|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba lý do khiến Nga chuyển hướng sang miền đông Ukraine

12:37 | 20/04/2022
Chia sẻ
Nga có nhiều lý do để chuyển tập trung quân sự sang miền đông Ukraine khi mà khu vực này là mục tiêu chiến lược, chính trị cũng như kinh tế dành cho Điện Kremlin.

Sau khi rút quân khỏi miền bắc Ukraine, cuộc tiến công của Nga vào miền đông Ukraine đã bắt đầu hôm 17/4, khi lực lượng quân đội Moscow tấn công vào nhiều khu vực thuộc Donbass.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Quân đội Nga đã  bắt đầu cuộc chiến tại Donbass sau khi đã chuẩn bị trong thời gian dài”. Ông Zelensky cho biết thêm rằng “một phần lớn lực lượng Nga tập trung cho chiến dịch lần này”.

Trang CNBC tổng hợp ba lý do chính giải thích vì sao Nga chuyển hướng tấn công sang miền đông Ukraine.

Nga cần chiến thắng

Vùng Donbass bao gồm hai quốc gia cộng hòa ly khai là Luhansk và Donetsk. Hai quốc gia này đã chiến đấu với quân đội Ukraine trong 8 năm kể từ sự kiện Maidan đầu năm 2014.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul bình luận hôm thứ Ba trên Twitter: “[Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã từ bỏ hoàn toàn các mục tiêu tham vọng hơn của mình”. Ông McFaul “rất ấn tượng khi Nga đổi tên cuộc xung đột thành 'hoạt động quân sự đặc biệt để bảo vệ Donbass’”.

Các lực lượng Nga dường như đã không chuẩn bị tốt để đối phó với điều kiện chiến đấu khắc nghiệt và sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine. Mặc dù gây ra nhiều thiệt hại, Moscow đã đạt được tương đối ít thành công bởi không thể nhanh chóng kiểm soát thủ đô Kiev và loại bỏ chính phủ của Tổng thống Zelensky.

Đoàn xe tăng của Nga bị phá hủy tại vùng Sumy, miền bắc Ukraine ngày 7/3. (Ảnh: Irina Rybakova).

Do đó, các nhà phân tích tin rằng thành công ít ỏi đã khiến Nga phải tập trung vào việc kiểm soát các thành phố chiến lược quan trọng ở miền nam Ukraine và trên Biển Đen, chẳng hạn như Mykolaiv, Mariupol và Kherson. 

Hai thành phố Mariupol và Kherson gần như hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Moscow, bất chấp sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine. Nga dường như cũng đang tìm cách tấn công Odessa ở phía tây, mặc dù đây được coi là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều.

Điện Kremlin đang phấn đấu để tuyên bố một chiến thắng nào đó ở Ukraine vào ngày 9/5 hay còn gọi là "Ngày Chiến thắng". Đây là ngày lễ có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga vì nó đánh dấu sự thất bại của Đức Quốc Xã trước Liên Xô trong Thế chiến II.

Tờ Kyiv Independent hồi tháng 3 trích dẫn tin tình báo từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, quân đội Nga được thông báo rằng cuộc xung đột phải kết thúc vào ngày 9/5. 

Bộ Quốc phòng Nga chưa phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC.

Ông Zelenskyy hôm 17/4 lưu ý rằng ngày càng có nhiều vụ tấn công được ghi nhận ở Donbass, gần các thành phố Izyum ở quận Kharkiv và Sloviansk ở Donetsk, cũng như xung quanh thành phố Severodonetsk và Popasna ở vùng Luhansk.

Hành lang trên bộ

“Chiến thắng” ở miền đông Ukraine không chỉ là chìa khóa đối với Nga về mặt chiến lược quân sự mà còn cả giá trị đáng kể về mặt kinh tế.

Thứ nhất, Donbass là một khu vực công nghiệp nặng, nổi tiếng với trữ lượng than lớn và ngành khai thác than. Nga có thể hưởng lợi lớn từ việc sáp nhập toàn bộ khu vực.

Thứ hai, việc kiểm soát khu vực Donbass cũng sẽ cho phép Nga tạo ra một “hành lang trên bộ” với Crimea, trung tâm quân sự, thương mại quan trọng của Moscow trên Biển Đen, nơi được sáp nhập vào Nga năm 2014.

Hành lang trên bộ từ Nga đi tới Crimea cần phải đi qua miền đông Ukraine. (Ảnh: Business Insider).

Nỗ lực để tiếp cận Crimea bằng đường bộ là lý do chính khiến thành phố cảng phía nam Mariupol trở thành tâm điểm cho các cuộc tấn công của Nga và sự kháng cự của Ukraine.

Nhà sáng lập Eurasia Group, ông Ian Bremmer lưu ý rằng Nga hiện đang ở "giai đoạn hai" của chiến dịch quân sự đặc biệt, với các mục tiêu chiến lược khác nhau.

Ông Bremmer nói trong một email vào hôm 17/4 rằng “giai đoạn hai” có nhiệm vụ "chiếm tất cả Donbass" bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk, và đảm bảo một hành lang trên bộ trên bộ từ khu vực này đến Crimea.

Ông cho biết các mục tiêu khác của Nga bao gồm kiểm soát hoàn toàn thành phố Kherson nhằm đảm bảo các kênh dẫn nước ngọt đến Crimea đã bị người Ukraine cắt đứt, đồng thời Nga muốn giành lấy “một số vùng lãnh thổ đệm”.

Chính trị mang bản sắc Nga

Vùng Donbass cũng rất quan trọng đối với Nga khi có bản sắc dân tộc riêng và ảnh hưởng đối với các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ. Đồng thời, những những người tại Donbass vẫn xác định mình là người Nga.

Trên thực tế, việc Nga tuyên bố "bảo vệ" người dân tộc Nga tại các vùng Luhansk và Donetsk (vốn sử dụng tiếng Nga áp đảo) đã tạo nên phần lớn lý do biện minh cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

 

Khu vực này không còn xa lạ với xung đột. Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk là địa điểm giao tranh giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. 

Các bên đưa ra số liệu khác nhau, nhưng nhiều người tin rằng khoảng 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài tại Donbass.

Bên cạnh cuộc xung đột, trong 8 năm qua, các nhà phân tích cho rằng Moscow đã gieo mầm mống cho phép sáp nhập các khu vực Luhansk và Donetsk bằng nỗ lực "Nga hóa", chẳng hạn như cung cấp hộ chiếu và quốc tịch Nga cho cư dân kể từ năm 2019.

Các nhà phân tích chính trị coi đây là dấu hiệu cho một cuộc xung đột, bởi vì Nga có thể viện cớ vào việc "bảo vệ" công dân khỏi mối đe dọa Ukraine để tấn công. 

Truyền thông nhà nước Nga đã tập trung vào hình ảnh cư dân Donbass chạy trốn trong những tuần gần đây, liên tục cáo buộc quân đội Ukraine về tội ác chiến tranh. Những cáo buộc này đã bị phía Ukraine bác bỏ.

Nga đã nhiều lần phủ nhận ủng hộ quân đội ly khai tại khu vực Luhansk và Donetsk, bất chấp bằng chứng về hỗ trợ tài chính cho các nước cộng hòa và vũ khí Nga được quân ly khai sử dụng để chống lại lực lượng Ukraine.

Minh Quang