|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Moscow và Tây phương chạy đua để kéo Trung Quốc - Ấn Độ ngả về phe mình

16:41 | 04/04/2022
Chia sẻ
Chiến sự tại Ukraine đã khơi mào cho cuộc đụng độ căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ giữa Nga và phương Tây. Đặc biệt, hai bên đều đang cạnh tranh để thuyết phục hai quốc gia hùng mạnh khác là Trung Quốc và Ấn Độ phải chọn phe.

Chạy đua để thuyết phục hai siêu cường

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã châm ngòi cho cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Moscow và phương Tây trong nhiều năm qua. Giờ đây, hai bên đang ra sức tác động đến Trung Quốc và Ấn Độ để thuyết phục hai siêu cường này ngả về phe mình.

Sau khi ban hành một loạt lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga, phương Tây đang tìm cách bịt kín tất cả các lối thoát kinh tế của chính quyền Tổng thống Putin, chẳng hạn như ngăn nước này bán dầu thô và khí đốt cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Ở chiều ngược lại, Nga cũng đang tìm cách lách các lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh bằng cách tận dụng mối quan hệ mà ông Putin đã vun đắp với những nước láng giềng châu Á.

Đơn cử, ngày 31/3, Nga và Anh đã đồng loạt cử ngoại trưởng tới Ấn Độ để thuyết phục chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi về lập trường xoay quanh cuộc chiến ở Ukraine. Động thái bất ngờ này đã tạo ra một đụng độ ngoại giao khó xử giữa ba bên.

Trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết mục đích của bà là gây ấn tượng với chính quyền New Delhi rằng “mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Anh và Ấn Độ sẽ giúp thúc đẩy an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu”.

“Đồng thời, mối quan hệ song phương còn giúp tạo ra việc làm và cơ hội ở cả hai nước. Điều này là vô cùng quan trọng trong bối cảnh Nga vô cớ tấn công Ukraine”, vị ngoại trưởng tiếp lời.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại và bán thêm dầu thô cho Ấn Độ, ngay giữa lúc các sản phẩm năng lượng của Nga đang bị tẩy chay ở Mỹ và châu Âu.

Ý tứ của Trung Quốc và Ấn Độ ra sao?

Đằng sau “cánh gà”, cả chính phủ Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều đang cảnh giác về tình hình chiến sự tại Ukraine.

Mối quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh là cuộc chiến sẽ làm xáo trộn hoạt động thương mại và quan hệ đối tác toàn cầu như thế nào; trong khi Ấn Độ có ràng buộc quốc phòng với Moscow, đồng thời còn là nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Nga.

Chia sẻ với CNBC, các nhà phân tích cho biết cả hai cường quốc này đều hy vọng Nga và Ukraine sẽ sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn, bất chấp việc Tổng thống Vladimir Putin không cho thấy dấu hiệu sẽ xuống thang xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: AP).

Trung Quốc đã phát đi một số tín hiệu cho thấy họ đang đứng về phía Nga. Bắc Kinh từng kêu gọi NATO ngừng kết nạp thành viên mới, một trong các khúc mắc lớn nhất của Moscow khi nói tới Ukraine. Bắc Kinh cũng từ chối gọi xung đột lần này là một “cuộc xâm lược” như truyền thông phương Tây. 

Song, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại London khẳng định  Bắc Kinh “vô cùng đau buồn trước những diễn biến ở Ukraine”.

Vị phát ngôn viên nói tiếp: “Quan điểm của Trung Quốc luôn là, chúng ta phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia…và các tranh chấp quốc tế nên được dàn xếp một cách êm thấm, hòa bình”.

“Trung Quốc sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để giải quyết mối quan tâm chính đáng và hợp lý của các nước. Chúng tôi cũng muốn nỗ lực khép lại xung đột Nga - Ukraine và khôi phục hòa bình ở châu Âu trong thời gian sớm nhất”, người này nhấn mạnh.

Ông Marko Papic, đối tác tại hãng quản lý tài sản Clocktower Group, nhận định: “Trung Quốc dường như đang cố thực hiện một nước đi công phu, vừa báo hiệu rằng mình không hoàn toàn đứng về phía Nga nhưng cũng không ngả về phe Mỹ”.

Ở diễn biến khác, ông Ankit Panda của Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận xét về Ấn Độ: “Lập trường của New Delhi đã khiến nhiều người phải chú ý.

Họ bỏ phiếu trắng tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc, không sẵn lòng chỉ trích Nga…Khá nhiều chuyên gia còn đề cập đến sự phụ thuộc của đất nước Nam Á vào nguồn cung vũ khí quốc phòng của Nga…”

Ấn Độ đã lên kế hoạch ngân sách cho giá dầu khoảng 75 USD/thùng. Chiến sự tại Đông Âu kéo giá tăng vọt lên trên 100 USD/thùng và đây là một lý do khác khiến New Delhi khó có thể khước từ mối quan hệ với Moscow.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia của Viện Carnegie, Ấn Độ vẫn sẽ ủng hộ một thỏa thuận đình chiến và chấm dứt nhanh chóng xung đột quân sự giữa hai nước Liên Xô cũ.

Không chỉ Trung Quốc và Ấn Độ

Đáng lo ngại cho phương Tây, Moscow có thể sẽ tìm cách củng cố hơn nữa mối quan hệ với các nước BRICS khác như Brazil và Nam Phi hoặc với các quốc gia trung lập khác trên toàn cầu.

Tuần trước, Economist Intelligence Unit (EIU) đã công bố một báo cáo cho biết, “2/3 dân số thế giới đang sống ở các nước trung lập hoặc ngả về phía Nga trong cuộc chiến ở Ukraine”.

Các quốc gia không liên minh - liên kết như Brazil, Arab Saudi, Nam Phi và UAE sẽ “cố gắng hết sức để tránh phải chọn phe, nhưng vẫn tìm cách hưởng lợi từ lập trường trung lập rõ ràng của họ”, EIU lưu ý.

Bình luận về bản báo cáo, bà Agathe Demarais - Giám đốc bộ phận dự báo toàn cầu của EIU, cho hay: “Trong những năm tới, Nga (và Trung Quốc) sẽ dốc sức để lôi kéo các quốc gia trung lập - vốn chủ yếu tập trung ở các khu vực đang phát triển”.

“Bằng nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn như ngoại giao vắc xin, chính quyền Moscow và Bắc Kinh sẽ hy vọng tạo ra một mặt trận đối lập với phương Tây. Hệ quả có thể là, ảnh hưởng của phương Tây tại các nước đang phát triển sẽ suy yếu dần”, bà Demarais nói tiếp.

Yên Khê