|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lo dịch corona kéo dài, các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất đến Đông Nam Á

22:30 | 16/02/2020
Chia sẻ
Một số công ty Nhật Bản bắt đầu thực hiện hoặc cân nhắc phương án di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc về Nhật Bản và đến các nước Đông Nam Á vì lo ngại dịch virus corona chủng mới (Covid-19) gây viêm phổi cấp có thể kéo dài thời gian đóng cửa nhà máy của họ ở Trung Quốc, tàn phá nặng nề hơn chuỗi cung ứng của họ.

Không thể chờ đến lúc dịch được khống chế

Lo dịch corona kéo dài, các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất đến Đông Nam Á - Ảnh 1.

Do tác động của dịch Covid-19, Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu đang chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện từ Trung Quốc về Nhật Bản và sang Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asian Review

Chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc đồng nghĩa là với việc chấp nhận chi phí tạm thời gia tăng và đó không phải là một sự lựa chọn dễ dàng. Nhưng giới phân tích cho biết một số công ty Nhật Bản không thể chờ cho đến khi cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 được khống chế.

Các công ty Nhật Bản vẫn duy trì mạng lưới sản xuất rộng lớn ở Trung Quốc dù chi phí thuê nhân công ở nước này đang gia tăng.

“Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là các thiết bị điện tử của chúng tôi, trong trường hợp tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc”, Umeda Hirokazu, Giám đốc tài chính hãng điện tử Panasonic nói trong trong cuộc họp báo gần đây.

Một số nhà sản xuất Nhật Bản đã nối lại hoạt động ở Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết kéo dài hơn dự kiến do tác động của dịch Covid-19 nhưng phần lớn hoạt động nhà máy ở Trung Quốc đang ngưng trệ.

Các nhà sản xuất Nhật Bản bị giáng đòn nặng nề do quyết định của nhà chức trách phong tỏa đi lại ở TP. Vũ Hán, một trung tâm sản xuất và logistics (kho vận), nơi khởi phát dịch Covid-19.

Tạm thời chuyển hoạt động sản xuất đến các nước khác trong khi tiếp tục trả tiền thuế, tiền thuê đất ở Trung Quốc chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí cho các công ty Nhật Bản.

Nhưng Công ty Aisin Seiki, một trong những nhà cung cấp linh kiện ô tô lớn của Nhật Bản, vẫn quyết định chuyển bớt một số hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc vì lo ngại các hoạt động của Aisin Seiki trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng do tình trạng gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc.

“Chúng tôi đang cố gắng xác định xem sản phẩm nào cần được sản xuất ở nơi khác vì trong trường hợp hoạt động ở Trung Quốc bị dừng lại thì các hoạt động của chúng tôi ở các khu vực khác vẫn tiếp tục”, Yuji Fukushige, Giám đốc kiểm toán Aisin Seiki, nói.

Ông cho biết đang cân nhắc phương án tạm thời chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản.

Toyota Boshoku, một công ty sản xuất linh kiện ô tô khác của Nhật Bản, cũng có mạng lưới nhà máy rộng khắp ở Trung Quốc. Toyota Boshoku cho biết đang cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất bọc ghế ô tô về Nhật Bản hoặc sang Thái Lan vì hệ thống logistics ở Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để vận hành bình thường trở lại.

Một lãnh đạo của hãng sản xuất máy điều hòa Fujitsu General (có các nhà máy ở TP. Thượng Hải và tỉnh Giang Tô), nói rằng hãng này đang xem xét chuyển sang sản xuất ở Thái Lan vì không biết được Trung Quốc sẽ duy trì các biện pháp hạn chế đi lại trong bao lâu.

Một số công ty Nhật Bản khác đang hành động nhanh hơn vì họ đã lập sẵn kế hoạch di dời sản xuất khỏi Trung Quốc sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra.

Hãng trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam, trong khi đó, hai hãng điện tử Sharp và Ricoh đã chuyển hoạt động sản xuất máy photocopy sang Thái Lan.

Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu gia công sản xuất linh kiện tại các nhà máy của công ty này và của của các đối tác tại Trung Quốc. 

Nhưng vì dịch Covid nên Komatsu đang chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện về Nhật Bản và sang Việt Nam. 

Komatsu nói rằng động thái này nhằm ngăn ngừa tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc lan ra mạng lưới hoạt động của Komatsu trên khắp thế giới.

Sức ép đa đạng hóa chuỗi cung ứng gia tăng

Lo dịch corona kéo dài, các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất đến Đông Nam Á - Ảnh 2.

Nhân viên bảo vệ dùng súng đo thân nhiệt bằng hồng ngoại với một người đàn ông tại một khu chợ ở TP. Thượng Hải, Trung Quốc hôm 15-2. Số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 ở Trung Quốc vẫn không ngừng tăng. Ảnh: Bloomberg

Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi chiếm 80% số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, chính quyền sẽ cho phép các công ty mở cửa trở lại vào ngày 21-2 nhưng kế hoạch đang bị hoài nghi khi tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Hôm 16-2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo tính đến ngày 15-2, tổng số ca tử vong và ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc lục địa lần lượt là 1.665 và 68.500, tức tăng thêm 142 ca tử vong và 2.009 ca nhiễm so với hôm trước đó. Tỉnh Hồ Bắc chiếm đến 139 trong số 142 ca tử vong mới này.

Hồ Bắc là trung tâm của các ngành công nghiệp ô tô, sắt thép và bán dẫn. Thời gian đóng cửa kéo dài của các nhà máy ở tỉnh này có thể gây căng thẳng cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công ty sản xuất điều hòa Daikin đang suy xét phương án chuyển dây chuyển sản xuất máy điều hòa thương mại từ TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc sang Malaysia hoặc nơi khác.

Một lãnh đạo của Daikin cho hay hôm 10-2, các nhà máy của công ty này ở TP. Tô Châu và Thượng Hải đã nối lại hoạt động một phần nhưng nếu tình trạng phong tỏa ở Vũ Hán kéo dài, Daikin phải tìm cách giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. 

Vị lãnh này nói các linh kiện quan trọng như máy nén không khí có thể sản xuất tại Nhật Bản hoặc Thái Lan.

Hãng sản xuất trang phục thể thao hàng đầu Nhật Bản Asics cũng dự tính chuyển hoạt động sản xuất gia công từ Vũ Hán sang Việt Nam và Indonesia.

Các chuyên gia cho rằng các động thái di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc để tránh tác động của dịch Covid-19, dù chỉ là tạm thời, có thể khiến các công ty đa quốc gia thẩm định lại chuỗi cung ứng của họ tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Edward Alden, học giả ở Hội đồng đối ngoại, có trụ sở ở New York, nhận định: “Dịch Covid-19 sẽ là bước ngoặt đối với họ. 

Trước đó, nhiều công ty đa quốc gia vốn đã chịu sức ép lớn về việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc khi lương nhân công và chi phí sản xuất ở nước này gia tăng”.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng ở Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định nếu rủi ro gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc tiếp tục tăng, các công ty Nhật Bản “có thể bắt đầu suy nghĩ kỹ về việc cam kết ở lại lâu dài với Trung Quốc”. 

Nishihama cho rằng không giống như dịch SARS cách đây 17 năm, Trung Quốc có thể mất nhiều thời gian hơn để khống chế dịch Covid-19.

Takuji Aida, nhà kinh tế trưởng ở Công ty chứng khoán Societe General Securities Japan, nói về dài hạn, các công ty Nhật Bản vừa và nhỏ có thể quyết định đưa hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về  Nhật Bản. 

Với quy mô nhỏ, các công ty này có thể linh động hơn trong nỗ lực nâng cấp các cơ sở sản xuất bằng các công nghệ số hóa và tự động hóa.

“Chắc chắn, nếu chuyển sản xuất về Nhật Bản, các công ty này sẽ chịu phí tổn đầu tư ban đầu nhưng công nghệ tự động hóa và internet kết nối vạn vật (IoT) ngày càng được nhiều nhà sản xuất Nhật Bản áp dụng để giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực, làm giảm sức hút Trung Quốc đối với họ”, ông Aida nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Linh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.