Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi 'toàn lực' thúc đẩy hạ tầng để cứu nền kinh tế
Phát triển cơ sở hạ tầng
Theo Bloomberg, vào hôm 26/4, trong buổi họp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính trung ương, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc phải nỗ lực hết mình để thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Ông nói thêm rằng cơ sở hạ tầng là trụ cột của phát triển kinh tế và xã hội.
Cuộc họp quyết định rằng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vẫn không tương xứng với nhu cầu phát triển và an ninh quốc gia. Tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng một cách toàn diện có ý nghĩa quan trọng với việc đảm bảo an ninh quốc gia, mở rộng nhu cầu nội địa và các mục tiêu khác.
Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường xây dựng và nâng hiệu quả mạng lưới cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, năng lượng và bảo tồn nguồn nước.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng hối thúc việc “mở rộng các kênh tài chính dài hạn” cho lĩnh vực xây dựng và hợp tác tốt hơn với nguồn vốn tư nhân trong các hoạt động đầu tư này.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs, bao gồm ông Hui San viết trong một báo cáo: “Cuộc họp cho thấy những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang ngày càng nhận rõ khó khăn từ phong tỏa COVID và suy thoái bất động sản. Bởi vậy, Trung Quốc đã trở nên quyết tâm hơn trong việc tăng cường các biện pháp nới lỏng chính sách”.
“Buổi họp cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang làm việc để giải quyết những vướng mắc từ việc quá trình triển khai dự án cho đến những ưu đãi của chính quyền địa phương”. Các nhà phân tích của Goldman Sachs lưu ý rằng tuyên bố không kêu gọi ngăn chặn sự gia tăng nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương, ví dụ như việc vay nợ bằng phương tiện tài chính.
Theo báo cáo, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng hai con số trong quý II và quý III năm nay. Dữ liệu chính thức cho thấy chi tiêu vào cơ sở hạ tầng quý I đã tăng 8,5% so với năm 2021.
Trung Quốc đã đặt triển vọng phát triển vào cơ sở hạ tầng trước cả khi ông Tập đưa ra lời kêu gọi. Theo một phân tích của Bloomberg, tổng kế hoạch đầu tư trong năm 2022 có trị giá ít nhất là 14,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,3 nghìn tỷ USD). Con số này gấp đôi so với gói đầu tư cơ sở hạ tầng mà Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái với trị giá 1,1 tỷ USD dự kiến được phân bổ trong 5 năm.
Hạ triển vọng phát triển
Lo sợ về ảnh hưởng kinh tế từ chính sách Zero COVID đã làm rung chuyển thị trường tài chính đang ngóng đợi sự hỗ trợ chính sách. Trong tuần này, chỉ số CSI 300 đã chạm đáy hai năm trong khi đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Chính quyền địa phương đã bán trái phiếu với tốc độ kỷ lục nhằm tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhiều thành phố đang nới lỏng giới hạn trong thị trường bất động sản.
Mặc dù ngân hàng trung ương đã bơm thanh khoản ở mức đáng kể, theo nhiều chuyên gia, dịch bệnh phải được kiểm soát trước khi khi hoạt động kinh tế có thể quay trở lại và các biện pháp kích thích có tác dụng.
Nhiều nhà kinh tế đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP trong những tuần gần đây khi nhà chức trách Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng chống COVID, làm dấy lên lo ngại về các đợt phong tỏa trên diện rộng, bao gồm cả Bắc Kinh.
Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc 40 điểm cơ sở, xuống còn 4,2%, so với mục tiêu chính phủ đề ra là 5,5%. Triển vọng tăng trưởng thấp và suy thoái thị trường đang trở thành mối quan tâm lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.
Trước đó vào hôm 26/4, Ngân hàng trung ương Trung Quốc(PBoC) đã cố gắng trấn an thị trường bằng cách tăng cường cấp vốn một cách chọn lọc cho các doanh nghiệp nhỏ và giải quyết nhanh chóng đợt trấn áp các công ty công nghệ.
Tờ Wall Street Journal cũng cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu các quan chức phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay nhanh hơn so với Mỹ.