|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

IMF cảnh báo các thị trường tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục bị bán tháo

08:51 | 21/04/2022
Chia sẻ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các thị trường tài chính trên thế giới có thể sẽ tiếp tục lao dốc khi các ngân hàng trung ương tập trung chống lạm phát và cắt giảm các gói kích thích thời đại dịch.

Theo CNBC, các nhà đầu tư toàn cầu khởi đầu năm 2022 với tâm lý lạc quan và dự đoán rằng động lực kinh tế sẽ quay trở lại khi các lệnh phong tỏa vì COVID-19 sẽ được nới lỏng, giúp cổ phiếu đi lên.

Tuy nhiên, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán đã xấu đi rõ rệt do chuỗi cung ứng đứt gãy và giá nhiên liệu lên cao.

Ông Tobias Adrian, Giám đốc các thị trường vốn và tiền tệ tại IMF, nhận định ngày 19/4: “Rủi ro các đợt bán tháo tiếp tục diễn ra là rất thật”.

“Các chính sách thắt chặt tiền tệ được đưa ra với mục đích hạn chế điều kiện tài chính và làm chậm hoạt động kinh tế. Vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu xảy ra hiện tượng điều chỉnh định giá tài sản, có thể là ở thị trường cổ phiếu cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ”, ông Adrian nói thêm.

 

Cảnh báo của IMF được đưa ra trong lúc các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều bất ổn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự định sẽ tăng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm 2022, đồng thời giảm quy mô bảng cân đối kế toán với tốc độ 95 tỷ USD/tháng để thu hẹp cung tiền. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản vào quý III, tức là sẽ dừng bơm tiền ra thị trường.

Tuy nhiên, tốc độ thắt chặt tiền tệ có thể được đẩy nhanh nếu lạm phát duy trì ở mức cao. Tháng 3 vừa qua, khu vực eurozone ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,5% so với cùng kỳ 2021. Tại Mỹ, lạm phát tháng 3 lên tới 8,5%, cao nhất kể từ năm 1981.

 

“Rủi ro ngày càng lớn ở đây là kỳ vọng lạm phát sẽ lên cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát của các ngân hàng trung ương, khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện các biện pháp thắt chặt mạnh tay hơn”, IMF nhận định trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất.

IMF cho rằng tình trạng lạm phát cao sẽ diễn ra trong thời gian dài hơn so với dự kiến trước đó. Lạm phát tại Mỹ cả năm nay có thể lên tới 7,7% còn tại khu vực euro zone là 5,3%, IMF dự báo.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng có ba nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tiếp tục lên cao trong tương lai là giá năng lượng duy trì ở mức cao, giá thực phẩm tăng, và nút thắt cổ chai trong một số ngành sản xuất toàn cầu vẫn tiếp diễn.

 Lạm phát tại khu vực đồng Euro lên đỉnh lịch sử 7,5% trong tháng 3/2022. Tháng liền trước đó, CPI tăng 5,9% so với cùng kỳ 2021.

Song Ngọc