|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Không riêng gì Việt Nam, các thị trường chứng khoán Âu – Á đều đồng loạt lao dốc vì đâu?

16:43 | 25/04/2022
Chia sẻ
Các thị trường chứng khoán từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản đến Anh, Pháp, … đều cắm đầu trong phiên 25/4. Tình hình COVID tại Trung Quốc diễn biến phức tạp là một trong những nhân tố tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.

VN30-Index vừa trải qua phiên giảm điểm mạnh nhất lịch sử. Nếu tính tỷ lệ %, mức giảm ngày 25/4 còn kém ngày 28/1/2021 và một số phiên khác.

Hôm nay 25/4 là một ngày buồn của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index đóng cửa ở gần 1.311 điểm, không phải mức thấp nhất phiên nhưng vẫn giảm tới 68 điểm (tức 5%) so với cuối tuần trước.

VN30-Index cũng mất gần 78 điểm, tương đương 5,4%. Trong 30 cổ phiếu blue chip thành viên, có tới 16 mã giảm kịch sàn như MWG, HPG, CTG, TCB, FPT, … Các chỉ số sàn HNX và thị trường UPCoM đi xuống lần lượt 6% và 4,4%.

Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component mất tương ứng 5,1% và 6,1%. Hang Seng Index của thị trường Hong Kong cũng sụt 3,7%, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các chỉ số Topix, Nikkei 225 và Kospi đều đóng cửa trong sắc đỏ.

MSCI là chỉ số đại diện cho các thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản.

CNBC dẫn lời ông Timothy Moe, chuyên gia thị trường châu Á – Thái Bình Dương tại Goldman Sachs nhận định: “Việc thị trường bất an vì tình hình COVID là không có gì đáng ngạc nhiên và hoàn toàn hợp logic. Rõ ràng COVID đang ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và gây tổn hại tới tiềm năng lợi nhuận trên khắp thị trường”.

Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa hà khắc tại nhiều thành phố lớn, bao gồm trung tâm kinh tế tài chính Thượng Hải, nhưng vẫn không thể dập tắt được đợt bùng phát COVID-19 mới nhất. Đây cũng là đợt dịch có nhiều ca nhiễm nhất tại Trung Quốc kể từ khi COVID-19 xuất hiện cuối năm 2019.

Riêng ngày Chủ nhật (24/2), Thượng Hải ghi nhận hơn 2.400 ca dương tính có triệu chứng và khoảng 16.900 ca không triệu chứng. Cuối tuần vừa qua, thủ đô Bắc Kinh cảnh báo virus đã âm thầm phát tán trong khoảng một tuần. Nhiều quận tại Bắc Kinh đã bắt đầu xét nghiệm trên diện rộng.

Ngày 20/4, Foxconn - doanh nghiệp sản xuất chính cho Apple - đã tạm đóng cửa hai nhà máy ở thành phố Côn Sơn (gần Thượng Hải) sau khi phát hiện ca dương tính COVID-19. Tất cả nhân phiên không được rời khỏi khu nhà ở.

Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhưng các biện pháp này không thể được thực thi khi nền kinh tế bị phong tỏa. “Vì vậy, thị trường đang rất quan ngại về các vấn đề trong ngắn hạn liên quan tới COVID”, vị chuyên gia của Goldman Sachs nói thêm.

Siêu thị ở Bắc Kinh trống rỗng khi người dân ồ ạt mua nhu yếu phẩm do lo ngại phong tỏa, ngày 24/4/2022. (Ảnh: CNBC).

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng mở cửa phiên 25/2 trong sắc đỏ. Tính đến 16h10 (giờ Việt Nam), chỉ số DAX 30 của Đức mất gần 1,9%, các chỉ số FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp và Stoxx600 của toàn châu Âu đều giảm trên 2%.

Cuối tuần trước tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng lao dốc gần 1.000 điểm. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 4 tuần liên tục. Chiều 25/4 (theo giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones (futures) giảm 305 điểm, tương đương 0,9%. Hợp đồng tương lai các chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng đang mất tương ứng 0,95% và 0,81%.

Nhóm phân tích của Rabobank nhận định: "Các thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống và khẩu vị rủi ro đã giảm đáng kể. Thông tin về việc thủ đô Bắc Kinh phong tỏa một phần do số ca nhiễm tăng nhanh đã khiến nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách ở những nền kinh tế phát triển tiếp tục xu hướng thắt chặt".

Giá năng lượng đi xuống khi triển vọng kinh tế trở nên tiêu cực. Giá dầu thô WTI và Brent cùng giảm khoảng 3% trong phiên 25/4.

Song Ngọc