|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ: Ai được, ai mất từ cuộc xung đột Ukraine?

17:26 | 23/03/2022
Chia sẻ
Cuộc xung đột Ukraine vẫn chưa rõ kết quả. Tuy nhiên, lợi ích và mối quan hệ của các cường quốc khu vực và trên thế giới đang được định hình rõ ràng.

Đã gần một tháng trôi qua, cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn và khó có thể biết được bên tham chiến nào sẽ đạt được chiến thắng, cũng như xác định được lợi ích và tổn thất của từng phe. 

Con số thương vong của hai bên vẫn đang gây tranh cãi, khả năng Nga leo thang bằng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân vẫn chưa thể loại trừ.

Tuy nhiên, câu chuyện về lợi ích của những đối thủ khu vực và trên toàn cầu như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Iran lại đang trở nên rõ ràng.

Liên minh châu Âu

EU chịu nhiều thiệt hại bởi những mối quan hệ và thương mại bị cắt đứt với Nga. Thử thách lớn nhất của liên minh kinh tế lớn nhất hành tinh là tìm kiếm được nguồn thay thế cho dầu, khí ga, kim loại và những hàng hóa khác từ Nga.

Mặc dù sẽ có những khó khăn, nhưng việc thay thế nguyên liệu thô từ Nga là khả thi. Thay thế dầu sẽ không tốn quá nhiều thời gian, tuy nhiên khí thiên nhiên của Nga sẽ phức tạp hơn rất nhiều. 

Theo hãng tin RT, mỗi nước trong khối có một mức độ phụ thuộc khác nhau vào Moscow và việc thay thế những hàng hóa này có thể diễn ra trong vài năm.

Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ: Ai được, ai mất từ cuộc chiến tại Ukraine? - Ảnh 1.

Ukraine không nhập khí đốt trực tiếp từ Nga nhưng nhập của những nước mua khí đốt Nga.

EU sẽ phải tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ Ukraine, giúp họ thích nghi và hòa nhập với cộng động. Các quốc gia cần tăng chi tiêu cho những chương trình xã hội, nhưng trong lâu dài, lực lượng lao động sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Liên minh Châu Âu đã có nhiều kinh nghiệm xử lý vấn đề người di cư, đặc biệt là Đức. Khác với người tị nạn từ các nước Hồi Giáo, người Ukraine có văn hóa tương tự, nền giáo dục tốt hơn và không tạo thành những cộng đồng biệt lập.

Vai trò quân sự của EU, đặc biệt là Đức sẽ trở nên quan trọng hơn trong khối NATO. Với ngành công nghiệp quốc phòng tại các quốc gia châu Âu, việc tăng cường chi tiêu mua sắm vũ khí của các chính phủ sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài.

Nga đã trở thành một nhân tố giúp hồi sinh EU, cải thiện kỷ luật nội bộ, bản sắc riêng và củng cố sườn phía Đông của khối.

Mỹ

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, tổn thất của Mỹ là không đáng kể, chỉ là những khó khăn nhỏ trong nước như giá xăng tăng do việc cấm nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, vấn đề chính mà Washington phải đối mặt lại nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương. Với việc phải dàn mỏng lực lượng để bảo vệ Châu Âu, Washington đang tạo cơ hội cho Trung Quốc.

Mỹ cũng lo sợ khả năng cuộc chiến tại Ukraine kéo khối NATO vào, rồi leo thang trở thành chiến tranh hạt nhân. Washington phải vừa kiềm chế Nga nhưng cũng hạn chế gia tăng căng thẳng.

Tuy nhiên, ở những khía cạnh khác, Mỹ đang giành được nhiều lợi ích.

Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ: Ai được, ai mất từ cuộc chiến tại Ukraine? - Ảnh 3.

Mức độ gia tăng đối đầu mới với Moscow đang giúp NATO tăng cường kỷ luật nội bộ và khuyến khích các thành viên châu Âu đóng góp nhiều hơn cho an ninh.

Cả ba đời Tổng thống tiền nhiệm đều không thể khiến cho NATO có mục tiêu chung, vậy mà giờ đây, nhiều khả năng khối quân sự này sẽ còn tiến xa lên Bắc Âu. Thụy Điển và Phần Lan đang xem xét gia nhập. Nếu thành công, sức mạnh của khối quân sự do Mỹ đứng đầu sẽ ảnh hưởng tới cả phía tây bắc của Nga.

Ngành năng lượng Mỹ thu được nhiều lợi ích từ cuộc khủng hoảng. Không lâu nữa, Mỹ sẽ chiếm một phần lớn thị trường năng lượng châu Âu. 

Mỹ cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc ép Nga ra khỏi thị trường vũ khí của thế giới. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn là những khách hàng tiêu thụ vũ khí lớn của Nga, Moscow sẽ khó cạnh tranh hơn ở các thị trường khác do áp lực mạnh mẽ từ Mỹ.

Mỹ đã và đang gặp phải một loạt các vấn đề trong nước. "Yếu tố Nga" có thể giúp cả Quốc hội và xã hội Mỹ lấy lại cảm giác thống nhất và gắn kết.

Trung Quốc

Không giống như EU và Mỹ, Trung Quốc sẽ mất rất ít do cuộc khủng hoảng hiện nay. Áp lực quân sự và chính trị của Washington đối với Bắc Kinh đang giảm dần.

Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ: Ai được, ai mất từ cuộc chiến tại Ukraine? - Ảnh 4.

Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh, ngày 4/2/2022. (Ảnh: Reuters).

Với một loạt các biện pháp trừng phạt chống Nga hiện đang được áp dụng, Trung Quốc có thể chiếm được một thị phần đáng kể tại Nga, hiện đã bị Phương Tây bỏ trống. Mặc dù phải vượt qua những rào cản về cơ sở hạ tầng và hậu cần, nhưng các nguồn năng lượng của Nga sẽ trở nên dễ tiếp cận với giá cả thấp hơn.

Hơn nữa, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác tài chính quan trọng của Nga - một quan hệ mà Trung Quốc có nhiều lợi thế.

Từ trường hợp của Nga, Bắc Kinh sẽ tăng cường tự chủ kinh tế và tài chính để chống lại những nguy cơ từ Phương Tây. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc sẽ khó mà trở thành đồng minh thân thiết về cả chính trị và quân sự. Những hành động gần đây cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng giữ khoảng cách và linh hoạt nhất có thể.

Nhật Bản, Ấn Độ và các nước bị cấm vận

Trong ngắn hạn, Nhật Bản sẽ phải chịu thiệt hại lớn. Cơ hội về một hiệp ước hòa bình với Nga ngày càng trở nên mong manh.

Những ảnh hưởng từ việc rút khỏi thị trường và tìm kiếm nguồn thay thế cho hàng hóa từ Nga sẽ không phải vấn đề quá lớn với Tokyo. Tương tự như Đức, rất có thể Nhật sẽ xem xét lại mô hình an ninh quốc gia hậu Thế chiến 2.

Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ: Ai được, ai mất từ cuộc chiến tại Ukraine? - Ảnh 5.

Hòn đảo thuộc quần đảo Kuril do Nga kiểm soát và được gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản. (Nguồn: TASS).

Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. New Delhi vẫn sẽ duy trì đối thoại và hợp tác quân sự, kỹ thuật với Nga. Dù vậy, các doanh nghiệp quốc phòng Phương Tây có thể tìm thấy nhiều cơ hội hơn tại thị trường Ấn Độ.

Venezuela và Iran, hai quốc gia giàu tài nguyên, đang phải chịu ảnh hưởng từ những lệnh cấm vận có thể hưởng lợi từ cuộc chiến tại Ukraine. Mỹ và Phương Tây có thể dỡ bỏ một số lệnh cấm vận để đổi lấy nguồn cung dầu mỏ.

Những lệnh trừng phạt áp dụng lên Venezuela đơn thuần chỉ do sự khác biệt về tư tưởng, chính trị. Dầu thô nặng của Venezuela có thể thay cho dầu từ Nga tại thị trường Mỹ, trong khi Chính phủ của Tổng thống Maduro nhận được ngoại tệ để giải quyết những vấn đề trong nước.

Với Iran, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn do các thỏa thuận hạt nhân liên quan tới nhiều bên, trong đó có cả Nga. Về mặt lý thuyết, Mỹ có thể để Iran bán dầu trên thị trường quốc tế mà không cần đến thỏa thuận hạt nhân. Vấn đề đối với Mỹ là Tehran sẽ củng cố vị thế đàm phán, và dẫn đến áp lực từ các đảng viên Cộng hòa, những người chống lại các thỏa thuận với Iran.

Việc nới lỏng các lệnh cấm vận cũng sẽ ngăn các quốc gia bị trừng phạt thành lập một liên minh bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Venezuela. Trung Quốc vẫn sẽ giao dịch cùng ba nước còn lại, nhưng tránh không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Phương Tây.

Minh Quang