Giá dầu vừa hạ nhiệt nhưng hiểm họa 'lạm phát đình trệ' chưa dứt
Hàng hóa tăng sốc chưa là tất cả
Ông Andy Lipow, Giám đốc của hãng tư vấn Lipow Oil Associates, cho biết nếu Nga trả đũa phương Tây bằng cách từ chối cung cấp dầu thô cho châu Âu, điều đó có thể "dễ dàng" khiến giá dầu tăng thêm từ 20 đến 30 USD/thùng và dẫn đến suy thoái kinh tế ở một số khu vực.
Trước đó, Moscow đã đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho lục địa già qua đường ống Nord Stream 1 nếu các cường quốc phương Tây nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng của nước này.
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu thô, khí đốt và các sản phẩm năng lượng khác của Nga, giá dầu thô tại Mỹ đã có thời điểm giao dịch trên 128 USD/thùng.
Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo sẽ sớm loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga. Trong những tuần gần đây, giá dầu thô đã tăng đột biến lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008.
Trong đêm qua (theo giờ Việt Nam), giá dầu đã đột ngột tụt 12% xuống còn khoảng 111 USD/thùng sau khi UAE phát tín hiệu ủng hộ tăng sản lượng. Song, đến sáng nay, giá dầu thô đã phục hồi trở lại.
Bất kỳ động thái leo thang căng thẳng nào tại Đông Âu trong thời gian tới đều có thể trở thành ngòi nổ cho thị trường năng lượng tăng nóng, bất chấp nỗ lực hạ nhiệt giá cả của chính phủ phương Tây.
Chia sẻ với CNBC, ông Lipow nói: "Nỗi sợ lớn nhất của tôi là giá hàng hóa tăng quá nhanh, đến mức có thể gây ra suy thoái ở châu Âu và châu Mỹ Latin, sau đó lan sang tới Mỹ và cuối cùng ảnh hưởng đến năng lực buôn bán hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc cho cả thế giới".
Tình trạng lạm phát cao đột biến, trong khi kinh tế rơi vào suy thoái được gọi là lạm phát đình trệ (stagflation). Trong những năm 1970, thế giới đã từng trải qua cú sốc này.
Khi đề cập đến lạm phát đình trệ, có một số dấu hiệu nhận biết như giá dầu thô tăng cao, lạm phát tăng nóng, thất nghiệp tràn lan và suy thoái kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế thế giới dường như đang hội tụ đủ các yếu tố trên.
Theo thống kê từ Goldman Sachs, tính hết năm 2021, Nga hiện cung ứng khoảng 11% lượng dầu thô tiêu thụ trên toàn cầu, 17% lượng khí đốt toàn cầu và 40% lượng khí đốt tiêu thụ của khu vực Tây Âu.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu khí Nga ở tất cả nước tiêu thụ lớn sẽ "làm giảm nghiêm trọng và gây gián đoạn nguồn cung năng lượng", kéo giá đi sâu vào "vùng lãnh thổ chưa ai biết đến", bà Caroline Bain - chuyên gia kinh tế hàng hóa chính tại Capital Economics, nhận định.
"Lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức khoảng 5% vào cuối năm nay, tăng gấp đôi so với dự báo trước cuộc tấn công là 2,4%. Tác động của việc chi tiêu hộ gia đình sụt giảm và thiếu hụt năng lượng ở châu Âu sẽ đẩy khu vực đồng euro vào suy thoái", bà Bain cảnh báo.
"Kẻ bị thế giới ruồng bỏ"
Về lý thuyết, dòng chảy dầu thô có thể định hình lại để giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung ở phương Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này không hiệu quả, kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs cho hay.
"Nếu các nước phương Tây mua ít dầu thô của Nga hơn, về nguyên tắc, Trung Quốc và Ấn Độ có thể tranh thủ nhập khẩu thêm sản phẩm của Nga và giảm bớt lượng hàng của Arab Saudi cũng như các nhà cung ứng khác. Thế thì, số dầu của Arab Saudi có thể chảy sang phương Tây", ông Hatzius lập luận.
"Song, việc định hình lại dòng chảy này tồn tại lỗ hổng, không chỉ vì chi phí vận chuyển dầu thô và các vấn đề kỹ thuật sẽ tăng lên mà còn vì Trung Quốc và Ấn Độ có thể không muốn mua thêm dầu của Nga vào thời điểm mà Moscow đang là một kẻ bị thế giới ruồng bỏ", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Phản ánh những lo ngại trên của ông Hatzius, giá dầu đã tăng hơn 20 USD/thùng kể từ đầu năm và Goldman Sachs nhận thấy tiềm năng tăng cao hơn. Ông Hatzius nói đại gia ngân hàng Mỹ ước tính nếu giá dầu thô "tăng bền vững 20 USD" thì GDP của khu vực đồng euro sẽ mất 0,6% và gây hại đến chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng.
Trao đổi với CNBC, ông Matt Smith, chuyên gia phân tích dầu mỏ hàng đầu tại hãng Kpler, cho biết "các biện pháp tự trừng phạt" sẽ làm trầm trọng thêm áp lực trên thị trường năng lượng.
"Trước khi lệnh cấm vận dầu thô của Washington được công bố, tôi nghĩ rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tính đến việc mua thêm sản phẩm năng lượng của Nga", ông Smith nói. Vị chuyên gia đã đề cập đến Shell.
Sau khi bị lộ việc mua hàng trăm nghìn tấn dầu thô Nga được giảm giá, Shell đã hứng chịu chỉ trích nặng nề. Sau đó, gã khổng lồ dầu khí Mỹ phải đưa ra lời xin lỗi và thông báo ngừng mọi đơn hàng từ Nga.
Ông Smith cho biết: "Tôi nghĩ các lệnh trừng phạt đang có hiệu quả. Chúng tôi thấy hoạt động mua bán dầu đang khựng lại".