trung Quốc trung bình  trong hai tháng đầu năm 2020 là âm 13%".

Ông Pritchard cho biết thêm: "Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Lần cuối cùng GDP Trung Quốc tăng trưởng âm là năm 1976".

Ngoài ra, dữ liệu cho thấy rằng COVID-19 tấn công vào cả cung lẫn cầu của nền kinh tế - được thể hiện qua sự sụt giảm doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia không phụ thuộc nhiều vào công nghiệp và xuất khẩu như Trung Quốc cũng sẽ phải cảm thấy lo lắng.

Giáo sư tài chính Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh nhận xét: "Qui mô sự suy giảm lớn đến mức chúng gần như chắc chắn sẽ tạo ra những tác động vĩnh viễn".

"Chẳng hạn, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản, đồng nghĩa với việc sau khi COVID-19 được kiểm soát thì những doanh nghiệp này cũng sẽ không thể đóng góp cho tổng cầu của nền kinh tế."

"Ngoài ra, những người mất việc và những ông chủ doanh nghiệp phá sản sẽ mất đi một phần thu nhập đáng kể. Điều này khiến cho tiêu dùng sẽ không thể hồi phục sau khi đại dịch chấm dứt".

Dù cho dữ liệu công bố vào tháng 4 sẽ mang đến cái nhìn đầy đủ hơn về thiệt hại của nền kinh tế, nhưng giáo sư Pettis cho rằng tiêu dùng sẽ giảm do nhiều người dân tiết kiệm tiền để dành cho thời kì bất ổn.

Nhiều khả năng, nhu cầu tiêu dùng yếu theo sau lệnh phong tỏa của các nước phương Tây sẽ tiếp tục cản trở hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Những dữ liệu bi đát của Trung Quốc công bố hôm 16/3 có thể sẽ trở thành tín hiệu cảnh báo, hối thúc các nhà hoạch định chính sách trên thế giới có các hành động quyết liệt hơn để đối phó vối thách thức kinh tế từ COVID-19.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis viết trên Twitter: "Một trong những lí do quan trọng khiến cho Trung Quốc công bố những con số khủng khiếp trên - ngoài việc củng cố mô hình hồi phục chữ V – là để cảnh báo thế giới, thúc đấy Fed và những ngân hàng trung ương khác phản ứng với nhu cầu suy giảm trên toàn cầu. Chúng ta có thể gọi động thái này của Trung Quốc là "hợp tác bằng cách đe dọa".

Giang

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.