|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga bị thế giới cô lập là lời cảnh tỉnh cho Trung Quốc?

07:00 | 07/03/2022
Chia sẻ
Sau khi hứng chịu rất nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga đang bị cô lập và đối mặt với rủi ro suy thoái. Đây có thể là bài học cho chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bài học cẩn trọng cho Trung Quốc

Trong thời đại ngày nay, vấn đề địa chính trị chiếm ưu thế nhất chính là việc nền kinh tế toàn cầu đang phân chia thành hai khối, khi một Trung Quốc đang lên và một nước Mỹ đang đi xuống xung đột với nhau trên nhiều mặt trận từ thương mại, công nghệ và đại dịch.

Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine và phương Tây ồ ạt trừng phạt Nga, sự chia rẽ giữa hai khối dường như càng rõ nét hơn bao giờ hết. Chưa kể, sự cô lập về kinh tế của Nga còn là một lời nhắc nhờ về sức mạnh bền bỉ của nước Mỹ.

Theo Bloomberg, Trung Quốc vốn đang bắt kịp Mỹ về GDP và đã lấn át Mỹ trong lĩnh vực thương mại và chế tạo. Song, khi xét đến hệ thống tiền tệ của nền kinh tế toàn cầu, Mỹ và đồng USD vẫn đang là vị vua thống trị không thể chối cãi.

Ông Putin bị thế giới cô lập là lời cảnh tỉnh cho Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 1.

Nhà kinh tế Eswar Prasad của Đại học Cornell, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về khó khăn của Trung Quốc trước đồng bạc xanh, cho hay: "Vị trí quyền lực trong lĩnh vực tài chính vẫn nằm vững chắc trong tay phương Tây".

Điều đó thể hiện rõ khi Mỹ và các đồng minh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga sau khi Tổng thống Putin đưa quân vào Ukraine. Phương Tây đã cô lập nền kinh tế Nga một cách mạnh bạo, ảnh hưởng có thể kéo dài trong nhiều năm tới.

Đồng ruble của Nga sụp đổ, ngân hàng trung ương mất quyền tiếp cận lượng lớn ngoại tệ, chính phủ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn và doanh nghiệp quốc tế từ Apple đến Royal Dutch Shell ồ ạt tháo chạy.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người chỉ vài tuần trước còn tuyên bố quan hệ hữu nghị "không giới hạn" với Moscow, việc Nga nhanh chóng bị cắt đứt khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu là một bài học cảnh giác, đồng thời là lời nhắc nhở về lý do tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất khao khát lật đổ vị thế của đồng USD.

Ở diễn biến khác, tại Washington, giới lãnh đạo Mỹ vẫn đang ca ngợi sức mạnh tiền tệ của Mỹ, đơn cử như khi Tổng thống Joe Biden đọc thông điệp liên bang hồi tuần trước. Dù vậy, Bloomberg lưu ý rằng còn quá sớm để bất kỳ ai tuyên bố chiến thắng, vì dư chấn từ chiến sự Nga - Ukraine chỉ mới bắt đầu tỏa ra.

Giá dầu thô leo lên gần 120 USD/thùng có thể đe dọa kéo lạm phát lên mức đỉnh hàng chục năm, thậm chí còn cao hơn nữa. Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng leo lên mức kỷ lục mới.

Điều đó đặc biệt nguy hiểm cho ông Biden, khi tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông đang tụt dốc nghiêm trọng vì giá xăng dầu tăng cao. Nhận định này cũng đúng với các nhà lãnh đạo châu Âu vì nền kinh tế khu vực vẫn rất phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Ông Putin bị thế giới cô lập là lời cảnh tỉnh cho Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 2.

Các lệnh trừng phạt như vũ bão của phương Tây đã đẩy đồng ruble xuống mức thấp kỷ lục. (Ảnh: Bloomberg).

Trung Quốc e dè

Nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng sự phân cực giữa các cường quốc là có thật. Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, gọi đây là "sự xói mòn của xu hướng toàn cầu hóa".

Theo vị chuyên gia, mọi thứ bắt đầu từ cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc và tiếp diễn khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến các nền kinh tế "hướng nội" hơn. Giờ đây, trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng tại Đông Âu, tốc độ phân cực đang tăng lên.

Ông Posen tin ít nhất là trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ không vội vàng đứng về phía Nga trong cuộc đối đầu kinh tế toàn diện với Mỹ và phương Tây. Quả thực, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang cố đi giữa lằn ranh kể từ khi Nga động binh.

Mặc dù Trung Quốc từ chối áp dụng các hình phạt tài chính đối với Nga và có thể sẽ giúp nước này vượt qua cơn bão trừng phạt bằng cách mua dầu thô, khí đốt hoặc lúa mì, những giới hạn đối với mối quan hệ hữu nghị "không giới hạn" dường như đang xuất hiện.

Theo Bloomberg, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi hai bền ngừng giao tranh và một số ngân hàng lớn của đất nước tỷ dân đã hạn chế hỗ trợ tài chính cho việc mua hàng hóa của Nga.

Cách làm của Bắc Kinh đã từng thể hiện nhiều lần trong quá khứ. Họ có thể không đồng tình với các mục tiêu chính trị của các lệnh trừng phạt mà phương Tây ban hành, nhưng có xu hướng tránh đối đầu trực diện với Mỹ và các đồng minh.

Chẳng hạn, ngay cả các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc cũng đã tuân thủ các quy định của Washington đối với Hong Kong. Năm 2020, người đứng đầu đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cho biết bản thân đang cất "hàng đống tiền mặt" tại nhà các Mỹ cấm bà sử dụng các dịch vụ ngân hàng cơ bản.

Ông David Dollar - một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho biết: "Các ngân hàng trung ương rất cảnh giác với việc đối đầu Bộ Tài chính Mỹ. Họ vốn nằm trong nhóm những ngân hàng lớn nhất thế giới, có liên hệ mật thiết với hệ thống tài chính toàn cầu. Do đó, họ càng phải cẩn thận hơn".

Ông Putin bị thế giới cô lập là lời cảnh tỉnh cho Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 3.

"Tin dữ" cho Trung Quốc

Tại sao Trung Quốc lại thận trọng như vậy? Nguyên nhân chủ yếu nằm ở thực tế là nền kinh tế tỷ dân gắn bó sâu sắc với thế giới hơn nhiều so với nền kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, đặc biệt là sau cuộc chiến thương mại với ông Trump.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã phá kỷ lục trong thời kỳ đại dịch. Một phân tích của HSBC cho thấy trong ba năm qua, thương mại của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh gấp 5 lần so với mức trung bình toàn cầu, đồng thời đầu tư FDI vào nước này cũng tăng đáng kể dù đi xuống ở những nơi khác.

Từ bỏ tất cả những lợi ích đang có để nhập cuộc cùng Nga trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây ngay bây giờ sẽ là "tin dữ đối với Trung Quốc", ông Hui Feng - giảng viên cấp cao tại Đại học Griffith, nhận định.

"Nếu bắt tay với Moscow, Bắc Kinh sẽ được cung ứng dầu thô giá rẻ và các mặt hàng năng lượng khác của Nga. Song, Trung Quốc sẽ bị tách rời khỏi lĩnh vực công nghệ và đầu tư toàn cầu", ông Feng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ từ bỏ mục tiêu dài hạn là đánh đổ quyền lực tài chính tối cao của Mỹ. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã chứng thực trước Thượng viện Mỹ rằng những sự kiện trong tuần qua sẽ thúc đẩy Bắc Kinh hành động nhanh chóng hơn.

Trong nhiều năm qua, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường hệ thống phòng thủ kinh tế của mình. Ông Tập đã ra lệnh cho doanh nghiệp tự lực nguồn cung của các linh kiện công nghệ quan trọng như chất bán dẫn, cũng như các tài nguyên chủ chốt như khoáng sản.

Về mặt tài chính, Trung Quốc đã xây dựng đồng tiền kỹ thuật số có thể sớm giao dịch trên thị trường quốc tế, cũng như một hệ thống thanh toán có tên CIPS nhằm thay thế mạng lưới SWIFT.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và giảm tỷ trọng trái phiếu Kho bạc Mỹ, dù PBoC vẫn là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề đối với Trung Quốc là xuất phát điểm của nước này rất thấp.

Những nỗ lực nhằm xây dựng một hệ thống đối đầu đồng USD và phổ biến đồng nội tệ của Bắc Kinh chưa thành công mấy. Đồng nhân dân tệ chỉ chiếm hơn 3% thanh toán toàn cầu qua SWIFT và chỉ 2,7% dự trữ ngoại hối chính thức của các nước.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.