Chuyên gia nhận xét thuế quan đối ứng là ‘kịch bản tồi tệ nhất’, Fed sẽ điều chỉnh lộ trình lãi suất ra sao?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh minh hoạ: Investopedia/Getty Images).
Dự đoán của các chuyên gia
Thuế quan đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố vào ngày 2/4 sẽ khiến công việc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phức tạp thêm bội phần.
Tờ Bloomberg cho biết nhiều khả năng các quan chức sẽ chọn cách tiếp cận chờ đợi và quan sát trong lúc cố gắng cân bằng giữa nhiệm vụ dập tắt lạm phát và ngăn nền kinh tế lao dốc.
Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, nhận xét: “Các mức thuế quan mới công bố giống như kịch bản tồi tệ nhất của chúng tôi”. Bà cho biết đợt thuế quan này sẽ làm tăng nguy cơ nền kinh tế Mỹ giảm tốc.
Tuy nhiên, bà Swonk và các nhà kinh tế khác dự đoán giới chức Fed nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trong lúc họ đánh giá tác động tiềm tàng lên lạm phát của thuế quan.
Các mức thuế quan mà ông Trump mới công bố - nặng nề hơn dự kiến của nhiều nhà phân tích - được cho là sẽ làm tăng giá cả của hàng nghìn tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm nếu chúng được giữ nguyên.
Một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa Mỹ và những quốc gia khác có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thổi bùng lạm phát trở lại và khiến triển vọng kinh tế xấu đi.
Hôm 2/4, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế quan tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, nhưng nhiều quốc gia khác phải chịu mức thuế cao hơn. Trung Quốc đối mặt với mức thuế 34%, Liên minh châu Âu chịu thuế 20% và Việt Nam bị áp thuế 46%.
Bloomberg Economics ước tính thuế quan hiệu lực trung bình của Mỹ sẽ tăng từ 2,3% trong năm 2024 lên khoảng 22%. Ông Omair Sharif, Giám đốc của Inflation Insights, đưa ra ước tính trong phạm vi 25% - 30%.
Sau thông báo của ông Trump, ngày càng nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất ba lần trong năm nay.
Song, đối với các quan chức Fed, tác động của thuế quan mới lên lạm phát có thể hạn chế khả năng trợ giúp nền kinh tế của ngân hàng trung ương. Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ phát biểu tại một hội thảo tại Arlington Virginia vào ngày 4/4.
Ông Jay Bryson, nhà kinh tế trưởng tại Wells Fargo, nhận xét: “Chính sách thuế quan của Nhà Trắng đẩy Fed vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nó làm giảm tăng trưởng và kéo tỷ lệ thất nghiệp đi lên, dẫn đến việc Fed muốn giảm lãi suất để trợ giúp nền kinh tế.
Mặt khác, nếu lạm phát gia tăng từ đây thì Fed cũng sẽ muốn tăng lãi suất. Thực sự thuế quan cao đang đẩy Fed vào thế khó”.
Ông Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM US, đồng ý khung thuế quan mới cao hơn hẳn suy nghĩ của nhiều nhà phân tích và sẽ làm tăng xác suất Mỹ suy thoái.
Vị chuyên gia cho biết: “Tôi dự kiến lạm phát sẽ nằm trong khoảng 3% - 4% vào cuối năm nay”. Ông nhận định Fed sẽ khó có thể giảm lãi suất trong ngắn hạn và trung hạn để hỗ trợ nền kinh tế.
Cả thế giới cùng chịu thiệt
Fed đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 4,25% - 4,5% tại cuộc họp tháng 3. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh thị trường lao động và nền kinh tế vẫn vững mạnh.
Nhưng sự không chắc chắn do các chính sách thuế quan thay đổi chóng mặt của ông Trump đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng từ trước cả thông báo ngày 2/4.
Một khảo sát được quan tâm của Đại học Michigan cho thấy vào tháng 3, kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát trong 5 đến 10 năm tới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn ba thập kỷ. Trái lại, dự đoán về tình hình tài chính cá nhân rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng quyết định chờ đợi và quan sát tình hình, tạm hoãn các kế hoạch đầu tư cho đến khi có thêm thông tin về chính sách thuế và thuế quan. Các nhà dự báo đã hạ ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay, theo khảo sát mới nhất của Bloomberg.
Các nhà kinh tế còn cảnh báo nếu căng thẳng leo thang và các đối tác thương mại lớn và Mỹ liên tục trả đũa thuế quan của nhau thì hoạt động kinh tế tại Mỹ và toàn thế giới có thể sẽ sụt giảm.
Ông Seth Carpenter, nhà kinh tế cấp cao của Morgan Stanley, chia sẻ với Bloomberg: “Nếu kịch bản leo thang căng thẳng thành hiện thực thì về cơ bản, các nền kinh tế trên toàn cầu đều sẽ trở nên kém hiệu quả hơn. Thuế quan không phải trò chơi có tổng bằng không. Nó có thể dẫn đến khoản lỗ ròng cho toàn thế giới”.