|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới đầu tư khuyên gì trong xung đột quân sự Nga - Ukraine?

14:04 | 28/02/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine ngày càng trầm trọng và hậu quả từ các lệnh trừng phạt nã vào Nga vang dội khắp các thị trường toàn cầu, nhà đầu tư phải vắt chân lên cổ để bắt kịp tình hình.
Giới đầu tư khuyên gì trong chiến tranh Nga-Ukraine? - Ảnh 1.

Khói bốc lên bao trùm thị trấn Vasylkiv bên ngoài Kiev ngày 27/2. (Ảnh: AFP).

Trong phiên giao dịch đầu tuần này (28/2), các tài sản an toàn như trái phiếu, vàng và USD bật tăng, trong khi những tài sản ưa rủi ro như đô la Úc (AUD) và đồng tiền của các thị trường mới nổi lại gặp áp lực. Cùng lúc, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và châu Âu lao dốc, nhưng giá dầu thô nhảy vọt.

Nhìn chung giờ đây, nhà đầu tư đang phải đối mặt với giá hàng hóa leo thang trong khi lạm phát ở mức đỉnh nhiều năm và tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Họ cũng phải dốc sức vật tìm hiểu xem liệu các ngân hàng trung ương có thể sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ như thế nào để đối phó với loạt thách thức mới.

Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia đầu tư do Bloomberg chọn lọc trong bối cảnh chiến sự tại Đông Âu ngày càng căng thẳng và rủi ro trên thị trường tài chính tăng cao:

Đề phòng rủi ro bằng năng lượng

Ông Ben Emon, chuyên gia kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Medley Global Advisors nói trên Bloomberg TV: "Rủi ro lớn nhất của khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ là khả năng gián đoạn năng lượng" cũng như tác động tới giá thực phẩm và các loại hàng hóa khác.

"Bạn nên định vị bản thân theo chiều hướng đó, tức là rót tiền vào những công ty tập trung vào các loại hàng hóa khác nhau, bao gồm năng lượng".

Ông nói thêm rằng thêm nhiều công ty khác có thể thông báo thoái vốn sau khi tập đoàn dầu khí BP (Anh) lên kế hoạch buông bỏ 20% cổ phần trong doanh nghiệp dầu lớn nhất Nga là Rosneft. Các công ty năng lượng của Mỹ nhiều khả năng sẽ phản ứng tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp châu Âu.

Một ngân hàng trung ương thành "bất lực"

Ngân hàng trung ương Nga có thể trở nên "bất lực" trong việc bảo vệ đồng ruble nếu đòn trừng phạt của phương Tây thành công, các chuyên gia ngân hàng National Australia Bank nhận định.

Phương Tây nhất trí dùng quân bài SWIFT, Nga trả đòn ra sao? - Ảnh 3.

Ông Ray Attrill, trưởng bộ phận đầu tư ngoại hối của ngân hàng viết trong lưu ý: "Phương Tây đã nhắm tới ngân hàng trung ương Nga nhằm ngăn cản Moscow tiếp cận kho dự trữ ngoại hối trị giá 643 tỷ USD. Nếu ngân hàng trung ương Nga không thể tiếp cận dự trữ thì cũng không thể ngăn đồng ruble rơi tự do".

Quyết định chính sách tiền tệ khó khăn

Lưu ý của bà Silvia Dall'Angelo, nhà kinh tế cấp cao của Federated Hermes viết: "Nhìn từ góc độ chính sách tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine càng làm phức tạp thêm bài toán tăng trưởng - lạm phát mà các ngân hàng trung ương đang đối mặt, khiến quyết định tiếp theo trở nên đặc biệt khó khăn".

"Trong môi trường lạm phát phình to và lo ngại về giá năng lượng ngày càng lớn, khả năng cao là các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục rút bớt kích thích tiền tệ. Nhưng rủi ro suy giảm tăng trưởng từ bối cảnh địa chính trị sẽ khiến họ hành động từ tốn và cẩn trọng. Có thể nói rằng chiến tranh làm gia tăng nguy cơ các nhà hoạch định chính sách mắc sai lầm".

Khó mà bán khống

Các chuyên gia của công ty nghiên cứu 22V Research viết trong lưu ý: "Tuy chúng tôi không kêu gọi nhà đầu tư bắt đáy, nhưng chúng tôi càng không khuyến khích mọi người bán khống trong dài hạn. Giả định của chúng tôi là xung đột hiện nay sẽ không tạo ra thảm họa".

"Tâm lý mua lại cổ phiếu và cổ tức của nhà đầu tư đang duy trì ở mức rất cao, cho thấy nhà đầu tư có thể kiếm được tiền lời trong tương lai. Thêm vào đó, tỷ trọng của cổ tức và cổ phiếu mua lại trong dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng không phình to". 

"Chốt lại, đặt cược chống lại thị trường dựa trên giả định tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp giảm tốc và điều kiện tài chính bị thắt chặt là không hợp lý. Đặt cược vì tin rằng giá dầu sẽ vọt lên 150 USD/thùng khi Nga leo thang căng thẳng và kéo châu Âu vào suy thoái sâu thì lại là câu chuyện khác".

Bỏ qua biến động hàng ngày

Ông Jung Sang-Jin, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Korea Investment Management, nhận định: "Thị trường châu Á có thể sẽ biến động rất lớn mỗi ngày nhưng khi nhìn vào xu hướng dài hạn, thì việc bắt đầu mua vào cũng không phải phi lý. Nhà đầu tư không cần phản ứng nhạy cảm với mỗi diễn biến ngắn hạn".

Với ông Jung, nỗi lo lớn nhất là áp lực lạm phát kéo dài đến nửa cuối năm. Nhưng nếu điều này không xảy ra thì "chúng ta có thể ngó lơ các yếu tố ngắn hạn khác".

Tâm lý ngại rủi ro đã đạt đỉnh?

Nhóm chuyên gia JPMorgan do ông Mixo Das dẫn đầu viết trong lưu ý: "Tâm lý ngại rủi ro liên quan tới xung đột Nga - Ukraine có thể đã lên đến đỉnh. Thị trường thường định giá quá cao những ẩn số đã biết và dẫn đến mô hình kinh điển 'bắt đáy khi sự thật diễn ra' (buy the fact). Tuy quy mô cuộc xâm lược tồi tệ hơn dự kiến, việc Nga không thắng lợi nhanh chóng đã làm giảm nguy cơ xuy đột lan rộng".

Ông Das nhắc nhà đầu tư rằng Nga và Ukraine chỉ chiếm dưới 2% GDP toàn cầu và giá trị tài sản  chịu rủi ro của các ngân hàng toàn cầu với Nga còn chưa đến 100 tỷ USD.

Giang