|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19 phơi bày điểm yếu của các nền kinh tế Đông Nam Á

10:42 | 05/03/2020
Chia sẻ
Dịch virus corona (COVID-19) đã phơi bày sự phụ thuộc của các quốc gia Đông Nam Á vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc. Giờ đây, chính phủ các nước trong khu vực đang phải tìm kiếm các biện pháp để đối phó với những tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.
Điểm yếu của nền kinh tế các nước Đông Nam Á lộ rõ trước tình hình dịch virus corona - Ảnh 1.

Trung Quốc là nguồn khách du lịch hàng đầu của Thái Lan và Singapore năm ngoái, nhưng dịch virus corona đã khiến những địa điểm vui chơi nổi tiếng như công viên giải trí nằm bên ngoài Bangkok này gần như bị bỏ hoang. Ảnh: Shutterstock.

Gần đây, khu chợ đường phố tại Ubud, Bali (Indonesia) vắng vẻ một cách lạ thường vào buổi chiều.

Ông Ketut, một tiểu thương bán túi xách và đồ thủ công bằng gỗ cho khách du lịch nói rằng: "Trước kia, vào thời điểm này trong ngày, khách du lịch Trung Quốc đến chợ rất đông". Từ sau khi dịch virus corona bùng phát vào tháng 1, lượng hàng ông bán được đã giảm một nửa.

Theo tờ Financial Times, sự suy giảm trong thương mại với Trung Quốc đã giáng đòn mạnh xuống kinh tế các nước Đông Nam Á.

Khách Trung Quốc ngừng đi du lịch nước ngoài. Nhiều nhà máy tại quốc gia được mệnh danh là "công xưởng thế giới" ngừng giao hàng cho khách. Trung Quốc cũng đã ngừng nhập khẩu rất nhiều loại hàng hóa, từ đồ điện tử Thái Lan và Malaysia cho đến thanh long của Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng này đã thể hiện rõ sự phụ thuộc của các nước Đông Nam Á vào nền kinh tế thứ hai thế giới. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và một trong những nguồn khách du lịch lớn nhất của các nước trong khu vực.

Khó khăn của các nước Đông Nam Á phần nào thể hiện những mối rủi ro có thể xảy đến châu Âu và nước Mỹ khi dịch virus corona lan rộng.

Một số ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất trước lo ngại về những tác động mà dịch virus corona có thể gây nên đối với nền kinh tế.

Hôm 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định giảm lãi suất quĩ liên bang 0,5 điểm %. Vài giờ trước đó, Australia và Malaysia cũng đã thông báo hạ lãi suất cơ bản.

Ông Nuttabhat Jarach, một công nhân tại trung tâm hỗ trợ du khách ở sân bay Don Mueang tại Bangkok nói: "Nếu việc cách li kéo dài hơn hai hoặc ba tháng, nền kinh tế Thái Lan sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực".

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, số du khách quốc tế tới nước này trong tháng 2/2020 đã giảm 40% - 60% so với năm trước.

Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan và Singapore, chiếm lần lượt 1/4 và 1/5 tổng số khách quốc tế của hai nước này trong năm 2019.

Các nhà kinh tế muốn đưa ra dự đoán tổn thất kinh tế do virus corona gây ra thường so sánh dịch bệnh này với dịch SARS năm 2003. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng 17 năm trước, Trung Quốc chưa phải là "ông lớn" trong nền kinh tế châu Á như hiện tại.

Ông Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định: "Một điểm khác biệt so với đại dịch SARS trước kia là hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển hơn nhiều và tăng cường hội nhập với các nước châu Á. Tầm ảnh hưởng của du khách Trung Quốc đối với các nước trong khu vực cũng lớn hơn nhiều so với quá khứ".

Mức độ hội nhập kinh tế của Trung Quốc đối với các nước châu Á được thể hiện đặc biệt rõ trong lĩnh vực sản xuất. Việt Nam có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất. Trước đây, bán thành phẩm và sản phẩm hoàn chỉnh thường xuyên được chuyển qua biên giới giữa hai nước. Đôi khi, để chế tạo được sản phẩm, qui trình vận chuyển này còn phải lặp lại vài lần.

Do các tuyến vận tải trên bộ bị gián đoạn, Samsung đã phải chuyển một số linh kiện từ Trung Quốc tới hai nhà máy ở Việt Nam bằng đường hàng không.

Tuy nhiên, đây không phải là một lựa chọn khả thi đối với những ngành công nghiệp có biên lợi nhuận thấp hơn, ví dụ như dệt may. 

Các công ty sản ngành dệt may buộc phải vận chuyển hàng hóa qua đường biển, tìm kiếm các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc, hoặc dùng bớt hàng tồn kho dự trữ và hi vọng đợt khủng hoảng sẽ mau chóng kết thúc.

Ông Alex Trần, giám đốc Công Ty TNHH Xuất Khẩu Hàng Thủ Công Mỹ Nghệ Lạc Việt tại Đà Nẵng cho biết: "Nếu tình trạng này kéo dài trong 3 hoặc 6 tháng thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu tình hình không thay đổi cho đến cuối năm, thì chúng tôi sẽ gặp khó khăn".

Ông Sriram Muthukrishnan, người đứng đầu bộ phận quản lí sản phẩm thương mại tại ngân hàng DBS (có trụ sở tại Singapore) cho biết một số khách hàng của DBS dự kiến sẽ giảm 5%-10% các đơn đặt hàng trong ngắn hạn.

Ông Sriram nói: "Virus corona buộc mọi người phải nhìn nhận hoạt động mậu dịch trung gian tại châu Á phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều đến mức nào, thậm chí còn hơn những gì họ từng tưởng tượng".

Điểm yếu của nền kinh tế các nước Đông Nam Á lộ rõ trước tình hình dịch virus corona - Ảnh 2.

Nhân viên tại các nhà hàng đứng chờ khách ở một con phố vắng vẻ tại Singapore. Ảnh: Reuters

Chính phủ các nước Đông Nam Á phản ứng như thế nào?

Theo tờ Financial Times, hiện tại, chính phủ các nước Đông Nam Á đang tìm kiếm chính sách để ứng phó với những khó khăn từ dịch virus corona. 

Tháng trước, Singapore đề xuất chương trình kinh tế trị giá 6,4 tỉ đô la Singapore (4,6 tỉ USD) để đối phó với tác động của dịch bệnh. Gói kích thích kinh tế này được Singapore công bố chỉ vài ngày sau khi hạ dự đoán tăng trưởng xuống còn -0,5% đến 1,5%. Trước khi bùng phát dịch virus corona xảy ra, đảo quốc sư tử dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 0,5%-2%.

Tuần trước, Malaysia cũng tiết lộ gói kích thích kinh tế trị giá 20 tỉ ringgit (4,7 tỉ USD).

Năm ngoái, chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch "Ăn uống, mua sắm, chi tiêu" nhắm vào khách du lịch nội địa để giúp nền kinh tế hồi sinh trở lại. Giờ đây, chính phủ nước này đang tìm kiếm những biện pháp kích thích khác.

Cả Indonesia và Thái Lan đều nói virus corona là một phần nguyên nhân khiến chính phủ hai nước giảm lãi suất 0,25 điểm % và 0,5 điểm %.

Nhiều chính quyền địa phương, kể cả ở Việt Nam cũng đang thực hiện các bước nhằm "khai thông" các tuyến đường giao thương ở biên giới với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất cho biết các gián đoạn hiện tại có thể sẽ tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong chuỗi cung ứng của họ. Một số nhà cung cấp ở Đông Nam Á có thể được hưởng lợi trước tình hình này.

Ngân hàng Maybank của Malaysia lưu ý rằng dịch virus corona có thể thúc đẩy quá trình cắt giảm các đơn đặt hàng tại Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, vốn đã được bắt đầu từ trước do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Công ty thiết kế và sản xuất dụng dụng cụ thử nghiệm cho chất bán dẫn Aemulus tại Malaysia đang tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện từ Đài Loan hoặc Hàn Quốc.

Aemulus chấp nhận trả giá cao hơn so với hàng mua từ Trung Quốc, vì các nhà cung cấp nước này chưa hoạt động hết công suất và không thể cam kết thời điểm giao hàng.

Ông Chuah Choon Bin, chủ tịch của Pentamaster – công ty sản xuất công nghệ và tự động hóa của Malaysia cho biết: "Virus corona có thể mang đến một bài học cho mọi nhà sản xuất. Mọi người đều tập trung vào Trung Quốc nhưng giờ họ phải tìm kiếm nơi khác".

Giang