Vì đâu Dow Jones bất ngờ mất gần 1.000 điểm trong phiên tệ nhất kể từ 2020?
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 981 điểm, tương đương 2,8%, và kết phiên ở 33.811 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm gần 2,8%. Đây là phiên lao dốc mạnh nhất của Dow Jones kể từ ngày 28/10/2020 và của S&P 500 kể từ tháng 3 năm nay. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq mất 2,6% và kết phiên ở 12.839 điểm.
Cổ phiếu công ty y tế - bảo hiểm UnitedHealth giảm 3% và khiến cho Dow Jones mất hơn 100 điểm. Caterpillar lao dốc 6,6% và cũng làm cho Dow Jones mất gần 100 điểm. Nhiều cổ phiếu khác tác động tiêu cực tới chỉ số blue chip gồm Goldman Sachs, Home Depot và Visa.
Dow Jones tính toán trọng số theo thị giá của mỗi cổ phiếu, không phải theo vốn hóa như các chỉ số khác.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones giảm 1,9%, đánh dấu tuần đi xuống thứ 4 liên tiếp và tuần mất điểm thứ 9 trong tổng số 11 tuần gần đây. Biểu đồ bên dưới cho thấy, chỉ trong hai phiên gần đây, Dow Jones đã giảm 1.350 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite diễn biến tiêu cực hơn khi mất lần lượt 2,8% và 3,8% trong tuần qua. Theo CNBC, đây là tuần giảm thứ 3 liên tục của S&P 500.
Những doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý I gây thất vọng chính là những cái tên dẫn đầu đà lao dốc của thị trường. HCA Healthcare cắm đầu 21,8% và là cổ phiếu giảm mạnh nhất S&P 500 sau khi chuỗi bệnh viện này công bố lợi nhuận và dự báo doanh thu thấp hơn kỳ vọng.
Nhiều cổ phiếu khác trong lĩnh vực y tế cũng đi xuống theo. Thống kê dưới đây cho thấy y tế là nhóm ngành giảm mạnh nhất S&P 500 trong phiên 22/4. Intuitive Surgical và Universal Health Services cùng mất 14,3%, DaVita giảm 9,2%, DexCom sụt 6,7%.
CNBC dẫn lời ông Brian Price, Giám đốc quản lý đầu tư tại Commonwealth Financial Network, nhận định: “Gần đây, có vẻ các nhà đầu tư không còn tin rằng cổ phiếu là kênh đầu tư không thể thay thế nữa. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp dòng tiền rút mạnh khỏi các quỹ tương hỗ cổ phiếu và những phiên lao dốc như hôm nay sẽ khó lòng thay đổi tâm lý của nhà đầu tư trong tương lai”.
Cổ phiếu Verizon giảm 5,6% sau khi công ty mạng di động này thông báo mất đi 36.000 người dùng điện thoại hàng tháng trong quý I vừa qua.
GAP lao dốc 18% sau khi hãng bán lẻ quần áo này cho biết CEO của mảng Old Navy là bà Nancy Green sẽ từ nhiệm trong tuần này. GAP cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng doanh thu thuần của năm tài khóa 2022.
Bà Jeanette Garretty, Kinh tế trưởng tại công ty quản lý quỹ Robertson Stephens Wealth Management nhận xét: “Những bình luận của ông Powell có tác động rộng khắp, nhưng những dự báo thận trọng của doanh nghiệp về tăng trưởng doanh thu đang khiến nhà đầu tư nhận ra điểm quan trọng nhất: Chống lạm phát sẽ gây ra nhiều đau đớn”.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 22/4 rớt thảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tuyên bố vào hôm 21/4 rằng việc ghìm cương lạm phát là “cực kỳ thiết yếu”. Ông Powell cũng cho biết các quan chức Fed sẽ thảo luận về việc nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5.
Tháng 3 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ 2021, mức tăng cao nhất kể từ năm 1981 trở lại đây.
Phiên 22/4, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 5 năm vượt mốc 3% và vọt lên trên cả lợi suất kỳ hạn 30 năm. Kết phiên, lợi suất kỳ hạn 5 năm đã hạ nhiệt còn 2,94%, thấp hơn so với kỳ hạn 30 năm nhưng vẫn cao hơn kỳ hạn 10 năm, tức là một đoạn đường cong lợi suất của Mỹ đang đảo ngược.
Trao đổi với CNBC, bà Loretta Mester, Chủ tịch Chi nhánh Cleveland của Fed, cho biết bà sẽ ủng hộ việc nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5. Khi được hỏi về kế hoạch nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, bà cho rằng "chúng ta chưa cần đi đến mức đó".