|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chế tạo, bán lẻ và đầu tư sụt giảm trong hai tháng đầu năm, dịch COVID-19 giáng đòn đau vào nền kinh tế Trung Quốc

15:07 | 16/03/2020
Chia sẻ
Nền kinh tế Trung Quốc đã suy yếu nghiêm trọng hơn so với dự báo của các nhà phân tích khi mà dịch virus corona (COVID-19) buộc nhiều nhà máy, cửa hàng và nhà hàng trên khắp cả nước phải đóng cửa, gây thiệt hại đến ba lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế là chế tạo, bán lẻ và đầu tư.

Tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc cho thấy nguy cơ giảm tốc mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trên khắp thế giới.

So với cùng kì năm trước, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã lao dốc 13,5% trong tháng 1 và tháng 2 năm nay. Trước đó các nhà phân tích dự báo mức giảm chỉ là 3%.

Doanh số bán lẻ giảm 20,5% trong cùng kì, trong khi ước tính của giới phân tích là giảm 4%. Đầu tư tài sản cố định giảm 24,5% so với mức giảm ước tính 2%. Tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 6,2% - mức cao nhất từng ghi nhận.

Bloomberg dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho hay tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm trong quí I/2020 so với cùng kì năm ngoái. Đây là lần đầu tiên sự việc này xảy ra kể từ khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu so sánh dữ liệu vào năm 1989.

Chế tạo, bán lẻ và đầu tư sụt giảm trong hai tháng đầu năm, dịch COVID-19 giáng đòn đau vào nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

"Dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc, từ hoạt động nhà máy cho đến chi tiêu tiêu dùng, khựng lại", ông Iris Pang - chuyên gia cấp cao tại ING Bank (có trụ sở ở Hong Kong), cho hay.

"Khi dịch COVID-19 gần như lan rộng trên khắp thế giới, nhu cầu hàng hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị tác động, ảnh hưởng từ thực tế đó sẽ dội lại các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc vào tháng 3 và tháng 4", ông nhận định.

Diễn biến của dịch COVID-19 tại thành phố Vũ Hán trở nên đặc biệt phức tạp vào tháng 1, buộc chính phủ Trung Quốc phải phong tỏa toàn tỉnh Hồ Bắc, kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán và hạn chế đi lại cũng như hoạt động kinh doanh trên khắp cả nước.

Các động thái trên khiến phần lớn hoạt động kinh tế của đất nước tỉ dân đình trệ vào tháng 2, làm mất đi sự ổn định ghi nhận vào tháng 12/2019.

Chế tạo, bán lẻ và đầu tư sụt giảm trong hai tháng đầu năm, dịch COVID-19 giáng đòn đau vào nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 2.

Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa tỉnh Hồ Bắc cùng nhiều tỉnh, thành khác trên khắp cả nước từ tháng 1 năm nay. (Ảnh: Bloomberg)

Mặc dù đang có nhiều dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp và người lao động Trung Quốc sẽ làm việc trở lại vào tháng 3, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa thể quay về trạng thái bình thường.

Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc và một số nước châu Á khác dường như đang dần kiểm soát ổn định dịch bệnh, COVID-19 hiện đang lây lan nhanh chóng ở châu Âu, Mỹ và một số khu vực khác. Diễn biến này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, làm gia tăng thiệt hại của doanh nghiệp và nền kinh tế tỉ dân.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang chạm đáy, nhưng sẽ không phục hồi theo mô hình chữ V", ông Raymond Yeung - nhà kinh tế trưởng tại Australia & New Zealand Banking Group (ANZ), nhận định.

Hôm 13/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hành động để hỗ trợ nền kinh tế, bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại bằng cách giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc.

Hôm nay (16/3), PBoC cũng đã kiềm chế không hạ lãi suất các khoản vay trung hạn tương tự như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Động thái của PBoC cho thấy cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng có chọn lọc, được tính toán kĩ ở thời điểm hiện tại, bất chấp dữ liệu kinh tế xấu.

"Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc thật đáng thất vọng", nhà kinh tế trưởng Larry Hu của Maccquarie Group nói. "Rõ ràng dịch COVID-19 là cú sốc đối với cán cân cung - cầu. Dịch gây thiệt hại cho cả nhu cầu trong và ngoài nước. COVID-19 gây ra cả áp lực lạm phát lẫn giảm phát.

Như vậy, chúng tôi không cho rằng PBoC sẽ sớm công bố một gói kích thích lớn trong thời gian tới, tuy nhiên Trung Quốc sẽ ở yên trong chu kì cắt giảm lãi suất hiện tại", ông Hu nói thêm.

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.