|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây nhất trí dùng quân bài SWIFT, Nga trả đòn ra sao?

07:15 | 27/02/2022
Chia sẻ
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí ngắt kết nối nhiều ngân hàng của Nga khỏi hệ thống giao dịch liên ngân hàng SWIFT.
Phương Tây nhất trí dùng quân bài SWIFT, Nga trả đòn ra sao? - Ảnh 1.

Người dân Ukraine tập trung trước Đại sứ quán Nga tại Ukraine ngày 24/2/2022 để phản đối chiến tranh. (Ảnh: Reuters).

SWIFT là một tổ chức độc lập tại Bỉ, đóng vai trò là hệ thống liên lạc giữa 11.000 ngân hàng và các định chế tài chính khác ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các ngân hàng của Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT sẽ không thể giao dịch chuyển tiền, nhận tiền một cách bảo mật với ngân hàng nước ngoài.

Thông cáo chung của lãnh đạo Ủy ban Châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada viết: "Biện pháp này sẽ đảm bảo rằng nhiều ngân hàng của Nga bị ngắt khỏi hệ thống tài chính quốc tế, đồng thời gặp nhiều khó khăn trong hoạt động vận hành trên toàn cầu".

Mặc dù vậy, lệnh cấm này vẫn chừa lại một số khe hở để các quốc gia Châu Âu thanh toán tiền mua khí đốt của Nga. Các công ty Đức vẫn có thể chuyển tiền cho công ty con của mình ở Nga để giao dịch với đối tác. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết mọi lựa chọn đều có thể được xem xét, tức là trong tương lai lệnh trừng phạt với Nga có thể được siết chặt thêm.

Đức là một trong những nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt của Nga để giữ ấm trong mùa đông khắc nghiệt. Theo bảng thống kê dưới đây, nhiều nước còn dựa 100% vào Nga để đáp ứng nhu cầu khí đốt.

Phương Tây nhất trí dùng quân bài SWIFT, Nga trả đòn ra sao? - Ảnh 2.

Trước đó vào ngày 25/2, ba nước là Đức, Hungary và Italy đã phản đối đề xuất của các nước thành viên EU về việc cắt đứt hoàn toàn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT. Thủ tướng Đức cho rằng biện hà khắc này là chưa thực sự cần thiết. 

Sau khi xem xét lại giữa nhiều áp lực của cộng đồng quốc tế, Đức, Hungary và Italy đã đồng ý dùng đến SWIFT để trừng phạt Nga nhưng không cắt đứt hoàn toàn. Hơn 90% lượng khí đốt của Hungary đến từ Nga.

Trước Nga, Iran là nước duy nhất bị ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT vào năm 2014, nguyên nhân là Iran kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân. Sau khi bị cắt khỏi SWIFT, xuất khẩu dầu của Iran cũng suy giảm nhanh chóng, CNBC cho hay.

Ngoài chiêu bài SWIFT, Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) còn hạn chế tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, khiến cho Nga khó sử dụng kho dự trữ ngoại hối để trợ giá đồng ruble đang bị bán tháo vì cuộc chiến tại Ukraine. 

Tính đến 18/2 vừa qua, kho dự trữ ngoại hối của Nga có giá trị 643 tỷ USD, tăng hơn 80% so với đáy năm 2015.

Phương Tây nhất trí dùng quân bài SWIFT, Nga trả đòn ra sao? - Ảnh 3.

Nga đóng cửa bầu trời

Ngày 26/2, Nga thông báo đóng cửa không phận đối với máy bay của Slovenia và ba nước vùng Biển Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia. Theo AP, cơ quan hàng không dân dụng Nga cho biết quyết định này được đưa ra nhằm trả đũa việc 4 quốc gia nói trên đóng cửa không phận với tàu bay Nga.

Trước đó, Nga cũng đóng cửa bầu trời với tàu bay của Anh, Romania, Bulgaria, Ba Lan và Cộng hòa Séc để đáp trả động thái tương tự của các nước này.

Nga có không phận rộng lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển giữa châu Âu và châu Á. Nếu không thể bay qua Nga, tàu bay trên chục Á - Âu sẽ phải đi đường vòng, làm tăng thời gian và tiêu tốn thêm nhiên liệu.

Tuy vậy, việc nhiều nước châu Âu đóng cửa không phận với tàu bay Nga cũng khiến cho ngành hàng không Nga gặp nhiều khó khăn trong giao thông quốc tế.

Nga cũng có thể cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu, khiến cho giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt. Bản thân Nga cũng chịu không ít tổn thất vì mất đi một nguồn thu quan trọng.

Phương Tây gửi thêm vũ khí tới Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa phê chuẩn gói viện trợ trị giá 350 triệu USD cho Ukraine trong bối cảnh đất nước Đông Âu này đang chịu đợt tấn công dồn dập từ Nga.

"Gói viện trợ này sẽ bao gồm nhiều vũ khí sát thương để giúp Ukraine phòng thủ trước các mối đe dọa từ lực lượng thiết giáp, không quân và các đơn vị khác", Ngoại trưởng Blinken viết trong thông cáo hôm 26/2. Tính cả khoản 350 triệu USD nói trên, tổng hỗ trợ an ninh mà Mỹ dành cho Ukraine trong một năm qua là hơn 1 tỷ USD, ông Blinken nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 26/2 cho biết Lầu Năm góc sẽ ngay lập tức cung cấp cho Ukraine vũ khí chống tăng và phòng không. Ngày 25/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby nói rằng Mỹ đang nghiên cứu xem phương án nào là tốt nhất để đưa vũ khí viện trợ tới cho Ukraine giữa lúc chiến tranh hỗn loạn.

Tổng thống Joe Biden và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định sẽ không đưa binh sĩ trực tiếp tham chiến ở Ukraine.

Phương Tây nhất trí dùng quân bài SWIFT, Nga trả đòn ra sao? - Ảnh 5.

Quân đội Nga tấn công Ukraine từ 4 hướng

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 26/2 cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa phòng không Stinger, đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn so với lập trường trước đó. 

"Cuộc tấn công của Nga đánh dấu một bước ngoặt. Nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng hết sức để giúp Ukraine chống lại đội quân của Putin", ông Scholz viết trên Twitter.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hoan nghênh động thái của Đức: "Cứ thế mà phát huy nhé, Thủ tướng Olaf Scholz. Liên minh chống chiến tranh tiếp tục hành động".

Phương Tây nhất trí dùng quân bài SWIFT, Nga trả đòn ra sao? - Ảnh 6.

Thủy quân lục chiến Mỹ bắn một quả tên lửa phòng không Stinger năm 2017. (Ảnh: AP).

Cuối tháng 1, Đức chỉ đồng ý gửi 5.000 mũ chống đạn tới Ukraine, không cung cấp vũ khí sát thương. Số mũ chống đạn này đến Ukraine vào ngày 26/2, tức là hai ngày sau khi Nga bắt đầu tấn công.

Song Ngọc