|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuỗi cung ứng công nghệ đang lao đao vì dịch virus corona, nhưng trong cái rủi vẫn có cái may

19:44 | 11/02/2020
Chia sẻ
So với 10 năm trước, chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu hiện tại khó bị tổn thương hơn do các hãng công nghệ lớn có nhà máy sản xuất ở nhiều nước như Ấn Độ hay Việt Nam chứ không chỉ riêng Trung Quốc.
Giờ là lúc chuỗi cung ứng công nghệ đối mặt với đại dịch - Ảnh 1.

Foxconn đã mở thêm nhà máy tại các quốc gia như Ấn Độ. Ảnh: Karen Dias | Bloomberg

Theo Bloomberg, Apple và các nhà cung cấp của hãng có thể được coi là đã gặp may mắn về thời điểm bùng phát dịch virus corona. Hiện tại không những là mùa thấp điểm của việc sản xuất iPhone, mà giờ cũng là lúc chuỗi cung ứng của Apple phân tán nhất trong 10 năm trở lại đây.

Vào năm 2010, khi mới chỉ có ít người biết đến cái tên Foxconn Technology Group, gần như tất cả các cơ sở sản xuất của công ty Đài Loan này đều nằm ở Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc. Làng chài cũ này đã được đặt biệt danh là Thành phố iPod theo tên của sản phẩm nổi tiếng được chế tạo ở đó.

Doanh thu của Foxconn có xu hướng chạm đáy trong quí I hoặc quí II, do đây là khoảng thời gian tạm lắng của chu kì bán đồ điện tử hàng năm.

Giờ là lúc chuỗi cung ứng công nghệ đối mặt với đại dịch - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg

Sau đó, một loạt các vụ tự tử của nhiều công nhân đã khiến cả thế giới phải chú ý đến Foxconn, Thâm Quyến và mô hình kinh doanh sử dụng lực lượng lao động di cư của Trung Quốc để cung cấp sản phẩm cho thị trường toàn cầu. Vào thời điểm Thâm Quyến trở nên nổi tiếng, nó đã trở thành một trong những thành phố giàu nhất nước.

Chính quyền Trung Quốc muốn phân chia đều của cải và sự phát triển cho các khu vực xa biển nên đã thúc giục các công ty như Foxconn chuyển dần vào nội địa. 

Áp lực chính trị gây ra bởi các vụ tự tử của công nhân đã buộc Foxconn phải hành động. Năm 2011, công ty đã bỏ ra khoản tiền kỉ lục 3,2 tỉ USD để thành lập trung tâm sản xuất cách Thẩm Quyến 1.600 km ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Việc phân tán các nhà máy của Foxconn - và chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu nó mang theo - đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược. Bên cạnh việc Trịnh Châu trở thành trung tâm sản xuất iPhone lớn nhất, tác động rộng lớn hơn của sự thay đổi này là không có một khu vực nào thực sự chi phối hoạt động lắp ráp điện tử. 

Hiện tại, Thâm Quyến chia sẻ khối lượng công việc cung ứng cho Apple cùng với hơn 30 địa điểm sản xuất khác trên toàn Trung Quốc. Foxconn cũng có các nhà máy ở Texas và Việt Nam để đáp ứng các đơn đặt hàng của Apple.

Công ty này cũng có các địa điểm sản xuất tại hơn 10 quốc gia khác, bao gồm Mexico và Cộng hòa Séc để phục vụ những khách hàng như Dell, Sony và Microsoft.

Vì vậy, dù tuần trước Foxconn đã tuyên bố rằng họ sẽ cách li công nhân trở về cơ sở Trịnh Châu khi việc sản xuất được tiếp tục vào ngày 10/2, công ty này vẫn có rất nhiều sự lựa chọn khác. 

Dù không phải mọi nhà máy sẽ được trang bị ngay lập tức để lắp ráp iPhone (một số chỉ đơn thuần sản xuất các linh kiện cấp thấp hơn) nhưng có nhiều lựa chọn đồng nghĩa với việc Apple và Foxconn không phải phụ thuộc hoàn toàn vào Thâm Quyến.

Hơn thế nữa, Trung Quốc đang dần đánh mất tầm quan trọng đối với Foxconn, Apple và ngành công nghệ. Các chính sách bảo hộ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc đẩy việc sản xuất điện thoại thông minh tại nước này. 

Từ năm 2019, iPhoneXR đã được lắp ráp tại Chennai - trung tâm công nghiệp và thương mại lớn của Ấn Độ. Ngoài Apple, Xiaomi cũng là một trong những công ty đang chế tạo thiết bị công nghệ bên ngoài Trung Quốc.

Các công ty Đài Loan khác - hầu hết các thiết bị điện tử được sản xuất bởi người Đài Loan - đã thiết lập các phân xưởng ở các nước châu Á khác. Một số công ty thậm chí còn quay trở lại sản xuất ở Đài Loan.

Nhiều người đổ lỗi (hoặc khen ngợi) chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do Tổng thống Donald Trump khơi mào đã thúc đẩy các công ty chuyển đi. Nhưng điều này chỉ đúng một phần. Thực ra, hàng chục công ty đã thấy cần phải giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc từ nhiều năm trước đó, và họ đã lặng lẽ thực hiện điều này.

Trên thực tế, theo thước đo tài sản, sự hiện diện của Foxconn tại Trung Quốc đã đỉnh từ 8 năm trước. Kể từ năm 2012, tài sản dài hạn của công ty này ở Trung Quốc đã giảm ít nhất 25%. 

Người chiến thắng lớn nhất là Mỹ - với số tài sản dài hạn của Foxconn tăng gấp 10 lần trong cùng khoảng thời gian trên - chủ yếu nhờ vào dòng vốn đầu tư năm 2018. Đây là một phần của cam kết mở rộng vào Mỹ của Foxconn. 

Tài sản của Foxconn tại Trung Quốc đã giảm khi nước này dần trở nên ít quan trọng hơn đối với chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Bloomberg: Giờ là lúc chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ phải đối mặt với đại dịch  - Ảnh 3.

Nguồn: Hon Hai, Bloomberg Opinion

Dĩ nhiên, Trung Quốc vẫn còn quan trọng. Trong thập kỉ qua, có nhiều nhà cung cấp bậc trung như những nhà sản xuất ống kính máy ảnh và cảm biến màn hình đến từ Trung Quốc. 

Nhưng điều này đã giúp tăng thêm sự đa dạng hóa của chuỗi cung ứng bao gồm một số lượng nhỏ các nhà cung cấp ngoài Trung Quốc mà Apple đã dựa vào trước đó. Kết quả tạo ra không chỉ bao gồm sự phân tán địa lí, mà còn cả một loạt các nhà cung cấp để các thương hiệu điện tử toàn cầu có thể lựa chọn.

Thế giới đang phải vật lộn với tác động tới sức khỏe và con người của virus corona, và suy đoán về tác động của nó đối với hoạt động kinh doanh. Nhưng thực chất, chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu hiện tại ít bị tổn thương hơn so với trước đây.

Giang