Hà Nội 16 °C | 09:48PM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cú sốc kép cung-cầu: Hai gọng kìm của dịch COVID-19 kẹp chặt nền kinh tế thế giới

09:25 | 06/03/2020
Chia sẻ
Những dự báo rằng nền kinh tế sẽ mau chóng phục hồi sau khi dịch virus corona (COVID-19) giờ đã tan thành mây khói. Một số nhà phân tích đánh giá rằng các ngân hàng trung ương cần đưa ra những biện pháp hiệu quả hơn, ngoài việc giảm lãi suất.
Kinh tế thế giới vật lộn giữa gọng kìm của cú sốc kép cung cầu - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Trung Quốc hồi tháng 1/2020. Ảnh: AP

Theo Bloomberg, dịch virus corona (COVID-19) giáng xuống kinh tế thế giới không chỉ một, mà tới hai cú đánh. Nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ còn "đo ván" trong hàng tháng trời tiếp theo, buộc các nhà đầu tư phải định giá lại cổ phiếu và trái phiếu để phù hợp với lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.

Một mặt, dịch bệnh đang bó buộc khả năng sản xuất hàng hóa của Trung Quốc – đất nước được mệnh danh là công xưởng thế giới. Nhiều nhà máy nước này vẫn chưa thể hoạt động trở lại, công nhân tiếp tục phải nghỉ ở nhà. Những công ty thiếu thốn nguyên vật liệu phải tìm kiếm các nhà cung cấp ở nơi khác.

Ban đầu, cú sốc cung này được đánh giá là một gián đoạn mang tính nhất thời, dễ dàng đảo ngược một khi dịch bệnh được kiểm soát. Do vậy, ban đầu, nhiều chuyên gia đã dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đi theo mô hình chữ V: sụt giảm vào quí I/2020 và phục hồi vào những tuần kế tiếp.

Kinh tế thế giới vật lộn giữa gọng kìm của cú sốc kép cung cầu - Ảnh 2.

Các dự báo sớm này giờ đã tan thành mây khói vì cả cầu hàng hóa và dịch vụ cũng đang trì trệ. Hiện virus corona đã lan sang các nước khác ngoài Trung Quốc, khiến cho người tiêu dùng trên khắp thế giới ngày càng lo lắng và hạn chế ra ngoài mua sắm, du lịch hoặc ăn ở nhà hàng.

Kết quả là, không chỉ cho nhân viên làm việc tại nhà, mà nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ ngừng tuyển thêm nhân viên hoặc ngừng đầu tư các dự án mới – làm cú đánh của virus corona tới chi tiêu càng trở nên trầm trọng.

Các nhà kinh tế vẫn còn đang tranh cãi về việc liệu hai cú sốc cung - cầu sẽ tạo ra tác động như thế nào.

Trong tuần này, Giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard viết rằng có khả năng thế giới sẽ rơi vào tình trạng lạm phát do nguồn cung sụt giảm theo phong cách những năm 1970. Những nhà kinh tế khác thì cho rằng tỉ lệ lạm phát sẽ giảm trong tương lai.

Kết luận dành cho các ngân hàng trung ương và chính phủ là nhiều khả năng áp lực đòi hỏi những biện pháp hỗ trợ kinh tế của người dân sẽ còn tăng thêm.

Ông David Wilcox, một cựu quan chức Cục Dự trữ liên bang (Fed), nay là thành viên của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson viết trong bản báo cáo tuần này: "Một cuộc suy thoái kinh điển xảy ra do cầu thấp hơn cung".

"Trong tình huống "thông thường" đó, các nhà hoạch định chính sách biết cách bù đắp sao cho cầu cân bằng với cung. Nhưng tình huống hiện tại còn phức tạp hơn, vì cả cầu và cung đều đang suy yếu".

Tình hình tồi tệ nhất kể từ năm 2009

Cú đánh kép vào cung và cầu giải thích lí do vì sao thế giới đang rơi vào thời kì tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ suy thoái năm 2009. Mục tiêu lạm phát của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới ngày càng trở nên xa với.

Theo Bloomberg, nhiều công ty trên thế giới, bao gồm Tập đoàn Hyatt Hotels và United Airlines Holdings đều đã rút lại các dự đoán lợi nhuận đưa ra trước đó. Các nhà sản xuất trên khắp thế giới, từ Samsung Electronics cho đến Toyota Motor cũng đang phải chiến đấu để đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Cú đánh vào cung và cầu là nguyên nhân khiến cho quyết định cắt giảm lãi suất lớn nhất kể từ năm 2008 của Fed vào ngày 3/3 ban đầu đã thất bại trong việc thúc đẩy thị trường cổ phiếu.

Bất chấp lời cảnh báo của giáo sư Havard Kenneth Rogoff về thiếu hụt sản phẩm, theo quan sát từ trái phiếu Kho bạc Mỹ, các nhà đầu tư hiện nay đánh giá lạm phát trong 10 năm sau chỉ đạt 1,48%; giảm so với mức 1,8% hồi đầu năm 2020.

Mối lo hiện tại của các ngân hàng trung ương là lãi suất giảm cũng không thể giúp nhà máy mở cửa trở lại hoặc đem công nhân quay lại làm việc.

Ngay cả khi dịch bệnh đã được khống chế, ngân hàng trung ương sẽ cần các biện pháp sáng tạo hơn, như kết hợp giảm lãi suất với các chương trình được thiết kế để tăng cường niềm tin vào nền kinh tế và giữ cho dòng tín dụng không bị ách tắc.

Một lí do khác thúc đẩy ngân hàng trung ương thực hiện những biện pháp này là vì lãi suất cơ bản hiện nay là thấp và khó có thể giảm thêm nữa.

Kết quả đáng thất vọng sau động thái đầu tiên của Fed (giảm lãi suất quĩ liên bang 0,5 điểm %) đã gia tăng áp lực đòi hỏi chính phủ các nước trên thế giới phải mạnh tay hơn.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 7,8 tỉ USD để đối phó với dịch virus corona. Thông tin này đã phần nào giúp cho thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận xét: "Chúng ta mới đang trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng này".

Kinh tế thế giới vật lộn giữa gọng kìm của cú sốc kép cung cầu - Ảnh 3.

Một số nhà kinh tế cho rằng tình hình hiện nay xảy ra do cú sốc cung. Số khác thì nhấn mạnh vào sự sụt giảm của cầu.

Các nhà hoạch định chính sách thường khó đối phó với sốc cung hơn là sốc cầu. Nguyên nhân là việc nhanh chóng khôi phục mạng lưới sản xuất, vận chuyển, liên lạc hoặc nguồn cung tài nguyên thiên nhiên bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bất ngờ là rất khó khăn.

Để khắc phục cú sốc cung thường phải cần đến can thiệp của các cơ quan tài khóa. Nhưng hiện nay hầu hết những cơ quan này đều nhường lại quyền chỉ huy cho các ngân hàng trung ương. 

Mỹ, Nhật, Italy và Hàn Quốc đều nằm trong danh sách những nước đã công bố gói các hỗ trợ tổng hợp để đối phó với dịch virus corona. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, tiền được phân bổ chủ yếu cho ngành y tế và để hỗ trợ cho các biện pháp chữa trị và phòng dịch COVID-19, chứ không phải cho toàn bộ nền kinh tế.

Giảm lãi suất cũng "vô dụng"

Bà Seema Shah, Giám đốc chiến lược tại Principal Global Investors nhận xét: "Dĩ nhiên lãi suất giảm cũng không giúp lấp đầy các kệ hàng trống rỗng. Chính sách tiền tệ trở thành vô dụng khi cung không thể đáp ứng được cầu".

Về phía cầu, dù ngân hàng trung ương thường là bên phản ứng đầu tiên, bản chất của cú sốc lần này có thể khiến cho các biện pháp tiền tệ chung chung áp dụng cho toàn nền kinh tế trở nên kém hiệu quả hơn.

Dù chi phí vay rẻ hơn có thể giúp tăng sức mua của hộ gia đình, nhưng sự trợ giúp này không có nhiều ý nghĩa nếu hàng triệu người phải cách li ở nhà, hoặc nếu người dân hạn chế ra ngoài mua sắm vì sợ nhiễm bệnh.

Ngân hàng trung ương còn lựa chọn nào?

Sự kém hiệu quả của lãi suất trong việc thúc đẩy tiêu dùng có thể là lí do vì sao Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ưu tiên sử dụng các biện pháp tín dụng nhắm đến mục tiêu trọng điểm, hơn là cắt giảm lãi suất cơ bản sau khi dịch COVID-19 bùng phát.

Ngoài ra, các cơ quan quản lí của Trung Quốc cũng cho phép ngân hàng "ôm" nhiều nợ xấu hơn, và giảm bớt các điều kiện để được bán trái phiếu.

Các nhà phân tích của Credit Suisse Group AG cũng cho rằng Fed cần có những động thái mạnh mẽ hơn.

Hôm 3/3, chiến lược gia Zoltan Pozsar và nhà kinh tế James Sweeney chỉ ra rằng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể khiến các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, làm cho các điều kiện tài chính bị thắt chặt lại.

Hai chuyên gia này viết: "Chuỗi cung ứng thực chất là chuỗi thanh toán đảo ngược", và thúc giục Fed tăng cường "hỗ trợ thanh khoản không giới hạn bằng việc nới lỏng định lượng".

Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang cảnh giác với những rối loạn tiềm tàng trong nền kinh tế nếu dịch bệnh kéo dài. Một lưu ý ngắn gọn của EC viết: "Có khả năng những chuỗi sự kiện tiêu cực, không thể lường trước được sẽ bị kích hoạt bởi việc các công ty bị mất thanh khoản và buộc phải ngừng sản xuất. Những hiệu ứng này có thể sẽ được khuếch đại và lan rộng thông qua thị trường tài chính".

Kinh tế thế giới vật lộn giữa gọng kìm của cú sốc kép cung cầu - Ảnh 4.

Tuần trước, các thị trường chứng khoán toàn cầu có đợt giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng 2009. Đến 4/3, thị trường đã tăng 2,7%, được thúc đẩy bởi kế hoạch chi tiêu của chính phủ Mỹ, cùng với sự lạc quan của giới đầu tư khi cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử sơ bộ ngày Siêu thứ Ba (3/3).

Tuy nhiên, các rủi ro đối với thị trường chứng khoán vẫn còn đó.

Ông Jingyi Pan, chiến lược gia thị trường chứng khoán tại IG Asia Pte ở Singapore nhận xét: "Dù biện pháp giảm lãi suất của Fed đã có tác động tốt cho tới cuối năm 2019, nhưng việc tiếp tục hạ lãi suất xuống sâu hơn có thể sẽ không hỗ trợ nhiều cho thị trường lúc này".

Giờ đây gánh nặng tìm ra những biện pháp sáng tạo hơn đang đổ dồn lên đầu các nhà hoạch định chính sách. Chi tiêu chính phủ có thể không đủ để ngăn chặn COVID-19 lây lan, nhưng có thể giúp thay thế cho nhu cầu tiêu dùng đang rơi với tốc độ chóng mặt.

Ông Chetan Ahya, kinh tế trưởng tại Morgan Stanley dự đoán thâm hụt tài khóa của 4 nền kinh tế tiên tiến lớn, bao gồm Trung Quốc sẽ tăng lên ít nhất 4,7% trong năm nay – mức cao nhất kể từ năm 2011.

Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody's Analytics kết luận: "COVID-19 là một cú sốc kinh tế đặc biệt nguy hiểm, vì dịch bệnh này tác động đến cả cung lẫn cầu".

Giang