Mỹ răn đe: 'Trung Quốc sẽ trả giá đắt nếu giúp Nga lách trừng phạt'
Mỹ răn đe Trung Quốc
Ông Derek Chollet - cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết các quốc gia đồng minh tham gia trừng phạt Nga đại diện cho tổng cộng 50% nền kinh tế thế giới, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 15%.
"Do đó, nếu Trung Quốc muốn giúp Nga lách trừng phạt hoặc bằng cách nào đó chia nhỏ trừng phạt, họ sẽ trả giá đắt. Bất kỳ quốc gia nào nỗ lực né tránh những lệnh trừng phạt của phương Tây đều phải đối mặt với hậu quả khôn lường", ông Chollet nhấn mạnh.
Trong lúc Mỹ và các đồng minh công bố loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính khủng khiếp với Nga, Trung Quốc đã cố gắng đi giữa lằn ranh khi tuyên bố họ không ủng hộ cũng như không tham gia vào việc áp đặt cấm vận.
Chia sẻ với truyền thông ngày 3/3, ông Liu Pengyu - phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho hay: "Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp, đồng thời tin tưởng trừng phạt không phải công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề".
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, Bắc Kinh từ chối tiết lộ liệu họ có giúp Moscow tránh né các lệnh trừng phạt của phương Tây hay không.
Trung Quốc lập lờ
Trước khi Điện Kremlin chính thức động binh với Ukraine, Đại sứ Trung Quốc tại Nga - Zhang Hanhui nhấn mạnh Bắc Kinh "vui mừng" khi thấy đồng nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thương mại, đầu tư và dự trữ ngoại hối của Nga.
Khoảng vài giờ sau cuộc tấn công, Bắc Kinh thông báo dỡ bỏ toàn bộ hạn chế đối với nhập khẩu lúa mì của Nga, dù trước đó ông Tập áp đặt chính sách trên để ngăn ngừa nguy cơ lây lan các bệnh thực vật tiềm ẩn.
Sau đó, truyền thông quốc tế dẫn các nguồn tin tình báo của Mỹ khẳng định, vào ngày 4/2, chính phủ Nga đã báo trước cho Trung Quốc rằng họ đang lên kế hoạch quân sự tại Ukraine.
Bắc Kinh không phản đối cũng chẳng ủng hộ nhưng yêu cầu Moscow dời kế hoạch ra sau Thế vận hội mùa đông. Thực tế, cuộc động binh bắt đầu vào ngày 24/2, khoảng 4 ngày sau khi lễ bế mạc diễn ra, các nguồn tin cho biết.
Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet từ chối bình luận về những thông tin trên. Ông nói: "Liệu Trung Quốc có ngạc nhiên trước động thái của Nga hay không, tôi không thể chia sẻ gì.
Thời điểm đó, rất nhiều nước đã sửng sốt trước hành động gây hấn của Nga, nhưng chúng tôi thì không vì Mỹ đã thấy trước kết cục này nhờ các dữ liệu tình báo và cố gắng chia sẻ với mọi người".
Theo ông Chollet, Washington đã trao đổi với Bắc Kinh ở "mọi cấp độ" với hy vọng ban đầu rằng Trung Quốc sẽ thuyết phục Điện Kremlin ngừng đánh chiếm Ukraine và giảm leo thang để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Có thời điểm, theo đưa tin từ New York Times, Trung Quốc đã quay lưng với Mỹ để thông báo cho Nga những thông tin tình báo mà chính quyền Tổng thống Joe Biden chia sẻ với nước này.
Đến giờ, bất chấp mọi nỗ lực và hai vòng đàm phán, Tổng thống Vladimir Putin vẫn cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu. Mới nhất, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã bốc cháy vì dính đạn pháo của Nga.
Ông Chollet nhấn mạnh: "Điểm mấu chốt bây giờ là, chúng tôi muốn Trung Quốc trở thành một phần của giải pháp, chứ không phải cố gắng đứng ngoài lề hoặc tệ hơn là làm trầm trọng vấn đề".
Giữa tuần này, tại một phiên họp đặc biệt hiếm hoi của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 141 quốc gia đã tham gia bỏ phiếu một nghị quyết nhằm lên án cuộc tấn công của Nga. 35 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, bỏ phiếu trắng và 5 quốc gia khác (bao gồm Nga) phản đối.
Trong cuộc họp báo hôm 3/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Bắc Kinh làm như vậy là vì nghị quyết không cân nhắc đến "lịch sử và tính phức tạp" của tình hình.