|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ thế giới kiện tụng nhau liên miên vì dịch virus corona

17:10 | 05/03/2020
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới có thể sẽ phải trả giá cho những biện pháp chống dịch virus corona (COVID-19) không chỉ bằng tiền, mà còn bằng các vụ kiện lâu dài và phiền toái.
Dịch virus corona đe dọa nhấn chìm thế giới trong các vụ kiện - Ảnh 1.

Các phi công của American Airlines khởi kiện hãng hàng không này để yêu cầu ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc do lo ngại dịch virus corona. Ảnh: AFP

Dịch virus corona (COVID-19) đã đảo lộn các thị trường, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và buộc chính phủ nhiều nước phải áp dụng các biện pháp cách li cưỡng chế. Tất cả đều là mảnh đất màu mỡ cho các vụ kiện tụng.

Khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường mẫu giáo hay viện dưỡng lão đều có thể bị khiếu nại vì không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm virus corona.

Cổ đông có thể khởi kiện nếu công ty không có phản ứng kịp thời để đối phó với dịch bệnh. Các doanh nghiệp vội vã kiểm tra lại để xem hợp đồng bảo hiểm họ đã mua có chi trả cho gián đoạn trong kinh doanh do virus corona gây ra hay không. Nhiều nước phải xét lại thẩm quyền của chính phủ trong cách li người dân. 

Ông Paul White, đối tác và đại diện của công ty bảo hiểm Wilson Elser Moskowitz Edelman & Dicker suy đoán: "Tôi cho rằng tác động của dịch bệnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kì lớn".

Một số vụ kiện đã mau chóng được đệ trình lên tòa án: Hôm 30/1, các phi công tại Tập đoàn American Airlines đã khởi kiện để buộc hãng hàng không này ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc. 

Thành phố Costa Mesa thuộc California kiện chính phủ Mỹ để phản đối việc đưa các bệnh nhân nhiễm virus corona đến cách li tại một bệnh viện thuộc sở hữu nhà nước ở đây.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến kiện tụng. 

Các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát

Ông Joe Balice là một luật sư thuộc công ty Brutzkus Gubner ở Los Angeles, đại diện cho các khách hàng trong ngành dệt may. Vị luật sư này cho biết rất nhiều khách hàng của ông đã phải chịu thiệt hại vì tình trạng đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc. 

Ông Balice nhận xét tác động từ sự gián đoạn trong kinh doanh "sẽ rất lớn và theo cách mà chúng ta chưa bao giờ trải qua".

Các công ty sản xuất có khả năng sẽ khởi kiện nhà cung cấp vì không giao hàng theo đúng thời hạn. Nhà cung cấp lại có thể kiện các công ty năng lượng vì đã ngừng một số chuyến hàng vì nhu cầu vận tải sa sút.

Ông Michael Hurst, đối tác của công ty Lynn Pinker Cox & Hurst ở Dallas cho rằng sắp tới các tranh cãi về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng sẽ tăng đột biến. Theo đó, khi có tình huống bất khả kháng xảy ra, bên đương sự sẽ được miễn các nghĩa vụ của hợp đồng.

Ông Hurst cho biết: "Có công ty sẽ nói rằng không thể tuân thủ theo hợp đồng vì không nhận được nguồn cung từ phía Trung Quốc, hoặc vì công nhân không chịu đi làm. Nhưng bên còn lại trong hợp đồng có thể phản đối, cho rằng các công ty này quá thận trọng hoặc chỉ đang viện cớ".

Các công ty bảo hiểm rất dễ bị yêu cầu phải có mặt tại tòa án. Luật sư Balice nói rằng nhiều doanh nghiệp đang cấp tốc nghiên cứu xem liệu các hợp đồng bảo hiểm của họ có chi trả cho những khó khăn mà virus corona gây ra cho việc kinh doanh hay không. 

"Và rất nhiều công ty sẽ nhận ra câu trả lời là không", Ông Balice nói.

Vị luật sư này cho biết bảo hiểm gián đoạn kinh doanh thường bồi thường cho những thiệt hại vật chất, ví dụ như một nhà máy bị cháy, chứ không phải cho việc đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh. "Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến các vụ kiện xung quanh hợp đồng bảo hiểm trong nhiều năm tiếp theo".

Ông Philip Senff, người đứng đầu bộ phận tuân thủ tại công ty luật CMS ở Trung Quốc nhận xét: "Những công ty vốn đã phải chống chọi với nhiều thách thức khi hoạt động tại thị trường Trung Quốc từ trước có thể phải chịu tổn hại nặng nếu có nguồn lực hạn chế".

Doanh nghiệp nên bảo vệ nhân viên bằng cách nào?

Một số công ty đã nhanh chóng hạn chế các chuyến công tác và khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà. Vài hội nghị toàn ngành đã bị hủy bỏ để tránh tụ tập đông người, ngăn ngừa lây nhiễm virus corona. 

Thậm chí một vài công ty còn lo rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để nhân viên tham dự các buổi họp hoặc sự kiện doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm bảo vệ người lao động có thể đi quá giới hạn và xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.

a - Ảnh 1.

Tweet của một phóng viên EU đăng ngày 3/3: "Tôi không ngờ sẽ thấy biển cấm bắt tay ở tòa án EU cơ đấy"

Ông David Newman, Trưởng bộ phận tư vấn cho khách hàng về dịch bệnh tại công ty luật Morrison & Foerster ở Washington chia sẻ rằng các khách hàng của ông muốn biết những thông tin nào họ có thể yêu cầu nhân viên cung cấp, về khả năng phơi nhiễm với virus corona, hoạt động đi lại và lịch sử y tế; và những câu hỏi nào cần phải tránh.

Bà Domenique Camacho Moran, đối tác tại hãng luật Farrell Fritz đại diện cho các chủ lao động cho biết nhiều khách hàng của bà cũng có cùng những lo lắng trên.

Có khách hàng còn chia sẻ một nhân viên của họ của đã khiến cả công ty rơi vào hoảng loạn trong thời gian ngắn, sau khi người này tiết lộ kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona nhưng không phải loại COVID-19 đang lây lan hiện nay.

Bà Camacho Moran nói: "Tình hình bây giờ thay đổi rất nhanh. Đáp án đúng cho thứ Hai có thể trở thành câu trả lời sai vào thứ Sáu".

Bà Sloane Ackerman, luật sư tại O'Melveny & Myers ở New York cho rằng các công ty "có thể cần phải linh hoạt hơn trong chính sách cho nhân viên nghỉ ốm, đồng thời trả lương để họ có động lực ở nhà".

Giáo sư khoa luật Carl Tobias của Đại học Richmond cho biết, các doanh nghiệp phải tiếp xúc hàng ngày với công chúng, hoặc những nơi có các hoạt động chăm sóc cho người già, người ốm, trẻ em... cũng có thể bị kiện. 

Ông Tobias nói: "Họ có thể bị khiếu nại vì đã không hành động đủ nhanh để bảo vệ những người ở đó dù đã biết rõ virus corona là một mối đe dọa nguy hiểm. Họ cũng có thể bị kiện vì không có kế hoạch dự phòng dịch bệnh thích hợp".

Tại châu Âu, các hãng hàng không phải dành nhiều năm trời trong các phiên tòa của Liên minh châu Âu (EU) để chiến đấu với các điều luật qui định những tình huống công ty phải bồi thường cho hành khách.

Tại một cuộc họp báo, bà Adina Valean - Ủy viên Giao thông vận tải của EU cho biết, Tòa án Công lí châu Âu có thể phải xét xem quan điểm của các hãng hàng không rằng dịch virus corona nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Nếu Tòa án tán thành với lập luận này, các công ty hàng không sẽ tránh được việc phải trả tiền bồi thường cho khách hàng. 

Còn tại Đức, một mùa đại hội cổ đông mới sắp bắt đầu. Các buổi họp này buộc phải được tổ chức trong vòng 8 tháng đầu năm, và có thể có qui mô rất lớn, thậm chí đủ để lấp đầy các sân vận động Olympics.

Dù vẫn còn quá sớm để đoán trước tình hình, các luật sư Đức đã bắt đầu xem xét đến khả năng để các cổ đông họp và bỏ phiếu trực tuyến, thay vì tập trung tại một địa điểm.

Chính phủ có quyền cách li người dân không?

Dịch virus corona đe dọa nhấn chìm thế giới trong các vụ kiện - Ảnh 3.

Một cư dân tại thành phố Costa Mesa phản đối đề xuất của chính phủ Mỹ nhằm đưa bệnh nhân nhiễm virus corona đến cách li tại thành phố này. Ảnh: Voice of OC

Những nỗ lực của chính phủ để chống dịch virus corona thông qua cách li bắt buộc và các biện khác cũng có thể làm dấy lên các vụ kiện, nếu vấp phải sự phản đối của người dân. 

Ông Henry Greenberg, chủ tịch Hiệp hội luật sư New York và cựu luật sư của sở y tế bang này cho biết quan chức y tế có quyền lực "khổng lồ" để truy tìm và cách li người nhiễm virus corona. Quyết định và hành động của những quan chức này được hậu thuẫn bởi "bộ luật đồ sộ" về bệnh truyền nhiễm.  

Ông nói rằng thủ thuật của nhân viên chính phủ là cân nhắc và đánh đổi giữa sức khỏe cộng đồng với quyền lợi của cá nhân và tránh các phản ứng thái quá.

Một số thành phố đã đâm đơn kiện chính phủ Mỹ. Costa Mesa khởi kiện để phản đối đề xuất cách li bệnh nhân dương tính với virus corona từ tàu Diamond Princess tại một cơ sở y tế của thành phố này.

Thành phố San Antonio thì kiện Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar và các quan chức khác khi chính phủ cách li một hành khách trên tàu dù cô đã vượt qua hai cuộc xét nghiệm virus corona. Nhưng sau khi cô được trở về nhà, xét nghiệm lần thứ ba lại cho ra kết quả dương tính.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang