Chiến sự Nga - Ukraine càng khiến thế giới thiếu thốn đủ đường
Sản xuất đứt gãy
Xung đột Nga - Ukraine đang chồng thêm rắc rối lên chuỗi cung ứng toàn cầu, một mạng lưới vốn vẫn còn lao đao vì đại dịch COVID-19.
Chiến sự khiến các nhà máy sản xuất ô tô ở Đức - vốn phụ thuộc vào linh kiện sản xuất tại Ukraine, phải đóng cửa; đồng thời, ảnh hưởng đến nguồn cung cho ngành thép tận Nhật Bản. Xung đột còn cắt đứt nhiều tuyến đường vận chuyển hàng hóa, cả đường hàng không lẫn đường bộ.
Tranh chấp quân sự tại Đông Âu cũng đang kìm hãm hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Ukraine và Nga, kéo giá dầu khí, lúa mì và dầu hướng dương tăng vọt, theo Wall Street Journal.
Đặc biệt, hoạt động vận tải từ các cảng của Ukraine, hành lang quan trọng cho các chuyến hàng ngũ cốc, kim loại và dầu của Nga đến phần còn lại của thế giới, đã đồng loạt ngừng hoạt động.
Các hãng vận tải và hàng không cảnh báo, quyết định đóng cửa không phận với Nga của nhiều quốc gia châu Âu và đòn trả đũa từ Moscow sẽ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Âu đến châu Á, khiến một số tuyến đường không khả thi về mặt thương mại.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây - đặc biệt là cấm một số ngân hàng lớn của Nga tham gia vào hệ thống Swift - sẽ khiến nhiều công ty gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch với Nga, ngay cả trong các lĩnh vực không bị trừng phạt.
Ngoài ra còn có nguy cơ phương Tây giáng lệnh trừng phạt vào những công ty hàng hóa đơn lẻ của Nga, hoặc Nga trả đũa bằng cách cắt nguồn cung sản phẩm ra nước ngoài.
Bà Dawn Tiura, Chủ tịch cấp cao tại Sourcing Industry Group nói với Wall Street Journal: "Việc Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga sẽ có tác động lan tỏa không chỉ đối với Nga mà còn trên toàn thế giới".
Các chính trị gia và chuyên gia phương Tây tin rằng dù nền kinh tế của họ sẽ chịu tác động, các lệnh trừng phạt sẽ giúp ngăn cản Tổng thống Nga Vladimir Putin leo thang xung đột trong những lĩnh vực khác.
Tuần trước, giá dầu đã lần đầu tiên leo lên trên mốc 100 USD/thùng kể từ năm 2014. Giá nhôm tăng 20% so với đầu năm và palladium nhảy vọt 26,7% trong cùng giai đoạn. Hợp đồng lúa mì giao dịch tại sàn Chicago tăng 12% trong tuần trước, lên mức cao nhất kể từ năm 2012.
Mọt số lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo vẫn còn quá sớm để biết được hậu quả đến chuỗi cung ứng sẽ kéo dài bao lâu. Lý do là tác động của chiến sự và lệnh trừng phạt vẫn chưa rõ ràng, và nhiều công ty có thể dựa vào tồn kho phụ kiện và nguyên liệu thô.
Ô tô là ngành đầu tiên cảm nhận tác động từ sự gián đoạn kinh tế mới. Tuần trước, Leoni, công ty chế tạo hệ thống dây điện ở Ukraine và bán cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu, đã phải đóng cửa hai nhà máy ở Ukraine và cho khoảng 7.000 nhân viên về nhà.
Ngày hôm sau, Volkswagen thông báo không thể mua được hệ thống dây điện do Ukraine sản xuất và sẽ phải ngừng hoạt động tại các nhà máy ở Zwickau, đông Đức trong vài ngày tuần này. Volkswagen sẽ cho hơn 8.000 lao động tạm nghỉ cho đến khi dây chuyền được nối lại.
Người phát ngôn của Volkswagen giải thích: "Ukraine vốn không phải là trung tâm chuỗi cung ứng của chúng tôi. Nhưng khi đột nhiên phát hiện bị thiếu hụt nguồn cung dây điện thì chúng tôi mới nhận ra tầm quan trọng của Ukraine".
Sự gián đoạn hàng hóa và nguyên liệu thô từ Nga và Ukraine có thể khiến tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu càng thêm trầm trọng. Theo nhóm nghiên cứu Techcet, các nhà sản xuất chất bán dẫn của Mỹ nhập khẩu khí neon và palladium gần như hoàn toàn từ Nga và Ukraine.
JP Morgan cho biết công ty Norilsk Nickel của Nga khai thác 40% palladium cũng như khoảng 11% sản lượng niken toàn cầu, kim loại được sử dụng để sản xuất thép không gỉ và pin xe điện.
Vận tải gián đoạn
Gián đoạn giao thông ngày càng trở nên tồi tệ. Ít nhất 22 tàu chở dầu đã làm tắc nghẽn eo biển Kerch, tuyến đường thủy quan trọng do Nga kiểm soát, vì các cảng bị đóng cửa. Hy Lạp, quốc gia vận hành 1/4 đội tàu chở dầu toàn cầu, đang kêu gọi các chủ tàu đưa tàu ra khỏi vùng biển của Nga và Ukraine ở Biển Đen.
Theo Commerzbank AG, Nga và Ukraine tổng cộng chiếm gần một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới cùng 19% lượng ngô và 80% dầu hướng dương. Phần lớn được chuyên chở qua các cảng hiện đang phải đóng cửa ở Biển Đen.
Một chiếc thuyền lớn được thuê bởi Cargill, nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu thế giới, đã bị trúng đạn ngoài khơi bờ biển Ukraine ở Biển Đen hôm 24/2. Ông Oleg Solodukhov, đối tác công ty tư vấn vận tải biển Charterers, cho biết một chuyến hàng thép đã không thể rời cảng Mariupol của Ukraine sau khi có thông tin lực lượng Nga đã đặt mìn trên biển.
Tập đoàn thép đa quốc gia ArcelorMittal nói rằng sự gián đoạn đang ngăn các doanh nghiệp thép tại Ukraine nhập nguyên liệu thô và xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài.
Xa hơn nữa về phía tây bờ Biển Đen, chính phủ Ukraine đã đóng cửa cảng biển ở Odessa sau khi cuộc chiến bắt đầu.
Ông Philip Sweens, Giám đốc công ty logistics Đức HHLA cho biết nếu cảng đóng cửa trong thời gian dài thì việc đưa thực phẩm và đồ dùng người dân cần vào Ukraine sẽ gặp rắc rối. "Ukraine là rổ bánh mỳ của châu Âu, nên điều đầu tiên người châu Âu nhận thấy sẽ là giá thực phẩm tăng", ông nói thêm.
Kể từ năm ngoái, tắc nghẽn cảng biển nghiêm trọng đã thúc đẩy một số công ty vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào châu Âu bằng các tuyến đường sắt đi qua Nga. Ông Glenn Koepke, Giám đốc cấp cao tại FourKites cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021 có tới hơn 300.000 container cỡ 20 feet được chuyển bằng đường sắt từ Trung Quốc đến EU.
Ngày 27/2, các nước gồm Anh, Ba Lan và Bulgaria đã cấm các hãng hàng không Nga vào không phận. Một số công ty vận tải, bao gồm DSV của Đan Mạch và Deutsche Post có trụ sở tại Đức, phải tạm ngừng các dịch vụ đến và đi từ Ukraine và đóng cửa văn phòng tại nước này. Hai gã vận tải khổng lồ của Mỹ là FedEx và UPS cũng đình chỉ các chuyến hàng vào Nga và Ukraine.