|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ lãnh đủ nếu giúp Nga trong chiến sự tại Ukraine

08:52 | 14/03/2022
Chia sẻ
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo Bắc Kinh "chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả" nếu giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt. Các quan chức giấu tên cho biết Nga đã nhờ Trung Quốc hỗ trợ cả về quân sự lẫn kinh tế.
Mỹ đe dọa giáng hậu quả nếu Trung Quốc nhận lời trợ giúp Nga trong chiến sự tại Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp 38 lần với tư cách nguyên thủ quốc gia. (Ảnh: Greg Baker/ New York Times).

Nga nhờ vả Trung Quốc

Các quan chức Mỹ cho biết Nga đã đề nghị Trung Quốc cung cấp thiết bị và hỗ trợ quân sự cho xung đột tại Ukraine sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công vào tháng trước. Nga cũng nhờ Trung Quốc hỗ trợ kinh tế bổ sung để giúp chống lại tác động từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và cùng các đồng minh áp đặt.

Quan chức Mỹ từ chối tiết lộ rõ hơn loại vũ khí hay sự giúp đỡ mà Moscow mong muốn và phản ứng của Trung Quốc trước những yêu cầu này.

Theo tờ New York Times, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn đang đứng về phía ông Putin khi chiến sự tại Ukraine leo thang. Mỹ đang theo dõi Trung Quốc sát sao để xem liệu Bắc Kinh có đáp ứng bất kỳ yêu cầu trợ giúp nào từ phía Nga hay không.

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng sẽ có buổi gặp mặt ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại trung ương Trung Quốc tại Rome ngày 14/3.

Ông Sullivan dự định cảnh báo ông Dương về bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm tiếp sức cho Nga hay gây tổn hại cho Ukraine, Mỹ và các đối tác.

Ông Sullivan nói trên CNN ngày 13/3: "Chúng tôi đang trao đổi trực tiếp, riêng tư với Bắc Kinh rằng các nỗ lực né tránh lệnh trừng phạt trên quy mô lớn hoặc giúp đỡ Nga chống chọi với biện pháp cấm vận chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả".

"Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó thành hiện thực và không để bất kỳ quốc gia nào đưa cho Nga phao cứu sinh thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế".

Ông Sullivan không đề cập rõ ràng đến khả năng hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc. Nhưng các quan chức Mỹ giấu tên khác đã tiết lộ về yêu cầu mà Nga gửi đến Bắc Kinh. 

Ông Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington khẳng định ông chưa từng nghe về yêu cầu từ Nga. Ông Liu nói: "Tình hình hiện tại ở Ukraine thực sự rất đáng ngại. Ưu tiên bây giờ là ngăn tình huống căng thẳng leo thang hoặc trở nên mất kiểm soát". Ông nói thêm rằng Bắc Kinh muốn các bên đạt được thỏa thuận hòa bình.

Ông Tập đang "lo lắng"?

Chính quyền Biden đang tìm cách vạch rõ cho Trung Quốc thấy hậu quả của việc liên kết với Nga và những hình phạt nước này sẽ phải chịu nếu tiếp tục hoặc tăng cường hỗ trợ. Một số quan chức Mỹ cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có thể bằng lòng với việc hỗ trợ bằng lời cho Moscow và không muốn bị dồn sâu hơn vào thế khó cùng ông Putin.

Ông Sullivan nói rằng Trung Quốc "đã biết trước khi chiến sự nổ ra rằng Vladimir Putin đang mưu đồ điều gì đó", nhưng có thể không biết rõ quy mô kế hoạch của tổng thống Nga.

"Rất có thể Putin đã nói dối các nhà lãnh đạo Trung Quốc, giống như cách ông ta nói dối với phía châu Âu và các nước khác", ông Sullivan ra giả thuyết.

Theo truyền thống, Trung Quốc là người mua thiết bị quân sự từ Nga chứ không phải ngược lại. Nga đã tăng cường bán vũ khí cho Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhưng Trung Quốc có các tên lửa và máy bay không người lái tiên tiến mà Nga có thể sử dụng trong chiến dịch tại Ukraine, tờ New York Times cho biết. 

Ukraine nói hôm 13/3 rằng Nga đã phóng tên lửa vào bãi tập quân sự ở miền tây nước này, khiến 35 người thiệt mạng. Tuy nhiên, các nhà phân tích độc lập cho biết đã có một số bằng chứng cho thấy nguồn cung tên lửa của Nga đang cạn.

Các quan chức tiền nhiệm và đương nhiệm đều nói rằng cuộc họp tại Rome ngày 14/3 rất quan trọng do khả năng Nga và Trung Quốc liên kết địa chính trị chống lại Mỹ và các đồng minh trong tương lai.

Ông Evan Medeiros, cựu Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời chính quyền Obama nhận xét: "Cuộc họp này rất quan trọng và có thể là một thời điểm quyết định mối quan hệ Mỹ-Trung".

"Tôi nghĩ Mỹ sẽ vạch ra cái giá và hậu quả với Trung Quốc trong việc bắt tay với Nga và thậm chí là cho phép cuộc tấn công của Nga diễn ra tại Ukraine. Tôi không nghĩ bất cứ ai trong chính quyền Biden có ảo tưởng rằng Mỹ có thể kéo Trung Quốc rời xa Nga".

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Giám đốc CIA William J. Burns tuyên bố ông tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang "lo lắng" về chiến sự tại Ukraine.

Tuần trước, ông Tập lặp lại quan điểm thường thấy của Trung Quốc về khủng hoảng Ukraine trong cuộc gọi video với các nguyên thủ Pháp và Đức. Ông kêu gọi mọi quốc gia thể hiện "sự kiềm chế tối đa" và rằng Trung Quốc "vô cùng đau buồn khi chiến tranh một lần nữa bùng nổ trên lục địa châu Âu", nhưng không nói Nga đã khơi mào cuộc chiến.

Các quan chức Mỹ và châu Âu nhận định doanh nghiệp lớn của Trung Quốc rất có thể sẽ tránh công khai vi phạm lệnh cấm về Nga do lo sợ gây hại đến thương mại toàn cầu.

Hôm 10/3, một số bài báo Nga đã đặt câu hỏi về cam kết của Trung Quốc với Nga sau khi các hãng truyền thông đưa tin rằng Trung Quốc từ chối gửi linh kiện máy bay cho nước này.

Nga có tương đối ít đồng minh hay bạn bè. Các quan chức Mỹ cho biết việc Nga tiếp cận các đối tác là dấu hiệu cho thấy những khó khăn mà nước này đang gặp phải khi cố gắng khuất phục Ukraine.

Khi Mỹ và châu Âu gia tăng áp lực và các biện pháp trừng phạt, Moscow đã tìm kiếm thêm sự giúp đỡ. Belarus đã cố gắng giúp Moscow né tránh trừng phạt, khiến Liên minh châu Âu (EU) cắt đứt một số ngân hàng Belarus khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Tổng thống Syria tuyên bố ủng hộ chiến dịch quân sự của Moscow. Theo Lầu Năm Góc, Nga đã cố gắng chiêu mộ các chiến binh Syria tham gia vào chiến sự ở Ukraine.

Giang