|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến dịch quân sự của ông Putin đã bước sang 'giai đoạn hai', những kịch bản nào có thể xảy ra từ đây?

17:33 | 17/04/2022
Chia sẻ
"Chiến dịch quân sự đặc biệt" mà Tổng thống Vladimir Putin phát động tại Ukraine đã bước sang "giai đoạn hai", giờ đây các bên tham chiến đang đứng trước những khả năng nào?

Chiến dịch bước sang “giai đoạn hai”

Ngày 25/3, tròn một tháng kể từ lúc Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết giai đoạn đầu của chiến dịch đã gần như hoàn tất và Moscow sẽ tập trung vào “giải phóng” vùng Donbass ở miền đông Ukraine.

Chia sẻ trước truyền thông, ông Sergei Rudskoi, Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cho hay: “Nhìn chung, chúng tôi đã hoàn thành các mục tiêu chính trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Năng lực chiến đấu của binh lính Ukraine đã sa sút đáng kể và điều này sẽ giúp quân đội Nga tập trung lực lượng để hoàn thành mục tiêu chính sắp tới là giải phóng khu vực Donbass”.

Hãng tin Reuters nhận định, động thái trên cho thấy có thể Điện Kremlin đang nhắm vào các mục tiêu cụ thể hơn sau khi vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân dân Ukraine. AP có cùng quan điểm, cho rằng Nga đang gợi ý về giai đoạn hai của cuộc xung đột.

Liên Hợp Quốc ước tính đến nay, hơn 4,3 triệu dân thường Ukraine đã tháo chạy sang các nước láng giềng và hơn 6,5 triệu người phải di tản trong nước. (Ảnh: Getty Images).

Sau khi Nga động binh, hàng chục thành phố lớn nhỏ của Ukraine đã bị bắn phá không ngừng; hàng nghìn dân thường thiệt mạng, hơn 4,3 triệu người tháo chạy sang các nước láng giềng và hơn 6,5 triệu người phải di tản trong nước; đồng thời, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng.

Cuộc chiến đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở châu Âu. Khi chiến sự bước sang “giai đoạn hai”, thiệt hại sẽ còn thêm chồng chất, đặc biệt là nếu Nga tấn công mạnh bạo hơn hoặc nếu chính phủ hai nước không đạt được thỏa thuận đình chiến.

Đâu là những kịch bản tiềm năng nhất cho giai đoạn mới của cuộc xung đột quân sự giữa hai nước Liên Xô cũ? Hiện tại, có ít nhất ba khả năng có thể xảy ra trong một vài tháng tới, cụ thể như sau:

Nga “đông tiến” nhưng bị Ukraine cản lối

Donbass là một điểm nóng trong quan hệ Nga - Ukraine kể từ năm 2014. Khu vực này được cho là thân Nga, nằm ở phía đông của Ukraine và bao gồm hai nước cộng hòa tự xưng là Donetsk và Luhansk.

Quân đội Nga đã quyết định “đông tiến” để giải phóng vùng Donbass. Tuy nhiên, dựa theo nhận định của các chuyên gia địa chính trị, đây có thể là một bước đi sai lầm của điện Kremlin.

 

Trước hết, địa hình ở phía đông Ukraine ít cây cối hơn so với phía bắc, vùng không gian mở tại đây có thể tạo lợi thế cho quân phòng thủ Ukraine hơn. Chưa kể, khá nhiều binh lính Ukraine ở phía đông còn có kinh nghiệm chiến đấu dày dặn hơn, vì họ từng nhiều lần kìm chân quân ly khai thân Nga kể từ cuộc xung đột năm 2014.

Hơn nữa, quân số của Ukraine cũng có thể tăng trong thời gian tới, nếu các chỉ huy triển khai các đơn vị đang bảo vệ Kiev đến phía đông, vì sau khi Nga rút khỏi miền bắc thì việc bảo vệ thủ đô có thể không còn cần thiết.

Giới phân tích cũng e ngại không biết quân đội Nga đã giải quyết xong các vấn đề hậu cần mà họ gặp phải trong những tuần đầu tiên của chiến dịch hay chưa. Binh sĩ của Nga từng phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu, thức ăn, nước uống và những thiết bị cơ bản khác như radio, quần áo giữ ấm,…

Ngoài ra, tính đến nay, Nga mất nhiều khí tài quân sự gấp ba lần Ukraine. Orxy, một trang web phân tích quân sự nguồn mở, ước tính Nga đã mất hơn 400 xe tăng, 20 máy bay và 32 máy bay trực thăng cũng như hàng trăm xe bọc thép và thiết bị khác. Điều này ắt hẳn sẽ ảnh hưởng phần nào đến cuộc “đông tiến” của quân Nga.

Nga tấn công Phần Lan, chẻ nhỏ lực lượng?

Ngày 13/4, Phần Lan và Thụy Điển thông báo đang xem xét gia nhập NATO, bất chấp cảnh báo từ chính quyền Moscow. Thủ tướng Sanna Marin cho biết Phần Lan sẽ sớm thảo luận và đưa ra quyết định, trong khi Thủ tướng Magdalena Andersson nói Thụy Điển cũng đang cân nhắc.

Theo bà Andersson, gia nhập NATO có ưu điểm quan trọng nhất là được Điều 5 trong Hiến chương của NATO bảo vệ. Theo Điều 5, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh coi một cuộc tấn công vào một nước thành viên là tấn công vào cả khối, các thành viên còn lại có thể tham chiến.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga ở phía đông. Công chúng Phần Lan rất ủng hộ việc trở thành thành viên của NATO, trái lại Nga thì không đồng tình vì lo sợ lợi ích của nước này có thể bị xói mòn.

Trong một phát biểu, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phải “tái cân bằng tình hình” bằng các biện pháp cứng rắn riêng.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đứng trước nhiều ngã rẽ. (Ảnh: AP).

Ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đồng thời là cựu Tổng thống cũng như cựu Thủ tướng Nga, cho biết hai nước Bắc Âu sẽ trở thành “đối thủ chính thức” của Nga nếu gia nhập NATO.

Một số chuyên gia đồn đoán Nga có thể tấn công Phần Lan để đáp trả ý định của chính quyền Thủ tướng Sanna Marin, song quân đội Nga có thể gặp khó khăn nếu muốn làm điều đó.

Nga gần như đã sử dụng toàn bộ lực lượng tại Ukraine nên không còn nhiều quân để tấn công Phần Lan. Bất kỳ quyết định chẻ nhỏ quân lực đều sẽ tác động đến chiến dịch quân sự ở Ukraine và hoàn toàn không có lợi cho Moscow.

Hơn nữa, quân đội Phần Lan không quá lớn mạnh nhưng cũng không hẳn là nhỏ, đặc biệt họ còn được huấn luyện nghiêm ngặt và không ít lần tham gia tập trận chung với NATO. Dù vậy, không loại trừ khả năng Điện Kremlin sẽ bắn một ít tên lửa, pháo hoặc không kích Phần Lan để buộc NATO không chấp nhận tư cách thành viên của quốc gia Bắc Âu.

Thỏa thuận đình chiến còn xa

Nga và Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán không liên tục kể từ cuối tháng 2, chỉ vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tổng thống Vladimir Putin đã dập tắt hy vọng về một thỏa thuận hòa bình với Ukraine hôm 12/4 khi ông khẳng định đàm phán đã “đi vào ngõ cụt”. Ông chủ Điện Kremlin tố cáo Ukraine hủy hoại kết quả đàm phán bằng cách dàn dựng những tuyên bố giả mạo về tội ác chiến tranh của Nga.

Trong khi đó, Ukraine cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang “diễn ra”, ngay cả khi “đàm phán vô cùng khó khăn”, theo lời cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak.

Giờ đây, các cuộc tấn công liên tục của Nga vào thành phố cảng Mariupol của Ukraine cũng như cáo buộc quân Nga sát hại dân thường ở thị trấn Bucha càng gây khó khăn cho việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình.

Chưa kể, cả hai bên đều đã thiệt hại đến mức việc nhượng bộ để đi đến một giải pháp thỏa hiệp là “không thể chấp nhận được về mặt chính trị”, đặc biệt là đối với chính quyền ông Putin, chuyên gia cấp cao Francis Fukuyama tại Đại học Stanford bày tỏ.

Ông Fukuyama nói, Nga không thể đồng ý từ bỏ bất kỳ lợi ích lãnh thổ nào sau khi cuộc chiến bắt đầu. “Điều đó có nghĩa là Tổng thống Putin phát động xung đột, quân đội Nga hứng chịu thương vong nhưng không mang lại nghĩa lý gì”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo ông Francis Fukuyama, một giải pháp hòa bình sẽ phải đợi những tiến triển mới trên chiến trường.

Khả Nhân