|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ hội tại 'miền đất hứa' Nga sau khi Phương Tây rời đi

06:38 | 30/03/2022
Chia sẻ
Thương mại giữa Bắc Kinh và Moscow có thể được thúc đẩy nhờ vào việc doanh nghiệp tư nhân nhỏ của Trung Quốc tìm cách lấp đầy khoảng trống mà Phương Tây để lại.

Khoảng trống thị trường

Các biện pháp trừng phạt của Phương Tây đã khiến Ford, Coca-Cola, Apple, LG, Canon, Nike, ... cùng nhiều thương hiệu nổi tiếng khác tìm cách thoát khỏi Nga.

Sự ra đi này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc khai thác thị trường Nga, mặc dù đã có những lời cảnh báo từ Mỹ và đồng minh trong việc Trung Quốc không nên hỗ trợ Moscow né tránh các lệnh cấm.

Volkswagen Group Rus đã ngừng hoạt động sản xuất tại hai nhà máy Kaluga và Nizhny Novgorod. (Ảnh: Volkswagen AG).

Sau khi thấy nhiều công ty xe hơi thoát khỏi thị trường Nga, bà Li Dan quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh tại Moscow để vừa sản xuất và bán phụ tùng cho xe ô tô từ các thương hiệu của Mỹ và Châu Âu.

Trong nhiều năm, công ty của bà Li chỉ sản xuất và bán phụ tùng cho xe của Nga, SCMP cho hay. Nhưng sau khi Ford và Volkswagen rời đi, bà đưa đến kết luận rằng những chiếc xe thương hiệu Audi, Ducati, Skoda hay Porsche tại Nga sẽ sớm đến lúc cần phải bảo dưỡng.

Bà Li nói: “Xe của Mỹ và Châu Âu tại Nga đến một ngày nào đó sẽ cần được sửa chữa. Những đại lý nhập khẩu trực tiếp từ thị trường Phương Tây sẽ phải tìm kiếm sự hợp tác lâu dài hơn với Trung Quốc bởi các lệnh trừng phạt”.

Việc các doanh nghiệp Phương Tây rời đi sẽ tạo cơ hội cho thương hiệu Trung Quốc thâm nhập thị trường Nga, và một số công ty đã bắt đầu rồi, bà nói thêm.

Ngay sau khi nhiều thương hiệu Phương Tây tuyên bố rút lui khỏi Nga, bà Li đã nhận được khuyến mại mua xe từ Haval, công ty thuộc sở hữu của hãng xe Trung Quốc Great Wall Motors chuyên về dòng xe crossover và SUV.

Thúc đẩy từ Trung Quốc

Đại sứ Trung Quốc tại Nga đã kêu gọi các thương nhân Trung Quốc ở Moscow nắm bắt các cơ hội kinh doanh sản sinh ra từ cuộc khủng hoảng và tái cấu trúc doanh nghiệp để “lấp đầy khoảng trống trên thị trường Nga”.

Đại sứ Trương Hán Huy phát biểu trong một buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp tại Nga: “Dưới tình hình địa chính trị phức tạp, các tập đoàn lớn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong thanh toán và chuỗi cung ứng. Giờ đây là thời điểm thích hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường. Nga đang cải thiện lĩnh vực thanh toán và logistics, đồng thời xây dựng các nền tảng mới”.

Ông Wang Chuanbao, chủ tịch Liên đoàn Hoa kiều ở Moscow, nói rằng khoảng trống mà các công ty phương Tây ở Nga để lại dẫn đến cung và cầu mất cân bằng và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.

“Nhưng các biện pháp trừng phạt lần này nghiêm khắc và rộng hơn,” ông Wang nói thêm. “Các thương nhân Trung Quốc cần dành thời gian xem xét cẩn thận cách thức để lấp đầy ‘lỗ hổng’ và có được chỗ đứng trên thị trường Nga.”

“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ công ty Trung Quốc trong việc nghiên cứu và hợp tác tại thị trường Nga trong bối cảnh phát triển chiến lược Vành đai con đường”.

Sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc. (Ảnh: theconversation.com).

Ông Liu Yunpeng, một nhà nhập khẩu thực phẩm Trung Quốc có trụ sở tại Nga, cũng nhận thấy cơ hội kinh doanh dù đang phải đối mặt với thách thức ngắn hạn, bao gồm cả sự mất giá của đồng rúp.

Do các lệnh trừng phạt, nhiều thương hiệu nổi tiếng của Phương Tây đã rút khỏi Nga, để lại một thị trường khổng lồ đang chờ đón doanh nghiệp Trung Quốc, ông Liu cho biết.

“Công ty của tôi đã nhập khẩu thực phẩm Trung Quốc và bạch tửu tới Nga kể từ năm 2014. Khi quan hệ chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh ngày càng sâu đậm, tôi nhận thấy tiềm năng lớn của thực phẩm Trung Quốc tại Nga”.

Khó khăn là cơ hội

Đối với các doanh nhân Trung Quốc, đồng rúp mất giá, lạm phát 30% dẫn đến doanh thu giảm, lãi suất cho vay tăng và nhân viên Nga yêu cầu tăng lương.

 

Ngoài ra, khi Phương Tây chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT, nhiều giao dịch không còn có thể được thanh toán bằng USD hay EUR, hai loại tiền tệ sử dụng trong hầu hết các giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, đối với bà Li, giám đốc công ty sản xuất và kinh doanh phụ tùng xe tại Moscow, người có khách hàng không muốn chuyển sang nhân dân tệ của Trung Quốc, các lệnh cấm vận của Phương Tây đã tạo ra cơ hội bất ngờ.

“Chúng tôi đã thúc giục khách hàng thanh toán bằng [nhân dân tệ] trong một thời gian dài nhưng chưa bao giờ thành công vì khách hàng không muốn gặp rắc rối khi mở tài khoản ngân hàng mới,” bà Li nói.

“Nhưng khi các ngân hàng Nga bị trừng phạt, khách hàng của tôi đã tìm thấy các ngân hàng hỗ trợ giao dịch bằng [nhân dân tệ] ngay lập tức và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường sau khoảng một tuần.”

Doanh nghiệp lớn cẩn trọng

Tuy nhiên, những cơ hội thị trường do sự rút lui của các thương hiệu Phương Tây dường như chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp tư nhân, các công ty nhỏ và vừa.

Ông Zhuang Bo, chuyên gia kinh tế của công ty đầu tư Loomis, Sayles & Company, cho biết các doanh nghiệp nhà nước lớn (SOEs) ở Trung Quốc sẽ vẫn cảnh giác với việc vi phạm các lệnh trừng phạt của Phương Tây.

Ông Zhuang nói: “Các công ty Trung Quốc trong một số lĩnh vực thích hợp sẽ được hưởng lợi đặc biệt khi EU và Mỹ rời khỏi thị trường Nga, chẳng hạn như phụ tùng ô tô, thực phẩm, vật tư y tế và cơ sở hạ tầng”.

“Các biện pháp trừng phạt sẽ còn tồn tại trong thời gian dài, nhưng những dự án cơ sở hạ tầng lớn vẫn phải tiếp tục. Thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ tăng quy mô và tốc độ trong vài năm tới”.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow trong 12 năm liên tiếp. Thương mại song phương giữa hai nước đạt mức cao nhất là 147 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35,9% so với năm 2020.

 

Trong khi áp lực của Phương Tây đang gia tăng để ép Bắc Kinh có lập trường rõ ràng chống lại Moscow, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tiếp tục làm ăn với Nga theo quan hệ đối tác chiến lược "không có giới hạn".

Theo chuyên gia kinh tế Zhuang Bo, Mỹ và các đồng minh đang thu thập bằng chứng để áp đặt các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Bắc Kinh có bất kỳ hành động hỗ trợ cho Nga trong cuộc xung đột Ukraine. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ không mạo hiểm vi phạm các lệnh trừng phạt để tham gia vào thị trường Nga.

“Bất kỳ ngân hàng Trung Quốc nào có hoạt động kinh doanh quốc tế đều sẽ không muốn chấp thuận đơn đăng ký tài khoản từ Nga, đặc biệt là tài khoản đa tiền tệ. Có thể một số ngân hàng nhỏ trong nước sẽ phát triển giải pháp thay thế để giao dịch với Nga”, ông nói.

Ông Zhuang nói: “Các công ty không chủ đích tìm cách vi phạm các lệnh trừng phạt. Thay vào đó, họ đang cố gắng tìm cách bí mật để hoạt động đằng sau hậu trường”.

Ông Zhuang cho biết thêm, các công ty nhỏ thuộc sở hữu tư nhân với các phương thức thanh toán và hậu cần linh hoạt có thể tận dụng cơ hội một cách hiệu quả.

Khi được hỏi về vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết: “Trung Quốc, Nga đã và đang hợp tác kinh tế, thương mại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Tuy nhiên, ông Vương không nêu chi tiết cuộc gặp của đại sứ Trương Hán Huy với các doanh nhân Trung Quốc tại Moscow.

Minh Quang

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.