|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điện Kremlin bị đồng minh xa lánh giữa lúc cuộc chiến ở Ukraine đi lệch kế hoạch?

17:24 | 28/02/2022
Chia sẻ
Theo Wall Street Journal, hành động leo thang căng thẳng với Ukraine của ông Putin đang khiến các quan chức thân cận với ông không thoải mái và thúc đẩy các nước đồng minh quay sang giúp đỡ Ukraine.
Ông Putin lục đục nội bộ, bị đồng minh xa lánh trong lúc cuộc chiến ở Ukraine chệch khỏi kế hoạch? - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao. (Ảnh: Sputnik).

Lời đe dọa hạt nhân của ông Putin

Đối mặt với làn sóng lên án trên toàn cầu, các lệnh trừng phạt kinh tế chồng chất và chiến dịch quân sự kém thành công hơn mong đợi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời đe dọa hạt nhân đáng sợ.

Ông chủ Điện Kremlin đã đặt lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cấp cao nhất hòng cảnh cáo những nước đang giúp Ukraine chống trả cuộc tấn công của Nga.

Thông báo trên còn được đưa ra sau khi phương Tây coi ông Putin là kẻ bị cộng đồng quốc tế cô lập. Ông là một trong số ít nguyên thủ thế giới bị áp đặt lệnh trừng phạt cá nhân, bao gồm Tổng thống Syria Bashar al-Assad, lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên và Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela.

Trong hơn một thập kỷ qua, ông Putin đã liên tục có các hành động táo bạo trên trường quốc tế. Về cơ bản, ông thường đạt được những gì mình muốn và dù phương Tây đã áp trừng phạt, Nga cũng chẳng hề hấn gì. Đơn cử, Moscow từng tấn công Gruzia để ủng hộ hai khu vực ly khai vào năm 2008 và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Gần đây, ông đã chuẩn bị cho ván bài lớn nhất sự nghiệp trong giai đoạn cách ly COVID-19. Ông lui về dinh thự bên ngoài Moscow và áp đặt các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với bất kỳ ai muốn gặp mặt.

Trong giai đoạn này, Tổng thống Nga bắt đầu tìm lý lẽ để tấn công Ukraine. Trong bài luận dài 7.000 từ viết vào mùa hè năm ngoái và đăng tải trên website Điện Kremlin, ông Putin vạch ra những điều ông coi là bằng chứng cho thấy Ukraine đe dọa an ninh nước Nga.

Giọng hùng biện của ông Putin ngày càng tỏ thái độ thù địch, đặc biệt là đối với phương Tây và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Paris vào tháng 1 để bàn bạc về văn bản mà hai nước gọi là Thỏa thuận Minsk 2. Thỏa thuận này đem đến cho Nga tiếng nói quan trọng trong tương lai của Ukraine và có thể là cách để ông Putin ngừng leo thang xung đột mà không mất mặt. Tuy nhiên, ông đã chọn động binh và biến thỏa thuận thành vô dụng.

Sau khi nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cùng khoảng thời gian đó, ông quay sang đổ lỗi cho NATO.

Luận thuyết về Ukraine của ông Putin cuối cùng đã trở thành cơ sở để Nga tiến hành "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm loại bỏ lượng vũ khí mà NATO cung cấp cho Ukraine và giới lãnh đạo "theo chủ nghĩa phát xít" ở nước láng giềng này.

Ông Putin răn đe phương Tây khi Nga mở màn cuộc chiến: "Bất cứ ai cố gắng can thiệp vào việc của chúng tôi nên biết rằng Nga sẽ đáp trả ngay lập tức và gây ra những hậu quả mà các người chưa từng đối mặt trong lịch sử".

Cấp dưới nản lòng?

Theo Wall Street Journal, thông báo mới cho thấy sự cô độc và giận dữ ngày càng lớn của ông chủ Điện Kremlin. Hành vi của Tổng thống Nga khiến những người thân cận của ông lộ ra vẻ không thoải mái.

Ông Putin ra lời cảnh báo trên khi ngồi ở phía đầu của một chiếc bàn rất dài. Ngồi phía xa bàn là hai tướng lĩnh hàng đầu của Nga, những người vốn thường toát ra vẻ tự tin trước công chúng.

Sau khi ông Putin lệnh cho họ đặt vũ khí hạt nhân của đất nước trong tình trạng báo động cao, ông Sergei Shoigu - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lâu năm và là đồng minh thân thiết của ông Putin - cúi đầu ra hiệu đồng ý.

Cho đến nay, ông Putin dường như đã tính toán nhầm hậu quả kinh tế và chính trị, cũng như thách thức trên trận địa với Ukraine.

Ngay trước cuộc tấn công, ông Putin đã tấn công một cố vấn thân cận khác trong cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia chiếu trên truyền hình. Khi đó, ông Putin đã thẳng thừng chỉ trích Giám đốc Cơ quan Tình báo Nga Sergei Naryshkin vì không "nói thẳng".

Ông Naryshkin tỏ ra không thoải mái và vấp váp khi nhà lãnh đạo Điện Kremlin thúc ép ông bày tỏ quan điểm về việc liệu hai vùng ly khai của Ukraine là Donetsk và Luhansk có nên được công nhận là quốc gia độc lập hay không.

Ông Putin lục đục nội bộ, bị đồng minh xa lánh trong lúc cuộc chiến ở Ukraine chệch khỏi kế hoạch? - Ảnh 2.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Nga Sergei Naryshkin bị ông Putin chỉ trích ngay trên sóng truyền hình. (Ảnh: Zuma Press).

Đồng minh quay lưng?

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy rằng thậm chí các nước đồng minh cũng đang rời xa ông Putin. Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc yêu cầu của Ukraine là chặn các tàu chiến Nga đi vào Biển Đen.

Ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên và trợ lý hàng đầu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đăng trên Twitter hôm 27/2 rằng nước này sẽ "tiếp tục giúp đỡ người dân Ukraine và chấm dứt đổ máu trong cuộc chiến tranh phi nghĩa và phi pháp này."

Azerbaijan, nước thuộc cộng hòa Liên Xô cũ và là đồng minh của Nga, đã gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Thời gian tới, ông Putin sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao từ chính người dân Nga, những người sắp phải gánh hậu quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hàng dài người rút tiền tại các ATM vào cuối tuần trước đã buộc ngân hàng trung ương Nga phải trấn an rằng hệ thống tài chính của nước này vẫn ổn. Đồng ruble rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với đồng USD và nhà đầu tư nước ngoài bị cấm bán chứng khoán Nga nhằm ngăn thị trường sụp đổ.

Những nhân vật tiếng tăm của Nga, bao gồm một số nhà tài phiệt, đã chỉ trích cuộc xâm lược vào Ukraine. Hàng trăm người Nga đã đổ xuống đường biểu tình chống chiến tranh.

Ông Putin lục đục nội bộ, bị đồng minh xa lánh trong lúc cuộc chiến ở Ukraine chệch khỏi kế hoạch? - Ảnh 4.

Người biểu tình chống chiến tranh Ukraine ở quảng trường Pushkin, Moscow. (Ảnh: Shutterstock).

Một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ cho biết việc ông Putin động tới vũ khí hạt nhân là không cần thiết vì Nga chưa bao giờ bị NATO đe dọa và động thái này rất nguy hiểm vì có khả năng gây ra sai lầm.

Khả năng Ukraine sử dụng vũ khí hạt nhân là lời biện minh mà Nga hay viện dẫn cho xung đột. Nhưng Ukraine không có vũ khí hạt nhân. Ba năm sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Ukraine đã từ bỏ khoảng 1.800 vũ khí hạt nhân để đổi lấy bảo đảm an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.

Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine tuần trước, Nga bỏ phiếu chống dự thảo của Mỹ nhưng ba nước đồng minh là Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chỉ bỏ phiếu trắng. 

11 thành viên còn lại bỏ phiếu thuận. Điều này cho thấy không một nước nào sẵn lòng đứng về phía Moscow hoàn toàn. Các quan chức phương Tây coi đây là kết quả tốt, cho thấy sự cô lập của Moscow. 

 

Giang