|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 1.

Apple quảng cáo nhiều về sự sáng tạo, tiện lợi và thẩm mỹ trong các sản phẩm của mình. Tuy nhiên điều mà "táo khuyết" lấy làm tự hào nhất lại là sự bảo mật.

Đầu năm 2016, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) yêu cầu Apple giúp mở khóa chiếc iPhone của một kẻ sát nhân đẫm máu để thu thập tài liệu bên trong, phục vụ quá trình điều tra. "Táo khuyết" thẳng thừng từ chối.

Ngày 16/2/2016, CEO Tim Cook gửi một bức tâm thư tới khách hàng, tuyên bố cứng rắn rằng Apple sẽ không tạo ra công cụ để giúp chính phủ Mỹ bẻ khóa thiết bị của mình vì làm như vậy sẽ "hủy hoại sự tự do mà chính phủ lẽ ra phải bảo vệ".

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới Apple như thế nào 1

Đầu năm 2019, Apple còn "cà khịa" các đại gia công nghệ khác thông qua một thông điệp quảng cáo khổng lồ với nội dung: "Dữ liệu iPhone của bạn sẽ chỉ ở trong iPhone của bạn" cùng với đường dẫn tới website về bảo mật của Apple ở bên dưới.

Quảng cáo này chiếm hết 13 tầng của một khách sạn gần Trung tâm Hội nghị Las Vegas, nơi mà Google và Amazon sẽ có mặt để tham dự Triển lãm Hàng tiêu dùng Điện tử.

Apple trong cuộc chiến thương mại mỹ trung

Ảnh: CNBC.

Cùng năm 2016 khi Apple kháng cự đến cùng yêu cầu của FBI thì ở bên kia bán cầu Trung Quốc thông qua Luật An ninh mạng yêu cầu mọi doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu người dùng Trung Quốc tại các máy chủ đặt ở nước này.

Qui định này làm dấy lên lo ngại Trung Quốc có thể tiếp cận thông tin mật của khách hàng và dùng chúng cho mục đích theo dõi, giám sát. Chính quyền Mỹ thì lấy Luật An ninh mạng này làm cái cớ để cáo buộc tập đoàn Huawei chia sẻ dữ liệu mật của khách hàng cho chính phủ Trung Quốc khi có yêu cầu.

Đây là một phần lí do khiến Huawei – nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - bị coi là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và bị đưa vào danh sách đen thương mại hồi tháng 5/2019.

Bình luận về Luật An ninh mạng của Trung Quốc, người phát ngôn của Apple nói: "Chúng tôi phải lựa chọn giữa lưu dữ liệu iCloud theo qui định mới của Trung Quốc hoặc ngừng cung cấp dịch vụ".

Lần này CEO Tim Cook không trực tiếp lên tiếng với truyền thông, không gửi tâm thư cho khách hàng như trong cuộc chiến pháp lí với FBI. Apple chỉ lặng lẽ bắt đầu xây dựng một trung tâm dữ liệu mới theo luật, đặt tại tỉnh Quý Châu, để lưu dữ liệu iCloud của người dùng.

Apple cũng không được độc quyền quản lí trung tâm này mà phải liên kết với Guizhou-Cloud Big Data – một công ty do chính quyền tỉnh Quý Châu thành lập.

Gần đây nhất vào tháng 10 vừa qua, Apple chịu áp lực rất lớn từ Trung Quốc đại lục vì ứng dụng (app) HKmap.live trên iPhone được nhiều người dùng để đánh dấu vị trí của cảnh sát Hong Kong, giúp các cuộc biểu tình được tổ chức dễ dàng hơn.

Ít ngày sau, Apple gỡ ứng dụng này khỏi hệ thống, khiến nhà phát triển của HKmap.live cũng như nhiều chính trị gia chỉ trích "táo khuyết" vì vài đồng lợi nhuận mà chịu khuất phục trước Trung Quốc.

HKmap.live cũng không phải là dịch vụ duy nhất mà Apple không cung cấp tại Trung Quốc.

Khách hàng của "táo khuyết" ở đất nước tỉ dân còn không tiếp cận được cả iTunes Store, iTunes Movie, Apple Books, các ứng dụng Apple TV và Apple News. Các ứng dụng mới được công bố trong năm nay cũng nằm ngoài tầm với của người dân Trung Quốc như TV+, Apple Card, Apple Arcade và News+.

Khách hàng vẫn có thể sử dụng iCloud nhưng như đã nói ở trên, dữ liệu iCloud được lưu trữ và quản lí bởi một công ty có vốn của nhà nước Trung Quốc.

Apple đang chuyển dịch nguồn thu từ sản xuất phần cứng sang cung cấp dịch vụ. Với việc nhiều công cụ kiếm cơm của hãng bị cấm cửa ở Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu cảm thấy lo ngại.

Các dịch vụ apple được cấp phép và không được cấp phép tại trung quốc

Chính Apple cũng chỉ có thể nuốt nước mắt ngược vào trong chứ không dám tham bát bỏ mâm, không vì lợi ích nhỏ mà mạo hiểm cả sự hiện diện tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Biết làm sao được khi chỉ có hai sự lựa chọn: Chơi theo luật của Trung Quốc hoặc nghỉ chơi hoàn toàn?

Thế nhưng liệu có khi nào Apple sẽ thốt lên "con giun xéo lắm cũng quằn", quyết định cự tuyệt yêu cầu của Trung Quốc và rời khỏi đất nước tỉ dân một lần và mãi mãi hay không?

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 5.

Dòng máy tính để bàn Mac Pro 2013 được Apple lắp ráp tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ. Tháng 9 vừa qua, Apple thông báo dòng Mac Pro 2019 mới nhất cũng sẽ được lắp ráp tại đây. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ khả thi bởi nhu cầu đối với máy tính Mac Pro là khá nhỏ, chỉ khoảng 18 triệu chiếc mỗi năm.

Tổng thống Donald Trump đến thăm nhà máy sản xuất Mac Pro của Apple tại Texas (Mỹ) ngày 20/11. Ảnh: AP

Doanh số bán iPhone cao gấp 10 lần Mac Pro, lên tới trên 200 triệu chiếc mỗi năm. Trên thế giới hiện chỉ có một quốc gia duy nhất có khả năng nhanh chóng sản xuất số lượng siêu to khổng lồ này: Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng Apple chọn Trung Quốc là vì giá nhân công rẻ. Điều này chỉ đúng một phần.

Trong giai đoạn từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2018, tiền lương trung bình hàng tháng của Trung Quốc đã tăng đáng kể, cao hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, …

tiền lương nhân công trung quốc so với các nước trong cùng khu vực

Trong những năm qua, các hãng may mặc như Nike, Adidas, Under Armor, … đều đã chuyển dần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn.

Theo Bloomberg, Nike sản xuất 26% hàng may mặc và 26% giày dép tại Trung Quốc trong năm tài khóa 2018. Under Armor có khoảng 18% sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, giảm từ 46% năm 2013. Mục tiêu của công ty là đưa con số này xuống chỉ còn 7% vào năm 2023.

Trong khi các nhà sản xuất hàng may mặc nhìn chung có thể tìm đến nơi có chi phí nhân công rẻ nhất, Apple lại phải kén chọn hơn một chút.

Để có cả trăm triệu chiếc iPhone trong vài tháng, Apple cần hàng chục nghìn công nhân kĩ thuật lành nghề cùng các dây chuyền máy móc hiện đại và đội ngũ kĩ sư, quản lí trình độ cao, tập trung tại một khu vực, sẵn sàng đi vào sản xuất suốt ngày đêm, bất cứ lúc nào công ty cần. Đây là điều chỉ Trung Quốc mới làm được.

Môi trường làm việc tại các nhà máy Trung Quốc sản xuất linh kiện cho Apple khắc nghiệt và vất vả tới mức nhiều công nhân bế tắc và nhảy lầu tự sát. Các nhà máy không muốn điều này nên đã lắp đặt các tấm lưới, đón lấy những người ngảy lầu rồi đưa họ trở lại làm việc. Ảnh: Getty Images.

Cho dù không sản xuất hay lắp ráp ở Trung Quốc, Apple vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu của đất nước tỉ dân, đặc biệt là 17 nguyên tố đất hiếm.

Đây là nhóm kim loại có trữ lượng khá lớn trong vỏ trái đất nhưng lại không tập trung tại một khu vực và rất khó tách khỏi các hợp chất tự nhiên. Theo The Guardian, quá trình sản xuất 1 tấn đất hiếm sản sinh ra tới 2.000 tấn chất thải độc hại.

Ngoài Trung Quốc, các quốc gia như Brazil, Việt Nam, Ấn Độ, Nga cũng có dự trữ đất hiếm đáng kể. Tuy nhiên chỉ Trung Quốc mới sẵn sàng sản xuất đất hiếm trên qui mô lớn, chiếm tới 80% sản lượng đất hiếm toàn thế giới.

[eMagazine] Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 9.

Nếu Trung Quốc, vì bất kì lí do gì, hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, quân đội và cả doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc chế tạo trang thiết bị hiện đại. Năm 2010, Trung Quốc từng cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi hai nước xảy ra tranh chấp biển đảo.

Tháng 5 năm nay khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công khai đến thăm một nhà máy sản xuất đất hiếm, khiến nhiều người lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng lại quân bài chiến lược này để giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ, trong đó có Apple.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm nhà máy đất hiếm tại tỉnh Giang Tây vào tháng 5/2019 giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ diễn ra căng thẳng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm nhà máy đất hiếm tại tỉnh Giang Tây vào tháng 5/2019 giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ diễn ra căng thẳng. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 11.

Năm 2018, Apple ghi nhận gần 52 tỉ USD doanh thu từ khu vực Trung Quốc đại lục, Hong Kong và đảo Đài Loan, tăng trưởng 16% so với năm trước và tương đương 20% tổng doanh thu của hãng.

Apple trong cuộc chiến trang thương mại Mỹ và Trung Quốc

Nguồn: Statista.

Sau khi Tim Cook lên làm CEO cuối năm 2011 thay cho người tiền nhiệm Steve Jobs, Apple càng chú trọng hơn vào thị trường tỉ dân thông qua việc cải biến sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng.

Chẳng hạn, Apple giới thiệu dòng iPhone đặc biệt màu đỏ, vốn được coi là màu may mắn theo văn hóa Trung Quốc và nâng giá bán, tạo cảm giác đây là mặt hàng xa xỉ dành cho giới thượng lưu. iPhone ở Trung Quốc còn có thể lắp hai sim, hỗ trợ bộ gõ chữ Quảng Đông và quét mã QR code, …

Tuy vậy, sản phẩm và doanh thu tập trung vào một quốc gia đồng nghĩa với việc rủi ro cũng tập trung vào quốc gia đó. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc liên tục chậm lại trong các quí gần đây, hiện ở mức thấp nhất trong gần ba thập kỉ, đồng nghĩa với sức mua của người tiêu dùng đi xuống.

Trong bức thư gửi cổ đông ngày 2/1/2019, CEO Tim Cook cho biết Apple đã hạ ước tính kết quả kinh doanh của quí IV/2018 mà nguyên nhân không gì khác ngoài "sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trong nửa sau 2018".

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 10.

Sau khi bức thư được công bố, vào phiên 3/1, giá cổ phiếu Apple giảm 9,4% - mức giảm khủng khiếp nhất trong 6 năm trở lại đây. Có thể thấy, Trung Quốc đã trở thành "cái giỏ" mà Apple đã bỏ quá nhiều "trứng" vào.

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 11.

Giá cổ phiếu Apple giảm sốc sau khi công ty hạ ước tính doanh thu, lợi nhuận vì thị trường Trung Quốc. Nguồn: CNBC.

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 15.

Tăng trưởng vĩ mô Trung Quốc giảm tốc không phải là rủi ro lớn nhất mà Apple phải đối mặt. Điều làm CEO Tim Cook và ban lãnh đạo Apple mất ăn mất ngủ suốt mấy tháng qua chính là cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa hai siêu cường kinh tế thế giới.

Giữa tháng 5 năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, cấm Huawei tiếp cận sản phẩm công nghệ Mỹ với lí do an ninh quốc gia.

Từ góc nhìn của người tiêu dùng Trung Quốc với tư tưởng dân tộc mạnh mẽ, hành động này của ông Trump là thủ đoạn nhằm kiềm chế sự lớn mạnh của Huawei nói riêng và ngành công nghệ Trung Quốc nói chung.

Chính chủ nghĩa dân tộc này đã khiến người Trung Quốc đẩy mạnh tiêu dùng hàng Trung Quốc và tẩy chay hàng Mỹ, vô tình biến Apple trở thành nạn nhân và mất thị phần vào tay Huawei.

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 16.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Canalys, trong quí III vừa qua Huawei bán ra 41,5 triệu smartphone tại Trung Quốc, tăng trưởng 66% so với cùng kì năm ngoái và dẫn đầu về thị phần với tỉ lệ 42,4%. Trong khi đó Apple chỉ đứng ở vị trí thứ 5 với 5,1 triệu chiếc, giảm 28% so với cùng kì và chiếm 5,2% thị phần.

Gần đây hơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đe dọa áp thuế suất 15% lên khoảng 160 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc từ ngày 15/12/2019. Đa phần số hàng hóa có nguy cơ bị đánh thuế là các sản phẩm điện tử tiêu dùng, trong đó có iPhone, iPad, Mac, … mà Apple sản xuất tại Trung Quốc và muốn đem về Mỹ tiêu thụ.

Mức thuế quan mới này, nếu được áp dụng, sẽ là một đòn chí mạng giáng vào hoạt động kinh doanh của Apple. Theo ước tính của Goldman Sachs, nếu sản phẩm Apple bị cấm ở Trung Quốc đại lục, lợi nhuận của hãng có nguy cơ giảm 29%.

May thay hai siêu cường kinh tế đã đạt thỏa thuận thương mại vào ngày 13/12, kế hoạch đánh thuế bị hủy bỏ. Apple thoát nạn trong gang tấc. Mặc dù vậy, thỏa thuận vẫn chưa được chính thức kí kết và cục diện có thể thay đổi 180 độ chỉ với một dòng tweet của ông Trump.

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 17.

Việc Apple không thể sống thiếu Trung Quốc thì đã rõ, nhưng ngược lại Trung Quốc cần Apple đến đâu?

Có khả năng Trung Quốc cũng cấm doanh nghiệp làm ăn với Apple như Mỹ làm với Huawei hay không? Liệu Trung Quốc có thể chính thức kêu gọi người dân tẩy chay Apple, hoặc đuổi thẳng cổ Apple ra khỏi Vạn Lí Trường Thành hay không?

Chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng khả năng này là rất nhỏ bởi chính Trung Quốc cũng thu được lợi ích siêu khổng lồ từ hoạt động của Apple.

Tờ Economist trích dẫn một ước tính cho biết Apple đóng góp cho nền kinh tế Trung Quốc khoảng 24 tỉ USD mỗi năm. Khoảng 1,5 triệu lao động Trung Quốc tham gia vào quá trình sản xuất, lắp ráp các sản phẩm phần cứng và khoảng 2,5 triệu kĩ sư phần mềm tạo ra các ứng dụng cho hệ điều hành iOS của Apple.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, tuy bị nước Mỹ đối xử tàn tệ bằng lệnh cấm vận và quyết định bắt giữ con gái Mạnh Vãn Chu, cũng lên tiếng bênh vực Apple. Ông Nhậm còn khẳng định ông sẽ là người đầu tiên phản đối nếu Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng cách trừng phạt Apple.

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 18.

Phát biểu hùng hồn là vậy nhưng biết đâu đấy, ông Nhậm sau này sẽ đổi ý, chính phủ Trung Quốc cũng có thể thay đổi sách lược.

Nếu một ngày kia "giỏ trứng" Trung Quốc vỡ hết, Apple biết phải làm sao?

Tháng 8 năm nay khi thương chiến Mỹ-Trung diễn biến căng thẳng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tweet "ra lệnh" cho các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc và chuyển sang sản xuất ở các quốc gia khác, hoặc thậm chí là quay về Mỹ.

Một số nhà cung ứng của Apple như Foxconn hay Pegatron đã bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc đại lục sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ. Tuy nhiên không đâu có cơ sở hạ tầng đủ phát triển, lực lượng lao động đủ lớn và lành nghề để có thể thay thế Trung Quốc.

Quả táo dưới chân hai người khổng lồ - Ảnh 19.

Trong tình hình hiện tại, Trung Quốc không muốn đuổi và Apple cũng không muốn đi.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã cấm dịch vụ mạng riêng ảo (VPN), cắt gọt các ứng dụng bị cho là không phù hợp, yêu cầu lưu trữ dữ liệu iCloud bên trong biên giới … Không có lí do gì Trung Quốc sẽ chỉ dừng lại ở đây.

Apple khó có thể bỏ đi 20% doanh thu, 29% lợi nhuận cũng như phần lớn chuỗi cung ứng sản phẩm của mình. Trung Quốc hiểu điều này. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lợi dụng sức ảnh hưởng khổng lồ của hơn một tỉ người tiêu dùng để gây áp lực lên Apple, buộc "táo khuyết" phải nhượng bộ càng nhiều yêu sách càng tốt.

Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn, một li nước cứ rót vào mãi cũng phải có lúc đầy.

Một yêu sách có thể rất bình thường, riêng nó không đủ để tạo nên khác biệt, nhưng khi quyện lại với những thành tố khác như kinh tế giảm tốc, thuế quan lên cao, qui định dữ liệu, … yêu sách đó có thể châm ngòi cho một khối thuốc súng đang âm ỉ từ lâu.

Năm 1914 Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra. Nguyên nhân trực tiếp, dễ thấy nhất là sự kiện Thái tử Áo Franz Ferdinand bị ám sát. Nhưng ai cũng hiểu rằng, vụ ám sát chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn li những mâu thuẫn kinh tế - chính trị tích tụ qua hàng chục năm giữa các cường quốc châu Âu.

Với một đại gia công nghệ của Mỹ là Google, giọt nước làm tràn li là việc tài khoản Gmail của các nhà hoạt động người Trung Quốc bị đột nhập (hacked). Năm 2010, Google quyết định đóng cửa hoạt động tại quốc gia tỉ dân bất chấp lượng người dùng đang tăng trưởng phi mã.

Năm 1909, nhà văn Norman Angell xuất bản cuốn sách "Ảo mộng khổng lồ" (The Great Illusion) với lập luận rằng: Nền kinh tế châu Âu khi đó có mức độ liên kết quá cao, các quốc gia quá phụ thuộc vào nhau, tới mức thiệt hại mà một cuộc chiến tranh gây nên sẽ là quá khủng khiếp. Vì vậy, chiến tranh sẽ rất khó xảy ra và nếu có bắt đầu thì cũng không kéo dài lâu.

Angell đã đúng khi cho rằng bất kì nước nào – dù thắng hay bại – cũng không được lợi từ chiến tranh. Ông thậm chí còn được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình, cuốn "Ảo tưởng khổng lồ" được dịch ra 25 thứ tiếng và bán được 25 triệu bản.

Dù vậy, chỉ 5 năm sau khi cuốn sách lên kệ, Đại chiến Thế giới Thứ nhất nổ ra, kéo dài liên tục 4 năm và làm cho 40 triệu người thương vong.

Nếu Apple và Trung Quốc đường ai nấy đi, thiệt hại với hai bên sẽ là rất lớn, nhưng như lịch sử cho thấy nguy cơ đó không đảm bảo cả hai sẽ chung sống hòa thuận.

Đức Quyền
Alex Chu
Kinh tế & Tiêu dùng