Dự đoán 5 kết cục cho xung đột Nga - Ukraine: 'Từ dữ hóa lành' hay thiệt hại cả đôi bên?
Chiến sự giữa hai nước Liên Xô cũ đã bước sang tuần thứ hai, người dân và quân đội Ukraine vẫn đang quả cảm chống lại binh lính Nga. Song, trong bối cảnh Ukraine bị tấn công ngang dọc như hiện nay, các chuyên gia tin rằng việc nước này bị áp đảo bởi sức mạnh quân sự của Moscow chỉ còn là vấn đề thời gian.
Giới chiến lược gia cảnh báo, những gì diễn ra tiếp theo đối với Ukraine có thể sẽ rất ảm đạm, trong đó khá nhiều người dự đoán cuộc xung đột sẽ kéo dài hơn dự kiến.
Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, rằng Nga rút quân và Ukraine vẫn là một quốc gia có chủ quyền, châu Âu vẫn khó có thể quay về hiện trạng trước chiến sự.
CNBC đã nghiên cứu một số kịch bản tiềm tàng có thể xảy đến với Ukraine, cụ thể như sau:
1. Nga kiểm soát cục bộ Ukraine
Những người theo dõi sát cuộc chiến Nga - Ukraine nói tính chất thay đổi nhanh chóng của cuộc xung đột khiến mọi người rất khó phán đoán điều gì có thể xảy ra tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng Tổng thống Vladimir Putin muốn thiết lập một chính phủ thân Nga tại Kiev.
Điều đó xảy ra như thế nào và khi nào (và nếu có) thì rất khó đoán, nhưng kịch bản cơ bản của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group trong ba tháng tới là Nga sẽ "giành quyền kiểm soát cục bộ ở Ukraine và lập nên chính phủ bù nhìn do Moscow hậu thuẫn", đồng thời quân Nga sẽ chiếm được Kiev sau một cuộc bao vây kéo dài.
Chủ tịch Cliff Kupchan và các đồng nghiệp tại Eurasia nói thêm rằng "tàn dư của chính quyền Ukraine hiện nay" sẽ dẫn dắt đất nước từ thành phố Lviv và có thể nhận được "hỗ trợ tích cực từ phương Tây".
Eurasia còn nhận định, dòng người tị nạn từ Ukraine qua các nước Tây Âu có thể đạt khoảng 5 đến 10 triệu người.
2. Thanh trừng và phân vùng
Một số nhà phân tích cho rằng nếu Nga kiểm soát cục bộ Ukraine, Điện Kremlin của ông Putin có thể sẽ tính tới việc phân chia nước láng giềng thành nhiều vùng, đặc biệt là khi quân Nga đã cố thủ vững chắc ở miền đông Ukraine, nhất là hai vùng Donetsk và Luhansk (tức Donbass).
Bình luận trên tờ Atlantic Council, ông Taras Kuzio, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Henry Jackson, nói Moscow đã hàm ý rằng họ đang muốn "kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine, sau đó là phân vùng nước này và thanh trừng dân thường".
"Mục tiêu rõ ràng của ông Putin là xóa bỏ mọi dấu vết về bản sắc của người dân Ukraine…Tầm nhìn đen tối này phù hợp với các mục tiêu mà ông Putin từng nêu khi tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cũng như với thái độ khinh miệt và thù địch của ông chủ Điện Kremlin dành cho nhà nước Kiev", ông Kuzio nhấn mạnh.
Nhiều người đặt câu hỏi là ai có thể lãnh đạo một chính phủ trung thành với Nga ở Ukraine. Nhà nghiên cứu Kuzio cho biết có suy đoán về việc Moscow đang tìm cách đưa cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych trở lại nắm quyền.
Vị chuyên gia lưu ý: "Điều này hoàn toàn tương quan với tuyên truyền của Điện Kremlin. Trong 8 năm qua, Nga luôn khăng khăng rằng ông Yanukovych đã bị lật đổ một cách bất hợp pháp sau một cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn".
3. Dân Ukraine nổi dậy
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng người dân Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu. Do đó, xung đột quân sự có thể trở thành một cuộc nổi dậy, những người Ukraine còn ở lại quê nhà sẽ bằng mọi giá đứng lên lật đổ bất kỳ chính phủ bù nhìn nào.
Những người theo dõi sát sao chiến sự như ông Tim Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại hãng quản lý tài sản BlueBay Asset Management, nói rằng Nga có khả năng phải đối mặt với một cuộc chiến kéo dài, tốn kém và đau đớn với Ukraine.
"Giả sử ông Putin thắng trong cuộc chiến quân sự, câu hỏi trị giá nghìn tỷ USD là làm thế nào ông ta giành được hòa bình ở Ukraine. Người dân Ukraine đã có 30 năm tự do…làm sao ông Putin có thể đưa nước láng giềng quay về năm 1991 [thời điểm Liên Xô sụp đổ]", ông Ash lập luận.
"Người Ukraine sẽ kháng cự, ngay cả khi chiến sự giữa hai bên chính thức kết thúc. Tin tức và mạng internet sẽ phơi bày sự tàn bạo của ông Putin cho tất cả cùng thấy", vị chuyên gia tiếp tục.
Tất nhiên, có khả năng là cuộc nổi dậy của công chúng Ukraine không gây ra thách thức nào đáng kể đối với quân đội Nga, vì suy cho cùng họ chỉ là dân thường được trang bị vũ trang và huấn luyện rất gấp rút.
Một số nhà phân tích khác lại cảnh báo về một "vũng lầy", khi các bên không tìm thấy giải pháp dễ dàng nào cho một Ukraine đã bị tàn phá nặng nề hoặc một nước Nga gặp phải lực cản từ những người dân địa phương không ngừng chống đối.
Ở kịch bản này, các chiến lược gia của Scowcroft Center for Strategy and Security nói chiến thắng của Nga tại Ukraine là kiểu không đáng để đánh đổi vì Moscow phải mất rất nhiều để đạt được (lịch sử gọi đây là chiến thắng Pyrrhic).
Khi đó, Nga sẽ chịu "thiệt hại đáng kể, liên tục về nhân lực và tài chính" vì nước này phải dành nhiều nguồn lực trong thời gian dài hơn so với dự tính để kiểm soát hoàn toàn Ukraine.
4. NATO đối đầu Nga
NATO đã nhiều lần từ chối can thiệp trực tiếp vào chiến sự tại Ukraine vì làm như vậy có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga. Trước đó, Điện Kremlin đã cảnh báo bất kỳ ai can thiệp vào "chiến dịch quân sự đặc biệt" của họ sẽ hứng chịu hậu quả không thể lường trước.
Các quốc gia ở sườn phía đông của EU (và NATO) như Ba Lan, Romania,…đang cực kỳ lo lắng về khả năng xung đột tràn sang lãnh thổ của họ. Trong vài tuần gần đây, NATO đã tăng cường điều động quân sự tại khu vực này.
Nếu Nga chiến thắng ở Ukraine, các nhà phân tích bao gồm ông Tim Ash đã cảnh báo về một "bức màn sắt" đang giáng xuống Đông Âu và tạo ra hai khối địa chính trị độc lập gợi nhớ đến thời Chiến tranh Lạnh.
Một bên là EU và các quốc gia nằm trong NATO, bên còn lại là Ukraine và các quốc gia nằm trong quỹ đạo chính trị của Nga như Belarus và Moldova, CNBC dẫn lời các chuyên gia giải thích.
Ông Ian Bremmer - Giám đốc cấp cao tại Eurasia, cho biết cục diện trên có thể gây ra tranh chấp tại châu Âu. Nếu phương Tây gửi quân giúp đỡ Ukraine hoặc áp dụng vùng cấm bay trên lãnh thổ nước này thì NATO và Nga có thể đối đầu nhau và kéo theo đó là nguy cơ xảy ra Chiến tranh thế giới thứ ba.
5. Một phép màu có thể xảy ra?
Các nhà phân tích tất nhiên đồng tình rằng nếu binh lính Nga dứt khoát rút khỏi Ukraine thì đây sẽ là kịch bản tốt nhất cho một đất nước đang trong cảnh "nước sôi lửa bỏng".
Các chuyên gia tại Scowcroft Center lưu ý, trong kịch bản "lạc quan nhất" về xung đột tại Đông Âu, Ukraine có thể được NATO hỗ trợ nâng cao năng lực phòng thủ. Nếu vậy, dân quân của nước này có thể "vượt qua khó khăn và cản bước tiến của Moscow".
Trong kịch bản giả định trên, ông Putin sẽ không thể lật độ chính quyền Kiev và thiết lập một chế độ bù nhìn tại Ukraine", đồng thời "quyết tâm và kỹ năng của lực lượng kháng chiến Ukraine sẽ tạo ra thế bế tắc cho Nga trên chiến trường…", Scowcroft Center thông tin.
Thật vậy, trong kịch bản "phép màu" này, các nhà phân tích tin rằng Điện Kremlin sẽ nhận ra rằng mình "sẽ phải trả một cái giá đắt cắt cổ" cho cuộc tấn công Ukraine. Cùng với sự cô lập về kinh tế và ngoại giao, ông Putin sẽ đành phải ra lệnh rút quân.
Dù vậy thì Ukraine vẫn hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Cuộc chiến đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng của cả hai bên, để lại nỗi cay đắng đối với những người ở lại và rõ ràng Kiev vẫn có thể bị Moscow tấn công trong tương lai.