Chủ nợ của Nga lo mất hàng chục tỷ USD: Phương Tây cấm vận gắt gao, Nga trả tiền kiểu gì?
Khối nợ nước ngoài của Nga
Bloomberg cho biết trong ba tháng tới, các doanh nghiệp và chính phủ Nga sẽ phải trả khoảng 9 tỷ USD cho các chủ nợ nước ngoài, bao gồm 2 tỷ tiền lãi và 7 tỷ tiền gốc.
Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga, tại ngày cuối năm 2021, đất nước rộng lớn nhất hành tinh có tổng nợ nước ngoài khoảng 480 tỷ USD. Biểu đồ dưới đây cho thấy nợ nước ngoài của Nga đã giảm đáng kể sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Các lệnh trừng phạt của Phương Tây 8 năm trước đã khiến Moscow thêm thận trọng, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn Mỹ và châu Âu.
Giá trị nợ bằng USD hiện chỉ bằng chưa đầy một nửa so với năm 2014. Theo thống kê dưới đây, Nga cũng vay số Euro trị giá tương đương 100 tỷ USD, tức 20% tổng nợ nước ngoài.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy công ty mạng Yandex và tập đoàn đường sắt Russian Railways sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên phải trả nợ sau khi các lệnh trừng phạt mới được áp lên Nga. Cả hai đều đến hạn thanh toán tiền lãi trái phiếu trong vài ngày tới.
Đại gia dầu mỏ Rosneft và ông lớn khí đốt Gazprom sẽ có các lô trái phiếu trị giá lần lượt 2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD đến hạn trả gốc trong khoảng một tuần nữa.
Gần 34 tỷ USD nợ bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp Nga sẽ đáo hạn trong năm nay và năm sau. Trong số này có 85% là bằng USD. Giá chào mua các trái phiếu này thấp hơn mệnh giá trung bình khoảng 10%.
Ngày 28/2, trái phiếu đáo hạn trong tuần sau của Gazprom được bán chỉ ở mức 50% mệnh giá. Trái phiếu đáo hạn trong năm 2022 của Russian Railways được bán với giá chỉ bằng 22% mệnh giá.
Bloomberg cho biết các nhà đầu tư nắm giữ khoảng 250 tỷ USD trái phiếu do các doanh nghiệp Nga phát hành. Một nửa trong số này là bằng đồng Ruble, ngoài ra còn khoảng 92 tỷ USD và 14,1 tỷ Euro.
Vào ngày 16/3, chính phủ Nga sẽ đến hạn trả nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi khơi mào cuộc chiến ở Ukraine, giá trị thanh toán là khoảng 117 triệu USD tiền lãi. Đến ngày 4/4, Điện Kremlin sẽ có 2 tỷ USD tiền gốc trái phiếu đáo hạn.
Trong 6 tháng sau đó, chính phủ Nga sẽ phải trả khoảng 1 tỷ USD tiền lãi và 2 tỷ USD tiền gốc. Giá trái phiếu và lợi suất biến động ngược chiều nhau. Biểu đồ dưới đây cho thấy, trong bối cảnh trái phiếu Nga bị cho là quá rủi ro và giá giảm sâu, lợi suất đã tăng vọt.
Những lệnh trừng phạt dồn dập
Nghĩa vụ thanh toán nợ nước ngoài của Nga trở nên hết sức phức tạp sau khi Phương Tây áp các lệnh trừng phạt hà khắc lên hoạt động giao thương cũng như hệ thống tài chính của Nga vì cuộc tấn công quân sự Ukraine.
Hôm 2/3, công ty định mức tín nhiệm Fitch hạ xếp hạng của trái phiếu chính phủ Nga 6 bậc xuống mức B, tức là chìm sâu trong vùng "rác". Moody's cũng có động thái tương tự, hạ xếp hạng của Nga từ Baa3 xuống B3.
Bản thân việc hạ xếp hạng này không có nhiều ý nghĩa với Nga vì các lệnh cấm vận của Phương Tây khiến nước này không thể vay tiền trên thị trường quốc tế, bất kể có được xếp hạng tín nhiệm ở mức nào.
Với các chủ nợ, lần hạ bậc xếp hạng này chỉ đổ thêm dầu vào lửa, khiến tình hình vốn đã u ám lại càng trở nên nguy ngập.
Nga hiện tại không thể tiếp cận các thị trường USD, bảng Anh, Euro nên không thể vay nợ mới để trả nợ cũ (đảo nợ). Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng dự trữ quốc tế nên không còn nguồn ngoại tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng lớn của Nga cũng đã bị Liên minh châu Âu (EU) ngắt kết nối khỏi hệ thống liên lạc tài chính toàn cầu SWIFT. Hiện chỉ có một số giao dịch mua bán dầu khí của Nga là có thể thực hiện được. Như vậy, cho dù các con nợ ở Nga có tiền thì cũng chưa chắc đã chuyển được ra nước ngoài cho chủ nợ.
Tổng thống Vladimir Putin càng khiến các chủ nợ lo lắng khi áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn dòng tiền tháo chạy, mặc dù hoạt động trả nợ có thể được coi là ngoại lệ.
Fitch cho hay: "Chúng tôi đang giả định rằng các lệnh cấm vận của Mỹ với Bộ Tài chính Nga sẽ không cản trợ việc thanh toán nợ chính phủ. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa rõ ràng và rủi ro đang tăng lên đáng kể".
Bloomberg dẫn lời ông Timothy Ash, chuyên gia nợ chính phủ các nước mới nổi tại BlueBay Asset Management nhận định: "Nga sẽ khó có thể nhanh chóng tiếp cận thanh khảon bằng USD".
"Về mặt kỹ thuật, Nga sẽ khó trả nợ" vì những nền tảng thường được dùng để thanh toán đều đã loại bỏ Nga.
Ông Guido Chamorro, chuyên gia về nợ thị trường mới nổi tại Pictet Asset Management nhận xét: "Tình hình hiện nay rất khó đoán. Cuộc xung đột ở Ukraine đã thay đổi tất cả". Ông ước tính rủi ro Nga vỡ nợ là 50%.
Chi phí bảo hiểm rủi ro tín dụng với trái phiếu Nga những ngày gần đây đã tăng vọt, như thể hiện trong biểu đồ bên trên. Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ là vào năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á và giá dầu giảm sâu khiến chính quyền của Tổng thống Boris Yeltsin không thể trả được 40 tỷ USD trái phiếu trong nước.
Đa phần trái phiếu đều có thời gian ân hạn 30 ngày nên có thể phải thêm vài tuần nữa nhà đầu tư mới biết Nga có thực sự vỡ nợ hay không.