Ông Biden ra chiêu mới, chặn đứng đường tháo chạy của dòng tiền Nga
Theo CNBC, chính phủ Mỹ vừa quyết định cấm tất cả cá nhân và tổ chức Mỹ có bất cứ quan hệ làm ăn gì với Ngân hàng trung ương (NHTW) Nga, đồng thời đóng băng tất cả tài sản của NHTW Nga tại Mỹ.
Các biện pháp mới này cũng được áp dụng với cả Quỹ Tài sản Quốc gia Nga và Bộ Tài chính Nga.
Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt trên sẽ có hiệu lực ngay lập tức, trước khi thị trường tài chính mở cửa vào sáng thứ Hai (28/2) theo giờ Mỹ.
"Chúng tôi muốn áp dụng các biện pháp mới trước khi thị trường mở cửa vì theo nguồn tin từ các đồng minh và đối tác của Mỹ trong cuối tuần vừa qua, NHTW Nga đang cố gắng chuyển tài sản đi nơi khác, và trong buổi sáng thứ Hai sẽ có lượng tài sản rất lớn được luân chuyển từ nhiều định chế trên thế giới", vị quan chức nói trong buổi họp báo sáng sớm 28/2.
"Chiến lược của chúng tôi là đảm bảo rằng nền kinh tế Nga sẽ phải đi thụt lùi nếu như Tổng thống Putin vẫn tiếp tục cuộc xâm lược Ukraine", quan chức Mỹ nói thêm.
Chính quyền Joe Biden còn thêm ông Kirill Dmitriev - một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin - vào danh sách cấm vận. Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) do ông Dmitriev làm CEO cũng chịu chung số phận.
Về danh nghĩa, RDIF là một quỹ tài sản quốc gia. Tuy nhiên, quỹ này bị coi là quỹ đen của ông Putin, CNBC cho hay.
Quan chức Mỹ giấu tên cho biết chính quyền Joe Biden kỳ vọng các nước đồng minh của Mỹ cũng sẽ đưa ra các lệnh cấm vận tương tự trong vài ngày tới. Biểu đồ dưới đây cho thấy đa phần dự trữ quốc tế của Nga tại ngày cuối năm 2021 đang nằm ở nước ngoài. Nếu các nước Phương Tây đồng lòng cấm vận, Nga sẽ mất đi lượng tài sản khổng lồ.
Cuối tuần trước, Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) thông báo hàng loạt biện pháp trừng phạt với Nga vì hành động tấn công quân sự Ukraine kể từ hôm 24/2, NHTW Nga bị phong tỏa tài sản và sẽ không thể dùng kho dự trữ ngoại hối của mình để hỗ trợ nền kinh tế.
Mỹ cho rằng Nga dự định chuyển tiền đến nơi an toàn trước khi lệnh đóng băng tài sản có hiệu lực, vì vậy Tổng thống Joe Biden đã nhanh tay hành động trước.
"Không có nước nào là miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt và kho dự trữ 630 tỷ USD của ông Putin chỉ có ý nghĩa nếu như ông ta có thể sử dụng để trợ giá đồng nội tệ của Nga", một quan chức Mỹ khác cho hay.
Khoảng 20% dự trữ của Nga là vàng thỏi, được cất giữ ở trong nước. Các tài sản khác đang để ở nước ngoài. Số dự trữ ngoại hối của Nga ở Trung Quốc có thể vẫn sẽ an toàn, nhưng nếu là để ở các ngân hàng Phương Tây thì số tiền này sẽ "lành ít dữ nhiều" vì các lệnh trừng phạt mới đây. Tại ngày đầu năm 2021, chỉ có khoảng 14% dự trữ ngoại hối của Nga là các tài sản bằng đồng nhân dân tệ.
Ngày 28/2, đồng ruble của Nga mất giá 30% so với USD, cho thấy nhà đầu tư đang bán tháo do không còn tin tưởng vào khả năng giữ giá đồng nội tệ của NHTW Nga.
Người dân Nga xếp thành hàng dài trước các cây ATM để rút tiền và cố tìm cách mua USD để tránh sự sụp đổ của đồng ruble. Thị trường chứng khoán và phái sinh của Nga ngày thứ Hai (28/2) vẫn đóng cửa.