Nga tạo khủng hoảng người tị nạn để làm khổ châu Âu?
Vũ khí “người tị nạn”
Cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang tuần thứ 3, khi mà quân đội Nga hùng mạnh dường như gặp khó khăn, thậm chí là “sa lầy”. Nhiều chuyên gia quân sự hướng sự chú ý đến các vấn đề như hậu cần, sĩ khí hay sự chống trả quyết liệt của quân đội Ukraine.
Các thành phố lớn của Ukraine đều trong trạng thái bị vây hãm, tuy nhiên sau đó Nga lại đôi lúc đưa ra những thỏa thuận đơn phương ngừng bắn và dừng việc tấn công. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao Nga không tấn công nhanh và mạnh hơn?
- TIN LIÊN QUAN
-
Thất bại của Nga trong việc giành ưu thế trên bầu trời Ukraine 01/03/2022 - 17:33
Một giả thiết là Nga đang chủ đích câu giờ, tạo điều kiện cho người dân Ukraine rời khỏi các thành phố lớn, đi sang các nước châu Âu. Với Moscow, việc người tị nạn chạy sang các nước châu Âu như là "một mũi tên trúng hai đích".
Thứ nhất, con số lớn những người tị nạn từ Ukraine sẽ tạo ra bất ổn kinh tế, chính trị tại châu Âu, khi mà châu lục này vừa thoát khỏi ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID và đang phải gồng mình chống lại giá năng lượng và lương thực tăng cao.
Thứ hai, dòng người tị nạn được ước tính sẽ lên tới hơn 10% dân số Ukraine, đa số ở miền Tây. Khi kết thúc xung đột, việc dựng lên một chính quyền thân Nga sẽ dễ dàng hơn nếu người Ukraine đã rời bớt đi. Những người gốc Nga ở miền Đông sẽ trở thành đa số trong phân bố nhân khẩu học của Ukraine.
Hiện nay, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), số dân thường rời Ukraine tính đến ngày 15/3/2022 là 3 triệu người. Trung bình, mỗi ngày có khoảng gần 200.000 người đi khỏi Ukraine.
UNHCR tuyên bố khủng hoảng tại Ukraine là Mức 3 – mức cao nhất trong thang đo của tổ chức này. Các nước có đường biên giới với Ukraine như Ba Lan, Belarus, Slovakia, Hungary sẽ phải đón nhận một lượng lớn người tị nạn.
Chỉ riêng Ba Lan, tính tới ngày 15/3, đã tiếp nhận tới 1,9 triệu dân Ukraine. Thủ đô Warsaw tiếp nhận 200.000 người, tương đương với 10% dân số toàn thành phố. Hàng nghìn người vẫn tiếp tục đến hàng ngày.
Thị trưởng thành phố đã phải lên tiếng: “Cả thành phố lẫn chính phủ đều không thể đối phó nổi với làn sóng người tị nạn từ Ukraine”.
Theo Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell, dự kiến sẽ có tới 5 triệu người rời Ukraine nếu Nga tiếp tục leo thang chiến sự.
Ông nói với phóng viên trong một hội nghị tại Montpellier, Pháp: “Chúng ta phải chuẩn bị để nhận khoảng 5 triệu người… Chúng ta phải huy động toàn bộ nguồn lực của châu Âu để giúp đỡ”.
“Chúng ta sẽ cần thêm trường học, trung tâm tiếp nhận, tất cả mọi thứ”, ông Borrell nói thêm.
Cú sốc hay lợi ích kinh tế?
Quay lại khoảng năm 2015, châu Âu dậy sóng về thảm họa nhân đạo liên quan đến người tị nạn từ Syria. Hàng triệu người từ các nước Trung Đông như Syria, Afghanistan, Nigeria, Pakistan … di chuyển bằng tàu thuyền thô sơ hoặc đường bộ thông qua nhiều biên giới quốc gia để tới được miền đất hứa châu Âu, thoát khỏi thảm cảnh chiến tranh ở quê nhà.
Chỉ tính riêng quốc tịch Syria, các nước châu Âu đã tiếp nhận lên tới hơn một triệu người trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Trong đó, quốc gia tiếp nhận người tị nạn từ Syria nhiều nhất là Đức, với số lượng khoảng 600.000 người.
Theo số liệu năm 2019, để đón khoảng 1,2 triệu người tị nạn, nước Đức đã phải chi tới 25 tỷ USD cho các chi phí như: tiếp nhận, nơi ở, hòa nhập với xã hội và giải quyết công ăn việc làm. Tính trung bình, mỗi người tị nạn tiêu tốn ngân sách của Đức khoảng 20.000 USD một năm.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (thực hiện năm 2015) cho thấy, trong ngắn hạn, người di cư gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tùy thuộc vào khả năng hòa nhập của nhóm người này với cộng đồng mà thiệt hại sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, với số lượng người tị nạn quá lớn như trong trường hợp của Ukraine, cộng thêm điều kiện khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, có thể những tính toán này sẽ không còn chính xác nữa.
Trong trường hợp xấu nhất, Đức có thể hứng chịu cú sốc khiến GDP giảm tới 1,5% trong năm thứ 2 và tác động kéo dài tới 10 năm tiếp theo.
Trong dài hạn, khi nhóm người di cư được hòa nhập và trở thành một bộ phận của quốc gia tiếp nhận, lợi ích kinh tế mang lại sẽ khá cao, khoảng từ 0,5 đến 1,5% GDP theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Đức.
Sự tăng trưởng này có được từ việc tăng thêm lực lượng lao động, tăng chi tiêu, đặc biệt với các quốc gia có dân số già như Đức.
Liệu có kịp gặt hái lợi ích lâu dài?
Các nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Đức được xuất bản trong khoảng thời gian 2015 - 2019, thời điểm kinh tế toàn cầu còn khá ổn định.
Giờ đây, khi nền kinh tế vừa vực dậy sau hai năm chiến đấu với dịch bệnh COVID, vừa đối mặt với khủng hoảng năng lượng, lương thực trầm trọng thì có thể người tị nạn sẽ là “cú đấm” vào nền kinh tế châu Âu.
Liên minh Châu Âu vừa đưa ra gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 550 triệu USD, nhưng nhiều khả năng sẽ cần phải chi tiêu thêm. Nhà kinh tế Claus Vistesen tại Pantheon Macroeconomics trả lời The New York Times: "Các chính phủ châu Âu sẽ rỗng túi".
Ông nói thêm: "Lạm phát sẽ tăng rất, rất nhiều". Nhu cầu tăng đột xuất của nhà ở, nhiên liệu, lương thực, chăm sóc sức khỏe sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Trước đây, châu Âu đã từng chia rẽ vì vấn đề chấp nhận người tị nạn, và khủng hoảng tại Ukraine sẽ ngày càng làm rạn nứt thêm mối quan hệ giữa các nước.
Số lượng người tị nạn được ước tính di chuyển sang các nước châu Âu sẽ cao hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng Syria. Các quốc gia tiếp nhận những người tị nạn đầu tiên lại là những nước nghèo thuộc châu Âu. Với nền kinh tế của Ba Lan, việc phải tiếp nhận tới gần 2 triệu người tị nạn sẽ là một thử thách vô cùng khó khăn.
Trình độ và năng lực của người dân Ukraine sẽ dễ thích nghi và hòa nhập với xã hội châu Âu hơn so với người tị nạn từ khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, đa số những người Ukraine chạy sang châu Âu là phụ nữ, trẻ em và người già. Khả năng nhóm người này đóng góp vào lực lượng lao động trong tương lai sẽ hạn chế.
Hai thái độ
So với khủng hoảng Syria, châu Âu tỏ rõ thái độ sẵn sàng nhận tiếp nhận những người Ukraine. Có thể đây là một quyết định mang tính chính trị cao, thể hiện quyết tâm của toàn châu Âu để đoàn kết, bảo vệ những người yếu thế, bảo vệ đồng minh.
- TIN LIÊN QUAN
-
Không có 'đường cao tốc' để Ukraine gia nhập EU: Những nước nào phản đối? 14/03/2022 - 07:24
Nhưng hành động tiếp nhận người Ukraine cũng có thể vì mục đích kinh tế. Khác với người tị nạn có nguồn gốc từ Trung Đông, khác biệt sắc tộc, tôn giáo, văn hóa … thì người Ukraine khá có nhiều nét tương đồng với phần còn lại châu Âu.
Mặc dù nền kinh tế của Ukraine tương đối nghèo, nhưng các chỉ số về phát triển con người, nền giáo dục có thể coi là phù hợp với các nước phương Tây. Việc hòa nhập nhóm người tị nạn từ Ukraine sẽ có phần dễ dàng hơn.