|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga có thể học 'đàn anh' Iran cách né đòn tránh trừng phạt của Phương Tây

10:58 | 18/04/2022
Chia sẻ
Khi đang phải chịu những lệnh cấm vận chưa từng có trong gần như mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nga có thể tìm đến đồng minh Iran với hơn 40 năm kinh nghiệm về cách né tránh trừng phạt.

Bậc thầy né trừng phạt

Theo Castellum.Ai, trước khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, Iran từng là nước chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Nga giờ đây đã thay Iran nắm giữ kỷ lục về số lệnh trừng phạt và quan hệ hai nước có khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi cuộc xung đột tại Ukraine leo thang, CNN cho hay, 

 

Ông Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành của Gulf State Analytics tại Washington DC, cho biết: “Lợi ích chung trong việc giúp bên kia né tránh lệnh trừng phạt là động lực quan trọng trong mối quan hệ Nga-Iran”.

Trong bối cảnh các cuộc phong tỏa đường không ăn miếng trả miếng giữa Moscow và Phương Tây vào tháng trước, Bộ trưởng Giao thông Vitaly Savelyev cho biết Nga đang "nghiên cứu trường hợp của Iran" để đối phó với các lệnh trừng phạt về bảo trì và phụ tùng máy bay.

Sau khi cắt đứt quan hệ với Phương Tây, Iran hiện vẫn vận hành một số máy bay mua trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Máy bay Boeing 747SP thuộc hãng hàng không Iran Air. Mẫu máy bay này được đưa vào phục vụ từ năm 1976 đến năm 2016. (Ảnh: Airlinestravel.ro).

"Mối quan hệ song phương sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi cuộc xung đột Ukraine tiếp diễn, đặc biệt nếu các cuộc đàm phán tại Vienna không thể khôi phục JCPOA", ông Cafiero nói thêm. 

JCPOA hay Kế hoạch hành động toàn diện chung đề cập đến thỏa thuận năm 2015 đặt ra các giới hạn có thể xác minh đối với chương trình hạt nhân của Iran nhằm ngăn không cho Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân.

Ông Cafiero lưu ý rằng sự cô lập sẽ thúc đẩy Tehran hỗ trợ nhiều hơn cho Điện Kremlin. Sau nhiều thập kỷ bị Phương Tây hạn chế về kinh tế, Cộng hòa Hồi giáo Iran đã trở thành bậc thầy về trốn tránh, sử dụng thị trường chợ đen và thao túng hệ thống theo dõi tàu thuyền để lách các lệnh trừng phạt. 

Mỹ, G7 và Liên minh châu Âu đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Cú đánh đau nhất nhắm vào ngành năng lượng của Nga. Năm 2020, năng lượng chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Nga. Mỹ và Anh đã cấm dầu của Nga. Trong khi EU cũng đang xem xét một động thái tương tự mặc dù vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Nga.

Chuyển tàu

Theo thông tin của Reuters vào năm 2012, Iran từng giấu hàng triệu thùng dầu tại các cảng ít được biết đến ở Châu Á để thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Phương Tây. 

Việc chuyển dầu trong đêm từ tàu này sang tàu khác cho phép Iran giả mạo quốc tịch của tàu, bán dầu cho người mua Châu Á mà không bị Phương Tây để mắt tới. Iran đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Ông Cormac Mc Garry, chuyên gia an ninh tại Control Risks, London, cho biết: “Khoảng 8% tàu chở dầu lớn nhất thế giới hiện đang tham gia buôn lậu dầu bị trừng phạt, chủ yếu là sản phẩm của Iran và Venezuela”.

Ông Mc Garry nói với CNN rằng "Tàu ma" là cơ chế được sử dụng phổ biến nhất, theo đó các tàu tắt hệ thống nhận dạng tự động khi chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác.

Ông Mc Garry cho biết thêm: “Mánh khóe ở đây là chiếc tàu chở dầu thứ hai trông có vẻ hoàn toàn tuân thủ [các lệnh trừng phạt]. Nhà buôn hoặc người tiêu dùng có thể bị lừa khi nghĩ rằng mình đã mua một lô hàng không bị trừng phạt”.

Tàu chở dầu Adrian Darya 1 của Iran vào năm 2019 từng bán dầu nhưng không nêu tên người mua. (Ảnh: Reuters).

Windward, một công ty thông tin hàng hải của Israel, trong tháng qua đã xác định hoạt động buôn bán dầu thô bí mật của Nga. Tàu chở dầu khởi hành từ các cảng của Nga đã chuyển hàng sang những tàu chở dầu khác. Theo Windward, các tàu chở dầu tham gia vào hoạt động này đã đến Bắc Mỹ, Châu Á, Nga và Châu Âu.

"Trong khi các hạn chế mới đang thay đổi hành vi của tàu thuyền ... có vẻ như một số công ty vẫn duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường, bằng cách che giấu hành động và không để các cơ quan quản lý biết được", Windward viết trong một blog.

Tái xây dựng thương hiệu

Trong trường hợp của Iran, Malaysia được sử dụng làm điểm "pha trộn" hoặc "tái xây dựng thương hiệu", nơi dầu Iran sẽ được trộn với dầu từ các quốc gia khác và bán như một sản phẩm không phải của Tehran cho người mua quốc tế.

"Hỗn hợp Malaysia" đã được biết đến như cách để trốn tránh các lệnh trừng phạt dầu mỏ. Những người mua Châu Á, cụ thể là Trung Quốc, đã lợi dụng hỗn hợp đã được đổi thương hiệu để mua dầu bị trừng phạt.

Moscow cũng đang đi theo con đường tương tự. Dầu Nga hiện được đổi tên thành "hỗn hợp Latvian". Hỗn hợp bao gồm 49,99% dầu Nga được pha trộn với dầu khác và dán nhãn Latvian. Bloomberg cho biết loại dầu thô này đã được mua bởi công ty dầu khí Shell có trụ sở tại Anh.

Các nhà phân tích nhận định, mặc dù mua bán dầu trừng phạt phải đối mặt với rủi ro cả về danh tiếng và tài chính nhưng nhu cầu đối với dầu thô khiến một số người mua tìm đến những góc tối nhất của thị trường chợ đen.

Tàu “Daniel” chở dầu thô nhập khẩu từ Iran tại cảng Zhoushan ở thành phố Zhoushan, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 8/3/2018. (Ảnh: Reuters).

Công ty bình phong

Các nhà phân tích cho rằng về mặt tài chính, Iran đã xây dựng một mạng lưới các công ty bình phong và giao dịch tuần hoàn để rửa tiền và né tránh trừng phạt. Một số người tin rằng Iran có thể cung cấp những mạng lưới này cho Nga sử dụng.

Ông Richard Nephew, một học giả tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Columbia, New York, cho biết những công ty này về vẻ ngoài dường như không có mối liên hệ nào với Iran. Công ty bình phong là một chiến thuật mà ông Nephew tin rằng Nga sẽ muốn học hỏi.

Ông Nephew từng là Phó giám đốc về các biện pháp trừng phạt tại Bộ Ngoại giao và Giám đốc các vấn đề Iran thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

Ông Nephew nói: “Tôi nghĩ rằng Iran sẽ chuẩn bị để giúp Nga về một số công cụ né tránh lệnh trừng phạt, nhưng tất nhiên, điều này giả định rằng bản thân Iran cũng có thể tiếp cận những công cụ đó”.

Ông Batmanghelidj cho biết, trốn tránh lệnh trừng phạt không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Việc tìm kiếm các đối tác đồng lõa làm trì hoãn sự sụp đổ kinh tế trong ngắn hạn, nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng tới cơ hội kiếm lời trong dài hạn.

Ông Batmanghelidj nói thêm: “Bài học chính mà Nga nên rút ra từ kinh nghiệm của Iran là việc né tránh và chống lại các lệnh trừng phạt rất khó khăn”. Ông nói với CNN: “Trong trường hợp tốt đẹp nhất, Nga có thể nhắm đến việc chứng tỏ khả năng phục hồi trước các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, né tránh trừng phạt chỉ có thể giúp tạm ngăn sự sụp đổ kinh tế”.

"Chi phí thực sự của các lệnh trừng phạt là chi phí cơ hội của sự tăng trưởng bị mất đi."

Minh Quang