|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây?

18:09 | 08/03/2022
Chia sẻ
Dù khẳng định Nga là đối tác "không giới hạn", Trung Quốc vẫn có những đắn đo riêng, đặc biệt là về lợi ích kinh tế và thương mại, khi muốn đứng ra giúp Moscow chống trả đòn trừng phạt của phương Tây.
Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây? - Ảnh 1.

Ngày 4/2, trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Bắc Kinh nhân dịp Thế vận hội mùa đông, Nga và Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác về thương mại, đầu tư, thể thao, vệ tinh,…

Hai nước ca ngợi mối quan hệ hữu nghị "không có giới hạn" của nhau và công bố một tuyên bố chung dài hàng nghìn chữ. Động thái này báo hiệu rằng Bắc Kinh và Moscow đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Tuyên bố có đoạn: "Tình hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc không có giới hạn, không có lĩnh vực hợp tác nào 'bị cấm cản'". Gần đây hơn, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh mối quan hệ với Nga "vững như bàn thạch" và triển vọng hợp tác song phương là rất rộng.

Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống trả đòn trừng phạt của phương Tây? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh, ngày 4/2. (Ảnh: Getty Images).

Vì vậy, sau khi Tổng thống Putin công bố thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine ngày 24/2 và kích hoạt làn sóng trừng phạt từ phương Tây, Trung Quốc đã nhanh chóng cứu nguy cho bằng hữu của mình.

Bước đầu, Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua khí đốt quy mô lớn với gã khổng lồ Gazprom của Nga trong bối cảnh hàng hóa năng lượng của Nga bị tẩy chay. Về sau, cơ quan hải quan Trung Quốc đã gỡ bỏ lệnh hạn chế nhập khẩu lúa mì của nước bạn.

Đồng thời, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình còn lớn tiếng chỉ trích Mỹ vì đã làm leo thang xung đột tại Đông Âu. Bắc Kinh nói Washington khơi mào cuộc chiến với mục đích duy trì quyền bá chủ đang trên đà đi xuống của mình.

Một ngày trước khi Nga động binh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhận định: "Hành động của Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng, gây thêm hoảng loạn và thậm chí là làm đảo lộn chiến sự".

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay không, bà Hoa nói Bắc Kinh tin rằng "trừng phạt chưa bao giờ là cách cơ bản và hiệu quả để giải quyết tranh chấp".

Dù Trung Quốc hiện vẫn đứng về phía Điện Kremlin, việc quân đội Nga tiến vào Ukraine vẫn đặt ra một câu hỏi khó cho ông Tập Cận Bình. Đó là làm thế nào Trung Quốc có thể hỗ trợ đối tác chiến lược trong khi mối quan hệ với Mỹ và châu Âu quan trọng hơn rất nhiều so với Nga?

Là một nhà cung ứng năng lượng quan trọng cho Trung Quốc, Nga đã tăng cường quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của Nga kém xa so với các nước phương Tây.

Lâu nay, phương Tây vốn đã là khách hàng xuất khẩu lớn của Trung Quốc, đồng thời còn là nguồn đầu tư và nguồn cung ứng công nghệ hàng đầu của đất nước tỷ dân. Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh vẫn là bên kiểm soát khả năng tiếp cận hệ thống đồng USD của Trung Quốc.

Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây? - Ảnh 2.

Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây? - Ảnh 4.

Nga - Trung thiết lập quan hệ song phương trên một nền tảng vững chắc hơn vào khoảng năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea của Ukraine.

Thời điểm đó, hai ông Putin và Tập Cận Bình đã nhất trí "về một giai đoạn mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga" và ký kết loạt thỏa thuận về năng lượng, điện, hàng không và một số lĩnh vực khác.

Nhập khẩu hàng hóa Nga của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 79 tỷ USD vào năm ngoái, chủ yếu là nhờ các đơn hàng năng lượng. Trung Quốc cũng là một thị trường chủ chốt của Nga, mua 17% hàng hóa xuất khẩu của đất nước Đông Âu vào năm 2020, chỉ sau châu Âu.

Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây? - Ảnh 3.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga cũng đạt kỷ lục vào năm 2021 là 67,6 tỷ USD, mặc dù "bằng hữu" này chỉ mua khoảng 2% các lô hàng mà doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân xuất ra nước ngoài. Con số trên tương đương của Australia và thấp hơn nhiều so với mức 17% của Mỹ.

Tại cuộc gặp ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 2, ông Tập cho biết hai nước đặt mục tiêu năng kim ngạch thương mại song phương lên 250 tỷ USD từ mức 140 tỷ USD của năm ngoái. Song, về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn của Trung Quốc vào Nga nhìn chung vẫn rất thấp.

Trong khi đó, nếu tính gộp Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thì trong năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 374 tỷ USD hàng hóa của hai khu vực - cao gần 5 lần so với con số với Nga. Các mặt hàng mà Trung Quốc nhập từ Mỹ và EU chủ yếu là máy bay, linh kiện công nghệ, thiết bị điện, nông sản.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và EU thậm chí có quy mô khổng lồ hơn. Năm ngoái, Mỹ và đồng minh tại EU đã mua tổng cộng hơn 978 tỷ USD hàng hóa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nếu so với Nga, con số này cao gần 15,5 lần.

Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây? - Ảnh 4.

Nếu Trung Quốc có thể kiếm bộn tiền từ phương Tây, liệu họ có sẵn sàng đứng về phía Nga để đánh mất "bát cơm" của mình hay không? Câu trả lời có lẽ là không. Cho nên, dù phản đối các lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow, Bắc Kinh vẫn cố gắng đi giữa hai lằn ranh mà chưa chọn phe.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn tự chủ được các nguồn cung linh kiện quan trọng như chất bán dẫn. Mỹ và các đồng minh vẫn nắm bí quyết trong lòng bàn tay nên có khả năng Trung Quốc chưa muốn cắt đứt với phương Tây.

Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây? - Ảnh 7.

Nga và Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm vai trò của đồng USD lẫn đồng EUR, cùng lúc thúc đẩy đồng nhân dân tệ (CNY), trong thương mại và dữ trữ ngoại hối kể từ sau khi Moscow hứng chịu đòn trừng phạt của phương Tây hậu vụ sáp nhập bán đảo Crimea.

Xu hướng phi đô la hóa (de-dollarization) thể hiện rõ nét trong hoạt động thương mại của Nga và Trung Quốc. Tỷ trọng của đồng USD trong kim ngạch xuất khẩu của Nga sang đất nước tỷ dân hiện đã giảm từ gần 100% hồi năm 2013 xuống còn khoảng 40% năm 2021.

Đồng thời, để hạn chế tối đa vị thế của đồng bạc xanh, chính quyền ông Putin đã xây dựng một hệ thống thanh toán riêng mang tên SPFS để thay thế cho SWIFT - mạng lưới sử dụng đồng USD là chủ yếu. Tương tự, Bắc Kinh cũng phát triển một hệ thống thanh toán liên ngân hàng khác là CIPS.

Tuy nhiên, trở ngại đối với nỗ lực tách rời đồng USD của Nga - Trung là đồng USD vẫn là đồng tiền thống trị trong các giao dịch quốc tế. Do đó, hai nước vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể "đá bay" đồng bạc xanh.

Theo dữ liệu từ SWIFT và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong giai đoạn 10 năm từ 2011 đến 2021, tỷ trọng của đồng USD và EUR trong thanh toán quốc tế vẫn chiếm hơn 2/3 tổng giao dịch, nhích nhẹ từ 73,1% lên gần 76,5%.

Trong khi đó, dù được Nga và Trung Quốc hỗ trợ, tỷ trọng của đồng CNY trong thanh toàn toàn cầu chỉ là hạt cát giữa sa mạc. Cụ thể, trong cùng giai đoạn, tỷ lệ này tăng từ gần 0,07% lên 3,2%.

Tương tự, đồng USD và EUR vẫn áp đảo trong dự trữ ngoại hối toàn cầu cũng như trong dự trữ ngoại hối của riêng Nga và Trung Quốc, dù tỷ trọng của hai đồng tiền phương Tây có giảm nhẹ từ 87,15% năm 2011 xuống còn hơn 79,6% năm 2021.

Vì lẽ đó, hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc vẫn rất cảnh giác trong quá trình giảm bớt lượng giao dịch bằng đồng USD hay làm ăn với Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Moscow đang bị Washington và đồng minh trừng phạt.

Nguyên nhân dĩ nhiên là do họ không muốn mất quyền tiếp cận hệ thống tiền tệ do đồng USD dẫn dắt, nhà tư vấn pháp lý nước ngoài Ben Kostrzewa tại hãng Hogan Lovells chia sẻ với Bloomberg.

Gần đây, ít nhất hai ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc đã hạn chế cấp vốn cho việc mua hàng hóa Nga. Điều này cho thấy những giới hạn trong cam kết duy trì quan hệ kinh tế của Bắc Kinh với Moscow.

Trước đó, khi Washington trừng phạt Iran, Triều Tiên và các quan chức hàng đầu đặc khu hành chính Hong Kong, 4 ngân hàng lớn nhất tại Trung Quốc cũng đã tuân theo yêu cầu của Mỹ vì họ cần truy cập vào hệ thống thanh toán bù trừ bằng đồng USD.

Nội dung: Yên Khê - Đồ họa: Alex Chu