|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ukraine còn ngại gì mà chưa cắt đứt dòng chảy khí đốt của Nga?

09:51 | 19/04/2022
Chia sẻ
Ukraine chỉ kêu gọi châu Âu cấm vận năng lượng Nga chứ không tự mình chặn khí đốt Nga chảy qua các đường ống trên lãnh thổ Ukraine.

Một đoạn đường ống dẫn khí đốt Yamal-Europe từ Nga sang châu Âu. (Ảnh: Reuters).

Trong thời bình, tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraine phục vụ 12 triệu hộ gia đình. Sau khi xung đột với Nga nổ ra, Naftogaz đã phải cắt nguồn cung tới hàng trăm nghìn khách hàng nhưng vẫn để cho Nga bán khí tự nhiên cho châu Âu thông qua đường ống chạy trên lãnh thổ nước mình.

Riêng trong ngày 17/4, tập đoàn này phải tạm ngưng cung cấp cho 473 ngôi nhà và 1.387 căn hộ bị bom đạn tàn phá. “Thật không may, chúng tôi không thể thực hiện các đợt sửa chữa lớn trong ngày hôm nay, nhưng các cán bộ nhân viên dũng cảm của chúng tôi đang đợi đến thời điểm phù hợp để cung cấp gas trở lại cho khách hàng”, thông cáo của công ty viết.

Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, ông Yuriy Vitrenko, CEO của Naftogaz nói: “Nếu chúng tôi không thể sửa chữa đường ống thì buộc phải dừng cung cấp khí đốt. Đôi khi cả một khu phố có thể bị ảnh hưởng. Khá nguy hiểm”. Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, hai nhân viên của Naftogaz đã tử vong trong khi làm việc.

Naftogaz cũng đang vướng phải một cuộc đấu địa chính trị phức tạp. Nga đang dội bom đạn và tên lửa xuống Ukraine nhưng đồng thời cũng dùng đường ống ở Ukraine để bán khoảng 30% lượng khí đốt sang châu Âu.

Chính phủ tại Kiev kêu gọi châu Âu lập tức dừng nhập khí đốt nhưng không trực tiếp chặn dòng khí đốt đang chảy với tốc độ 40 tỷ m3 mỗi năm sang Đức, Áo, Italy, Slovakia, Hungary.

CEO Yuriy Vitrenko nói: “[Khí đốt] là câu chuyện cực kỳ nhạy cảm về mặt chính trị, được bàn luận ở các cấp lãnh đạo cao nhất. Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục các nước Liên minh châu Âu giảm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga, hoặc ít nhất là đóng băng toàn bộ số tiền mà Nga nhận được từ việc bán năng lượng”.

Ông Vitrenko cho rằng châu Âu nên thanh toán cho Nga bằng cách chuyển tiền vào các tài khoản được phong tỏa, sau khi Nga rút quân khỏi Ukraine và đáp ứng các điều kiện khác của Phương Tây, Điện Kremlin có thể được tiếp cận số tiền này.

Nếu Ukraine đơn phương cắt đứt dòng khí đốt Nga, thì Nga có thể chuyển sang dùng các đường ống khác như Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1), ông Vitrenko nói. Hiện nay, Nga vẫn đang tránh bắn phá vào các khu vực có đường ống khí đốt sang châu Âu. Nếu các đường ống này bị chặn, Ukraine sẽ càng bị bom đạn Nga tấn công nhiều hơn, thiệt hại về vật chất và sinh mạng sẽ càng lớn.

“Việc cắt đứt dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine không thể ngăn chặn Nga nhận được tiền từ xuất khẩu năng lượng mà còn gây ra thêm rủi ro cho cơ sở hạ tầng khí đốt của Ukraine”, vị CEO của tập đoàn Naftgaz nói. “Chúng tôi coi việc để cho Nga vận chuyển khí đốt có tác dụng giảm thiểu sự phá hoại của bom đạn ở Ukraine".

Thành phố Mariupol, phía đông nam Ukraine, bị tàn phá sau khi Nga tấn công đầu năm 2022. (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, việc Ukraine chặn dòng chảy khí đốt có thể làm mếch lòng các đồng minh châu Âu đang phụ thuộc vào năng lượng Nga, đặc biệt là Đức. Vì vậy, Kiev đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để buộc châu Âu tự mình quyết định dừng nhập năng lượng từ Nga.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga vẫn tiếp tục vận chuyển khí tự nhiên qua Ukraine nhằm thể hiện mình là một nhà cung cấp đáng tin cậy, sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ hợp đồng dài hạn. Vào tháng 1/2020, hai nước đã ký một thỏa thuận trong thời hạn 5 năm về việc Nga đưa khí đốt qua Ukraine sang châu Âu.

 

Nga và Ukraine đều được lợi từ khí đốt

Quân đội hai nước đang giao tranh kịch liệt trên chiến trường nhưng Nga vẫn dùng đường ống của Ukraine để xuất khẩu lượng khí đốt trị giá hàng trăm triệu USD mỗi ngày và Ukraine vẫn nhận được tiền phí vận chuyển từ Nga.

Ông Anders Aslund, một chuyên gia cao cấp tại Diễn đàn Thế giới Tự do Stockholm cho rằng cả Nga và Ukraine đều hưởng lợi khi để cho khí đốt Nga chảy qua. “Nếu châu Âu vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga thì tại sao Ukraine lại không kiếm lợi từ đó?”.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), trong năm 2021, Nga thu về khoảng 65 tỷ USD từ xuất khẩu khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), châu Âu là thị trường lớn nhất. 

 

Bà Amy Myers Jaffe, Giám đốc điều hành Phòng Chính sách khí hậu tại trường Fletcher của Đại học Tufts cho rằng một lý do nữa khiến Nga vẫn đưa khí đốt qua Ukraine là tập đoàn Gazprom của Moscow có nhiều cam kết chưa thực hiện với các tập đoàn châu Âu.

“Gazprom sẽ phải chịu hàng tỷ USD tiền phạt hợp đồng nếu không hoàn thành nghĩa vụ. Có lẽ Điện Kremlin không muốn phải giải cứu tập đoàn này”, bà Jaffe nói. Về phần Ukraine, bà cho rằng đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này cần sự hỗ trợ của NATO nên không thể chọc giận Phương Tây bằng cách tự ý cắt nguồn cung khí đốt.

Nga cũng đang giảm bớt lượng khí đốt chuyển qua Ukraine và tăng cường sử dụng các đường ống khác, chẳng hạn như Nord Stream 1 trên biển Baltic để đến Bắc Âu hoặc TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến Nam Âu.

Song Ngọc

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.