Đà tăng kỷ lục của giá vàng chưa dừng lại, các chuyên gia nâng dự báo
Sau khi giá vàng giao ngay chạm mức kỷ lục mới 3.249 USD/ounce vào ngày 1/4, cả BMI và State Street Global Advisors đều nâng dự báo giá vàng, theo Business Times.
“Vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi những bất ổn trong thương mại, căng thẳng địa chính trị gia tăng, đồng USD suy yếu, hoạt động mua vào từ các ngân hàng trung ương và rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng lớn,” nhóm phân tích của BMI nhận định trong báo cáo công bố hôm thứ Ba.
BMI lạc quan về triển vọng tăng trưởng của vàng và đã điều chỉnh dự báo giá trung bình năm 2025 lên 3.100 USD/ounce, cao hơn mức 2.500 USD/ounce trước đó. Nhóm này kỳ vọng giá vàng sẽ dao động trong khoảng 3.000 - 3.400 USD/ounce trong quý II và III năm 2025.
“Vàng sẽ tiếp tục vượt trội hơn so với các kim loại khác, trừ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất,” BMI nhấn mạnh.
Tính đến 13h15 ngày thứ Tư, giá vàng giao ngay đã tăng 18% kể từ đầu năm, đạt mức 3.112,5 USD/ounce.
Trong báo cáo công bố hôm thứ Tư, nhóm phân tích vàng của State Street Global Advisors đã nâng dự báo giá vàng cơ sở lên 2.800 - 3.100 USD/ounce cho cả năm, tăng 200 USD/ounce so với dự báo trước đó.
Việc điều chỉnh này xuất phát từ đà tăng giá vàng hiện tại và dòng vốn mạnh mẽ vào các quỹ ETF vàng trong quý I. Lượng nắm giữ vàng của các quỹ ETF toàn cầu đã tăng 2,7% trong tháng 3, đánh dấu tháng tăng thứ ba liên tiếp và là mức tăng mạnh nhất trong ba năm qua.
Kịch bản cơ sở của State Street, với xác suất cao nhất là 50%, bao gồm các yếu tố như bất ổn chính sách tại Mỹ, kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed thấp hơn, đồng USD chạm đáy và nhu cầu vàng vật chất chững lại khi giá cao. Bên cạnh đó, một số hoạt động chốt lời và thanh lý có thể diễn ra trong quý II hoặc III.
Nhóm chuyên gia cũng kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong 6-9 tháng tới, với khả năng vượt mốc 3.300 - 3.400 USD/ounce. Tuy nhiên, đà tăng này sẽ không diễn ra theo đường thẳng mà có thể xuất hiện giai đoạn tích lũy hoặc điều chỉnh từ 5-7%, điều thường thấy trong các chu kỳ tăng giá.
Ở kịch bản lạc quan, khi thị trường chứng khoán chịu áp lực bán tháo, lo ngại suy thoái tại Mỹ gia tăng, dòng vốn ETF tiếp tục chảy mạnh, căng thẳng địa chính trị leo thang, Fed cắt giảm lãi suất và nhu cầu vàng bán lẻ tại Trung Quốc hồi phục, nhóm này nâng dự báo giá vàng năm 2025 lên 3.100 - 3.400 USD/ounce.
Xác suất xảy ra kịch bản này cũng được tăng lên 40% từ mức 30% trước đó.
Theo dõi nhu cầu vàng bán lẻ tại Trung Quốc
Nhóm phân tích của State Street Global Advisors lưu ý rằng nhập khẩu vàng bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 1-2 thấp hơn dự kiến, dù đây thường là giai đoạn nhu cầu cao nhờ Tết Nguyên đán.
“Điều này có thể cho thấy tâm lý thị trường đã chững lại khi giá vàng đạt mức kỷ lục,” nhóm này nhận định.
Tổng lượng mua vàng bán lẻ của Trung Quốc chỉ đạt 16,5 tấn trong tháng 1, thấp nhất trong 4 năm qua và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Đến tháng 2/2025, nhập khẩu vàng tăng lên 76,3 tấn nhưng vẫn giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi đã dự báo trước về sự sụt giảm trong dòng chảy thương mại vàng của Trung Quốc năm 2025 so với tốc độ bùng nổ kỷ lục trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm mạnh về khối lượng là điều đáng lưu ý… Câu hỏi quan trọng đối với thị trường vàng lúc này là liệu diễn biến trong tháng 1-2 chỉ là tạm thời hay báo hiệu sự suy giảm trong nhu cầu vàng bán lẻ tại Trung Quốc.”
Nhóm này cho rằng còn quá sớm để kết luận, đặc biệt khi chính phủ Trung Quốc vừa triển khai chương trình thí điểm cho phép 10 công ty bảo hiểm đầu tư tối đa 1% tài sản vào vàng.
Họ cũng nhấn mạnh rằng nhu cầu vàng bán lẻ tại Trung Quốc sau đại dịch là yếu tố chính giúp giá vàng giữ vững và tăng cao trong giai đoạn 2023-2024, bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed và lợi suất thực tế của Mỹ tăng mạnh.
“Nếu nhập khẩu vàng của Trung Quốc hồi phục trong quý II, điều đó sẽ củng cố thêm kịch bản giá vàng tăng lên 3.400 USD/ounce trong 6-9 tháng tới,” nhóm phân tích kết luận.