|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch virus corona có thể phá hủy chuỗi cung ứng toàn cầu nhanh đến mức nào?

09:36 | 26/02/2020
Chia sẻ
Bản chất của các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia khiến chúng rất dễ chịu tổn thương trước những tác động từ virus corona. Các mạng lưới sản xuất tức thời được áp dụng phổ biến hiện nay có hiệu quả rất lớn, nhưng chúng cũng rất mong manh.
Dịch virus corona có thể phá hủy chuỗi cung ứng toàn cầu nhanh đến mức nào? - Ảnh 1.

Chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn. Ảnh: Getty Images

Theo Bloomberg, chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã phải chịu áp lực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nay lại phải gồng mình gánh đỡ tác động dịch từ dịch virus corona (SARS-CoV-2).

Mặc dù các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia mạnh mẽ hơn vẻ bề ngoài, nhưng sự sụp đổ của chúng có thể đến rất đột ngột và không có nhiều cảnh báo. 

Chẳng hạn, chuỗi cung ứng iPhone của Apple bao gồm hàng chục công ty và trải dài trên vài châu lục. Các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia phức tạp như vậy tạo ra lợi nhuận tương đối cao, và gần như không bị ảnh hưởng bởi các gián đoạn nhỏ. 

Nếu có biến động bất ngờ về thuế, thuế quan hoặc tỷ giá, thường thì chuỗi cung ứng này vẫn có thể gánh chịu thêm chi phí và tiếp tục hoạt động. Lợi nhuận toàn chuỗi có thể sẽ giảm, nhưng hoạt động sản xuất vẫn tiếp diễn, đơn giản là vì mức sinh lợi của nó vẫn hấp dẫn hơn nhiều so với việc phải đóng cửa toàn bộ mọi thứ. 

Tuy nhiên, đừng để bị lừa dối: Chuỗi cung ứng vẫn có thể bị phá hủy. Toàn bộ cấu trúc của chúng sẽ đổ vỡ nếu chi phí hoặc rủi ro mới quá cao.

Về bản chất, chuỗi cung ứng không thể bị sụp đổ dần dần, vì mỗi phần trong chuỗi lại phụ thuộc vào các bộ phận khác nhau để tăng thêm giá trị của nó. 

Ví dụ, việc có sẵn các bảng mạch của iPhone trong nhà máy cũng không có nhiều ý nghĩa, nếu chuỗi cung ứng của Apple không sản xuất ra được màn hình cảm ứng. Xét theo khía cạnh này, chuỗi cung ứng quốc tế lại kém bền vững dưới những điều kiện khắc nghiệt. 

Chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa vỡ tan chủ yếu là nhờ vào thương mại và sự thịnh vượng chung của toàn thế giới đang tăng lên. Kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai, đây là lần đầu tiên nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với khả năng nhiều mối liên kết thương mại bị phá vỡ. 

Không thể biết trước được quá trình này có thể diễn ra nhanh đến mức nào. Một chuỗi cung ứng quốc tế phức tạp rất mong manh, cũng bởi chính những nguyên nhân tạo ra giá trị của nó: Cụ thể, một chuỗi cung ứng như vậy rất khó để xây dựng và duy trì, vì có rất nhiều thành phần phụ thuộc lẫn nhau.

Theo Bloomberg, bản chất của những chuỗi cung ứng xuyên quốc gia khiến chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc đến từ virus corona. 

Các chuỗi cung ứng này không thể thích nghi được khi dòng chảy lao động và nguyên vật liệu bị cắt đứt, và kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra nếu dịch virus corona tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc khiến nhiều công xưởng không thể hoạt động hiệu quả.

Hãy thử tưởng tượng rằng các nhà máy đóng cửa tại Trung Quốc không thể sản xuất thành phần cho nhiều loại thuốc của Mỹ. Lúc này, vấn đề không chỉ đơn giản là chuỗi cung ứng mất đi lợi nhuận. Điều nghiêm trọng hơn là quá trình sản xuất bị thiếu đi những cấu phần quan trọng. 

Doanh nghiệp sẽ không sản xuất được thuốc nếu không có những nguyên liệu này. Các cơ sở y tế của Mỹ có thể cố gắng đặt mua những thành phần đó ở nơi khác, nhưng khó có thể tìm thấy nơi nào cung cấp được sản phẩm với qui mô và chất lượng như Trung Quốc.

Các công ty dược phẩm Mỹ có thể cố gắng trả giá cao hơn cho các thành phần thuốc của Trung Quốc, nhưng nếu công nhân bị cấm đến nhà máy thì giá cao đến mấy cũng không thể khiến thương vụ mua bán này diễn ra thành công. Việc sản xuất là hoàn toàn không khả thi.

Sự phổ biến của các chiến lược hàng tồn kho gần bằng không như hiện nay có thể khiến cho tình trạng thiếu hụt diễn ra nhanh chóng hơn. 

Khoảng 80% nguyên liệu dược phẩm trong các loại thuốc của Mỹ cần đến thành phần từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Điều này nói lên rằng Mỹ thực sự có khả năng phải đối mặt với rủi ro về y tế cộng đồng, kể cả trong trường hợp dịch virus corona không bùng phát tại nước này.

Tất nhiên, Ấn Độ cũng dễ phải chịu tổn thương vì dịch virus corona, vì nước này có mật độ dân số cao, và các tổ chức y tế công cộng tương đối yếu kém. Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, nhưng nước này không phải mắt xích yếu duy nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu giữa bùng phát virus corona. 

Ngược lại, những chuỗi cung ứng cũ hơn, có qui mô nhỏ hơn lại ít bị tổn thương trước những rủi ro này. Nếu khó khăn của việc sản xuất dược liệu chỉ giới hạn trong biên giới Mỹ, quan chức nước này có thể đề ra những biện pháp mang tính pháp lí hoặc giúp đỡ doanh nghiệp để duy trì nguồn cung. 

Các quan chức Mỹ không thể sử dụng những đòn bẩy như vậy để đối phó với tình hình ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Cho đến nay, tình huống tốt đẹp nhất có thể xảy đến là các cuỗi cung ứng quốc tế vẫn tiếp tục được duy trì, và cung ứng được hàng hóa. Nhưng khả năng chúng sụp đổ đang ngày càng tăng cao, vì chiến tranh thương mại và dịch virus corona đang củng cố lập luận của những người ủng hộ việc dỡ bỏ các mạng lưới thương mại quốc tế.

Và nếu điều này thực sự xảy ra, có nhiều khả năng nó sẽ đến một cách đột ngột, mà không được báo trước bởi giá cả thị trường hay bất kì dấu hiệu nào. Khi càng có nhiều người tin rằng những chuỗi cung ứng xuyên quốc gia phức tạp là đầy rủi ro, thì chúng càng trở nên mong manh.

Giang