|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây trừng phạt Nga bằng một đòn mạnh hơn SWIFT, khiến ông Putin khó cứu nổi nền kinh tế

14:21 | 01/03/2022
Chia sẻ
Tài sản của ngân hàng trung ương bị phong tỏa đồng nghĩa với việc Nga không thể dùng dự trữ ngoại hối để nâng đỡ đồng nội tệ và nền kinh tế, thể hiện qua việc đồng ruble mất giá 30% trong một ngày.

Sáng sớm thứ Hai (28/2) theo giờ Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ ngay lập tức đóng băng tất cả tài sản của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nga tại Mỹ. 

Biện pháp đóng băng tài sản được Mỹ công bố từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, Mỹ nhận thấy có nguy cơ Nga sẽ tranh thủ sáng đầu tuần để tẩu tán tài sản, trước khi lệnh cấm có hiệu lực nên đã lập tức áp dụng biện pháp khẩn cấp trước khi thị trường tài chính Mỹ mở cửa.

Chính quyền Joe Biden ước tính hành động mới nhất này sẽ chặn đường rút chạy của hàng trăm tỷ USD dự trữ quốc tế của Nga và là một đòn đau với Tổng thống Vladimir Putin.

Phương Tây trừng phạt Nga bằng một đòn mạnh hơn SWIFT, khiến ông Putin khó cứu nổi nền kinh tế - Ảnh 1.

Có tiền nhưng không tiêu được

Tính đến ngày 18/2 vừa qua, Nga có khối dự trữ quốc tế trị giá 643 tỷ USD, tăng 13 tỷ USD so với ngày cuối năm ngoái.

Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy phần lớn phần lớn dự trữ của Nga tại ngày 31/12/2021 nằm ở các chứng khoán nước ngoài như trái phiếu của các chính phủ khác.

Một hạng mục quan trọng nữa là ngoại tệ và tiền gửi tại các ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại ở các nước khác. Như biểu đồ dưới đây cho thấy, chứng khoán và tiền gửi nước ngoài chiếm tới gần 3/4 tổng dự trữ quốc tế của Nga.

Phương Tây trừng phạt Nga bằng một đòn mạnh hơn SWIFT, khiến ông Putin khó cứu nổi nền kinh tế - Ảnh 2.

Ngoài ra, Nga còn giữ khoảng 2.300 tấn vàng. Các nước khác thường trữ vàng ở Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York để tiện giao dịch, nhưng Nga thì giữ toàn bộ số vàng nói trên trong lãnh thổ nước mình.

Vì vậy, các lệnh trừng phạt của Phương Tây không thể động đến kho vàng của Nga.

Hiện không rõ cơ cấu các loại ngoại tệ trong dự trữ quốc tế của Nga vào ngày cuối năm 2021, tuy nhiên vào đầu năm 2021, khoảng 14% dự trữ của Nga nằm ở đồng nhân dân tệ. Trung Quốc là nước có quan hệ thân thiết với Nga nên số dự trữ này có thể coi là tương đối an toàn.

Nếu giả sử cơ cấu dự trữ của Nga hiện nay không đổi so với 2021, tức là ông Putin không ra lệnh "rút chạy" trước khi tấn công Ukraine, thì tổng cộng khoảng 37% dự trữ của Nga được để trong vàng và nhân dân tệ, như thể hiện trong biểu đồ sau đây. Số còn lại đứng trước rủi ro bị các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhắm đến.

Phương Tây trừng phạt Nga bằng một đòn mạnh hơn SWIFT, khiến ông Putin khó cứu nổi nền kinh tế - Ảnh 3.

Với các trái phiếu chính phủ nước ngoài, Nga sẽ không thể bán để lấy tiền mặt do các tổ chức trung gian tài chính như công ty môi giới, tổ chức lưu ký ở nước ngoài, ngân hàng đại lý, … đều không thực hiện giao dịch.

Trong khối ngoại tệ và tiền gửi trị giá gần 185 tỷ USD, khoảng 3/4 nằm trong các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo Financial Times, các NHTW trong khối euro chắc chắn sẽ tuân thủ lệnh trừng phạt và đóng băng khoảng 1/4 tổng dự trữ của Nga. Ông Joachim Nagel, Chủ tịch NHTW Đức (Bundesbank) cho biết ông "hoan nghênh việc các lệnh trừng phạt tài chính đã được áp dụng". Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thông báo sẽ áp dụng tất cả những lệnh cấm vận theo chỉ đạo của EU.

Khoảng 45 tỷ USD dự trữ của Nga được để ở các ngân hàng tư nhân nước ngoài, không rõ cụ thể là những nước nào. Tuy nhiên, khoảng 60% tổng dự trữ của Nga là USD, euro hoặc bảng Anh, vì vậy nhiều khả năng đa số các ngân hàng tư nhân nói trên cũng thuộc sự kiểm soát của Phương Tây.

Các định chế tài chính ở những nước khác cũng sẽ không muốn làm ăn với một đối tượng bị cấm vận như Nga để tránh làm mếch lòng Phương Tây.

Một ví dụ tương tự gần đây là trường hợp của bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong. Sau khi bà Lam bị chính phủ Mỹ cấm vận, không ngân hàng nào ở Hong Kong dám cung cấp dịch vụ thanh toán cho bà, khiến cho bà phải sử dụng "hàng vali tiền mặt" để trang trải chi tiêu hàng ngày.

Nga chỉ có thể trông cậy vào 2.300 tấn vàng cất giữ ở trong nước mà Phương Tây không thể động đến. Nếu Nga bán vàng với giá thấp hơn thị trường thì vẫn sẽ có người mua, bất chấp rủi ro cấm vận từ Mỹ.

Vấn đề với SWIFT: Cánh cửa không thể đóng kín

SWIFT là viết tắt của The Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication (tạm dịch là Cộng đồng Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu). SWIFT được thành lập ở Bỉ nên sẽ phải tuân theo luật pháp Bỉ và EU.

Do Mỹ và EU đều đã nhất trí ngắt kết nối nhiều ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT nên chắc chắn SWIFT sẽ làm theo.

SWIFT có vai trò rất quan trọng với các ngân hàng nhưng không có chức năng chuyển tiền, mà chỉ có chức năng liên lạc. Tiền được chuyển thông qua các hệ thống khác, ví dụ như RTGS (Real time gross settlement).

Phương Tây chỉ đuổi một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT, tức là những ngân hàng còn lại vẫn có thể giao dịch được bình thường. Quyết định này cho phép các nước châu Âu tiếp tục mua dầu mỏ và khí đốt từ Nga để sống sót qua mùa đông lạnh giá.

Ngay cả các ngân hàng bị ngắt kết nối khỏi SWIFT cũng vẫn có thể giao dịch chuyển tiền với ngân hàng nước ngoài, chỉ có điều sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều do phải dùng cá phương án thay thế kém tin cậy và kém bảo mật như fax, email, Telex, …

Nga đang phát triển hệ thống SPFS để thay thế cho SWIFT. Hoạt động liên lạc và chuyển tiền trong nước Nga có thể sử dụng SPFS và không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm SWIFT.

Các ngân hàng Nga cũng có thể thuyết phục một số đối tác nước ngoài sử dụng SPFS. Các giao dịch sẽ khó thực hiện hơn so với khi dùng SWIFT nhưng không phải là không thể.

Trong khi SWIFT như một cánh cửa không thể khép kín hoàn toàn thì lệnh đóng băng tài sản NHTW Nga khiến dòng tiền tuyệt nhiên không thể đi đâu được. Vì vậy, có thể nói lệnh cấm vận với NHTW Nga có tác động tiềm tàng lớn hơn nhiều.

Phương Tây trừng phạt Nga bằng một đòn mạnh hơn SWIFT, khiến ông Putin khó cứu nổi nền kinh tế - Ảnh 5.

Liên hoàn các biện pháp trừng phạt của Phương Tây đang khiến nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo đồng ruble. 

Các tuần trước, NHTW Nga vẫn có thể sử dụng kho dự trữ ngoại hối khổng lồ thứ 5 thế giới của mình để đảm bảo cho giá trị của đồng ruble. Đến khi các lệnh trừng phạt và đóng băng tài sản được công bố, ruble lập tức mất giá hơn 20% so với USD. NHTW Nga phải sử dụng đến phương án tăng sốc lãi suất từ 9,5% lên 20% để trấn an người dân.

Đuổi Nga khỏi SWIFT và đóng băng tài sản không những khiến Nga thiệt hại mà châu Âu cũng đau đầu. Theo tạp chí The Economist, khoảng 350 tỷ USD tài sản của khối EU đang nằm ở Nga nhiều khả năng sẽ không thể rút ra được. Nhiều đại gia dầu khí như BP, Shell, … đã quyết định vứt bỏ số cổ phần trong các liên doanh với Nga, trị giá lên tới hàng chục tỷ USD.

Song Ngọc