|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến sự tại Ukraine sẽ ra sao sau khi Nga quyết định 'đông tiến'?

17:05 | 10/04/2022
Chia sẻ
Điện Kremlin đã dồn lực tấn công sang khu vực phía đông của Ukraine. Theo giới phân tích, các lực lượng của Ukraine tại đây mạnh mẽ và thiện chiến hơn nên quân đội Nga có thể sẽ vấp phải kha khá lực cản.

Đầu tuần này, Điện Kremlin thông báo trọng tâm của quân đội Nga giờ đây sẽ là “giải phóng toàn bộ” vùng Donbass, tức là khu vực phía đông của Ukraine, bao gồm hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk.

Các trận chiến then chốt sẽ diễn ra ở đâu?

Địa hình ở phía đông Ukraine sẽ đặt ra thách thức lớn cho binh lính Nga. Do địa hình ít cây cối hơn so với phía bắc, các nhà phân tích cho rằng vùng không gian mở ở miền đông có thể tạo ra lợi thế cho quân phòng thủ Ukraine.

Chưa kể, giới quan sát còn tin rằng các lực lượng tốt nhất của Ukraine đang đóng tại phía đông. Điều này sẽ gây ra trở ngại lớn cho quân đội của Tổng thống Vladimir Putin khi đông tiến.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), chiến sự ở thành phố Slovyansk (Ukraine) có thể sẽ là trận đánh mang tính then chốt tiếp theo trong cuộc xung đột quân sự giữa hai nước Liên Xô cũ.

Nếu quân Nga tiến từ Izyum, sau đó đánh chiếm thành công Slovyansk, thì họ có thể chọn tiến lên phía đông theo hướng Rubizhne để bao vây một nhóm tương đối nhỏ các lực lượng Ukraine, hoặc tiến xa hơn về phía nam để bao vây một khu vực rộng lớn hơn.

Nếu thành phố cảng Mariupol rơi vào tay binh lính Nga, Moscow có thể bổ sung thêm quân để tiến về phía bắc, vào khu vực phía tây của Donetsk.

Nga sẽ tấn công như thế nào?

Chuẩn tướng Ben Barry (đã nghỉ hưu), hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, dự đoán Nga có khả năng sẽ sử dụng pháo kích từ trên không để phá vỡ các tuyến phòng thủ kiên cố của Ukraine, sau đó mới đẩy mạnh tiến công trên bộ. Tấn công Ukraine bằng bộ binh mà không có pháo kích hạng nặng trước có nguy cơ gây thương vong rất lớn cho Nga và làm tăng nguy cơ thất bại.

Nga có nhiều loại vũ khí để sử dụng. Đặc biệt, pháo tự hành mà Nga chiếm ưu thế sẽ là “một mắt xích rất quan trọng”, ông Barry lưu ý. Pháo tự hành có hình dạng giống một chiếc xe tăng, nhưng bắn đạn lên trên để rơi xuống mục tiêu chứ không bắn trực tiếp vào mục tiêu.

 

Song, các nhà phân tích chia sẻ với BBC rằng cơ hội để Nga tiến công có thể rất hiếm hoi khi mà chiến sự ở nhiều khu vực đã ổn định, chủ yếu nghiêng về phía Ukraine. Chuẩn tướng Barry nhận định: “Xung đột có thể gây thiệt hại đẫm máu [cho Nga]”.

Để tấn công Ukraine từ khoảng cách xa hơn, Nga đã trang bị nhiều hệ thống phóng tên lửa và nhiều khả năng sẽ mạnh tay sử dụng chúng trong thời gian tới.

Pháo phản lực BM-21 Grad của Nga có 40 tên lửa có thể bắn trong vòng 20 giây và đã gây thiệt hại thảm khốc cho dân thường ở một số khu vực, khiến các thành phố như Kharkiv, Mariupol của Ukraine trở thành đống đổ nát.

Một số báo cáo cho thấy Nga cũng đã sử dụng vũ khí nhiệt áp ở nhiều vùng của Ukraine. Loại vũ khí này có sức tàn phá khủng khiếp hơn nhiều so với các chất nổ thông thường ở cùng kích thước, nó phân tán hỗn hợp nhiên liệu như một đám mây, sau đó phát nổ, tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ và làn sóng nổ lớn.

Chuyên gia Samuel Cranny-Evans thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (Anh) cho biết vũ khí nhiệt áp thường được sử dụng cho “chiến tranh đô thị”.

Nếu pháo binh của Nga thành công trong việc phá hủy các tuyến phòng thủ chủ chốt của Ukraine, Moscow có khả năng sẽ sử dụng bộ binh với vũ khí nhỏ và nhiều loại xe bánh xích, cùng với xe tăng trang bị hỏa lực hạng nặng.

Người Ukraine đang chuẩn bị ra sao?

Chuẩn tướng Ben Barry cho biết quân đội Ukraine đã có nhiều năm để nâng cấp phòng thủ và quân đội Nga có thể phải rất chật vật để đẩy lùi họ.

Chia sẻ với BBC, ông Barry nói binh lính Ukraine giờ đây đã tăng cường củng cố các thị trấn và làng mạc quan trọng mà họ muốn bảo vệ. Chưa kể, xe bọc thép và các thiết bị quân sự khác của Ukraine cũng đã được bố trí cẩn thận.

Binh lính Ukraine bắn một máy bay không người lái gần Kharkiv. (Ảnh: Getty Images).

Khá nhiều binh lính Ukraine ở phía đông đất nước còn có kinh nghiệm dày dặn, vì họ đã từng nhiều lần kìm chân quân ly khai thân Nga kể từ cuộc xung đột năm 2014.

Quân số của Ukraine cũng có thể tăng trong thời gian tới, nếu các chỉ huy quân sự triển khai các đơn vị đang bảo vệ Kiev đến phía đông, vì sau khi quân Nga rút khỏi miền bắc thì việc bảo vệ thủ đô có thể không còn quá cần thiết.

Điều gì có thể kìm chân quân Nga?

Giới phân tích không rõ liệu quân đội Nga đã giải quyết xong các vấn đề hậu cần nghiêm trọng mà họ gặp phải trong những tuần đầu tiên của chiến dịch này hay chưa. Các binh sĩ của Nga từng phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu, thức ăn, nước uống và các thiết bị cơ bản như radio và quần áo giữ ấm.

“Các vấn đề hệ trọng khác còn bao gồm huấn luyện, tạo động lực và tuyên truyền, dẫn dắt. Quân đội Nga đã không thể hiện tốt ở Kiev và chúng tôi không biết liệu họ đã rút ra bài học hay không”, chuẩn tướng Barry cho hay.

Truyền thông cũng cho rằng tính đến nay, Nga mất nhiều khí tài quân sự gấp ba lần Ukraine. Điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến chiến sự ở miền đông Ukraine là chưa rõ, nhưng chắc chắn thay thế lượng vũ khí đó là một bài toán rắc rối cho Nga.

Oryx, một trang web phân tích quân sự nguồn mở, ước tính rằng Nga đã mất hơn 400 xe tăng, 20 máy bay và 32 máy bay trực thăng, cũng như hàng trăm xe bọc thép và các thiết bị khác.

Về lâu dài, Moscow cũng có thể có một lợi thế quan trọng khi nguồn cung vũ khí của phương Tây cho Ukraine đến chậm hoặc quá hạn chế, không đủ để thay thế lượng thiết bị đã bị hư hại trong các trận đánh.

Ông Cranny-Evans nói: “Đối với từng bệ phóng tên lửa bị phá hủy, Ukraine hầu như không có thiết bị thay thế, chúng biến mất mãi mãi. Nhưng Nga vẫn có khả năng sản xuất vũ khí, vì vậy đối với quân đội Nga, những thứ đã mất không phải là không thể thay thế được. Do đó, khi chiến sự tiếp tục, thời gian sẽ bắt đầu chuyển sang phía có lợi cho Nga”.

Khả Nhân