|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc tăng thêm gánh nặng cho kinh tế toàn cầu giữa lúc chiến sự căng thẳng

16:00 | 16/03/2022
Chia sẻ
Việc các trung tâm sản xuất của Trung Quốc như Thâm Quyến phải đóng cửa do dịch bệnh bùng phát có thể gây gián đoạn lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay giữa lúc chiến sự giữa Nga và Ukraine đang khá căng thẳng.
Cuộc chiến chống COVID-19 của Trung Quốc sắp giáng thêm đòn mới vào kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chụp ảnh sau khi tiễn các bệnh nhân được chữa khỏi tại bệnh viện ở Vũ Hán, tháng 3/2020. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Khó khăn chồng chất

Nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải vật lộn với ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine, giờ lại phải gồng mình trước nguy cơ gián đoạn mới khi Trung Quốc dồn sức khống chế đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Kể từ COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán hai năm trước, Trung Quốc đã tương đối thành công trong việc giảm thiểu cú sốc kinh tế nhờ kiểm soát các ca nhiễm một cách nhanh chóng.

Song, giờ đây, số lượng các ca nhiễm mới tăng cao và khả năng dễ lây lan của chủng Omicrom đang thách thức chiến lược chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc. Dù chỉ phát hiện một vài ca bệnh, Trung Quốc sẵn sàng phong tỏa cả một thành phố hoặc toàn tỉnh.

Cuộc chiến chống COVID-19 của Trung Quốc sắp giáng thêm đòn mới vào kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Nếu Bắc Kinh thất bại trong việc khống chế biến chủng Omicron, các hạn chế đi lại tiếp theo sẽ làm trật hướng khởi đầu đầy hứa hẹn của nền kinh tế Trung Quốc, qua đó làm suy yếu một trụ cột quan trọng của tăng trưởng toàn cầu.

Trung Quốc là công xưởng của thế giới nên bất kỳ sự gián đoạn nào tới xuất khẩu của nước này cũng có thể gây thiếu hụt nguồn hàng và kéo lạm phát toàn cầu đi lên.

Gần đây, Bank of America đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với các nhà quản lý quỹ. Kết quả cho thấy niềm tin vào tăng trưởng toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2008. Mặt khác, dự đoán về lạm phát đình trệ nhảy vọt lên 62%.

Ông Jay Bryson, kinh tế trưởng tại Wells Fargo, ví von: "Cộng dồn tất cả những vết thương nhỏ lại với nhau, bạn có thể thấy nền kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ chững lại đáng kể".

Mức độ rủi ro sẽ phụ thuộc vào khả năng kiềm chế dịch bệnh của Trung Quốc. Hôm 14/3, Trung Quốc lần đầu báo cáo hơn 5.000 ca nhiễm mới trong ngày kể từ những ngày đầu của đại dịch. Tuy so với thế giới thì đây chỉ là đợt bùng phát dịch nhỏ, nhưng với Trung Quốc thì nó đủ tồi tệ để các quan chức vội vã phong tỏa nhiều thành phố. Hơn 45 triệu người ở Trung Quốc đang bị hạn chế rời khỏi nhà.

Cuộc chiến chống COVID-19 của Trung Quốc sắp giáng thêm đòn mới vào kinh tế thế giới - Ảnh 4.

Hơn 17,5 triệu dân Thâm Quyến đã phải ở yên trong nhà ít nhất một tuần, bắt đầu từ ngày 13/3. Thành phố Thâm Quyến nằm tại tỉnh Quảng Đông - trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc.

Theo Bloomberg Economics, Quảng Đông chiếm đến 11% sản lượng kinh tế của đất nước tỷ dân. Năm 2021, lượng hàng xuất khẩu trị giá 795 tỷ USD của tỉnh này chiếm đến 23% đơn hàng của Trung Quốc, cao hơn bất kỳ tỉnh nào khác.

Bloomberg Economics cảnh báo rằng các hạn chế đi lại ở Thâm Quyến có thể trở thành cú đánh nặng nề nhất vào tăng trưởng kinh tế kể từ đợt phong tỏa toàn quốc của Trung Quốc năm 2020. Cuộc phong tỏa mới cũng có nguy cơ gây ra cú sốc về nguồn cung trên toàn thế giới.

Morgan Stanley đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 xuống còn 5,1%, thấp hơn mục tiêu của Bắc Kinh là khoảng 5,5%.

Đến ngày 14/3, cư dân ở tỉnh Cát Lâm bị yêu cầu không rời đi hay di chuyển. Khu vực 24 triệu dân này là nhà của Trường Xuân, trung tâm công nghiệp tạo ra khoảng 11% tổng sản lượng ô tô của Trung Quốc vào năm 2020.

Khuếch đại rủi ro

Các nhà sản xuất lớn đã nhanh chóng cảm nhận vấn đề mới. Hon Hai Precision, nhà cung ứng hàng đầu cho Apple, đã ngừng sản xuất tại các cơ sở ở Thâm Quyến. Hãng xe Volkswagen và Toyota ra thông báo tương tự và ngừng một số hoạt động tại tỉnh Cát Lâm.

Ông Tuuli McCully, trưởng bộ phận kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Scotiabank cảnh báo: "Do Trung Quốc là trung tâm sản xuất lớn và là một trong những liên kết quan trọng nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách Zero COVID của nước này có thể tạo ra tác động lan tỏa đáng kể đến hoạt động của các đối tác thương mại và nền kinh tế thế giới".

Dữ liệu ngày 15/3 cho thấy kinh tế Trung Quốc đã phục hồi vững vàng trong tháng 1 và 2, được dẫn dắt bởi chi tiêu hộ gia đình mạnh mẽ và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Cuộc chiến chống COVID-19 của Trung Quốc sắp giáng thêm đòn mới vào kinh tế thế giới - Ảnh 5.

Lưu ý: Số liệu tháng 1 và 2 được gộp lại.

Nhưng các nhà kinh tế lưu ý rằng số liệu trên không phản ánh được tương lai do tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ cuối tháng 2. Phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng nói rằng các lệnh phong tỏa cũng như áp lực từ chi phí tăng cao và nguy cơ gián đoạn có thể đè nặng lên tăng trưởng.

Tình trạng tắc nghẽn đang bắt đầu trở nên nghiêm trọng tại một số cảng của Trung Quốc, điều này có thể khiến giá cước vận tải container tăng trở lại. Người phát ngôn của cảng Los Angeles ước tính rằng khoảng 20% lượng hàng hóa đến các cửa khẩu container nhộn nhịp nhất ở Mỹ là từ Thâm Quyến.

Bà Stephanie Loomis, Phó Chủ tịch công ty giao nhận hàng hóa CargoTrans, đánh giá tác động toàn cầu từ chính sách phong tỏa của Trung Quốc có thể tương tự như khi tàu Evergrande chặn kênh đào Suez hồi năm ngoái.

Bà Loomis nhấn mạnh: "Nếu Trung Quốc không để công nhân đến nhà máy và sản xuất hàng hóa, thì sẽ không có gì được giao đi cả. Giao thương sẽ ngừng lại".

Ông Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, chia sẻ: "Các đợt bùng phát dịch bệnh gây ra rủi ro suy giảm cho nền kinh tế Trung Quốc ít nhất là trong vài tháng tới. Sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ lạm phát đình trệ và các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu".

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.